Sống thấp thỏm vì sạt lở sông Hương

VHO - Sau đợt mưa lũ kéo dài những ngày qua, nhiều người dân sinh sống ven sông Hương qua địa phận phường Hương Hồ, TP.Huế đối mặt với tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng. Có nhà chỉ cách mép sông hơn chục mét, nguy cơ “sông nuốt nhà” khi tiếp tục mưa lớn…

Sống thấp thỏm vì sạt lở sông Hương - Anh 1

Sạt lở nghiêm trọng đã làm khu vườn của gia đình ông Nguyễn Cửu Tổng đổ sập xuống sông Bạch Yến

Ngày 19.10, khi vừa ngớt mưa, gia đình ông Nguyễn Cửu Tổng (81 tuổi) trú tại tổ dân phố Long Hồ Hạ 2 đã huy động thêm người thân, cùng với sự hỗ trợ của bà con lối xóm để tiếp tục kè đá, đắp đất nhằm gia cố khu vực sạt lở cạnh nhà. Trong đợt mưa lớn từ ngày 13.10, cùng với nước sông dâng cao,  khu vườn trồng cây lâu năm của gia đình ông Tổng đã bị sạt xuống sông Bạch Yến (một nhánh của sông Hương) và trôi theo dòng nước.

Sống thấp thỏm vì sạt lở sông Hương - Anh 2

Chính quyền địa phương đã giăng dây rào chắn, đặt biển cảnh báo các khu vực sạt lở

Theo ghi nhận tại hiện trường, nhiều cây xanh, cây ăn quả lâu năm trong vườn nhà ông Tổng đã bị cuốn ra giữa dòng sông, một đoạn vườn dài gần 50 mét bị “ngoạm sâu” hơn 20 mét. Ngôi nhà của gia đình vừa mới xây dựng lại hơn 2 năm, là nơi sinh sống của 7 nhân khẩu, cả vợ chồng ông Nguyễn Cửu Tổng, vợ chồng con trai và các cháu. Hiện nay, tình trạng sạt lở ngày một nghiêm trọn khu vực lở đất chỉ còn cách ngôi nhà hơn 10 mét.

Ông Nguyễn Cửu Tổng cho biết: những ngày qua, dù mưa lớn nhưng gia đình cũng phải tập trung đóng cọc tre, đắp đất, kè đá để tạm thời khắc phục, hạn chế nước sông ăn sâu vào vườn và nhà cửa. Mấy ngày qua, con cháu trong nhà cũng ăn ngủ không yên, đêm hôm là nơm nớp lo sợ. Chỉ mong chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng quan tâm để có giải pháp khắc phục sớm, tránh lan điểm sạt lở ra các nhà dân khu vực xung quanh.

Sống thấp thỏm vì sạt lở sông Hương - Anh 3

Để hạn chế sạt lở lan rộng, gia đình ông Tổng đã đóng cọc tre, đổ đá kè tạm thời. 

Tại khu vực thôn Long Hộ Thượng, một số hộ dân sống ven sông Hương cũng bị sạt lở nghiêm trọng, đất vườn, công trình, vật dụng bị cuốn theo xuống sông, nguy cơ đe dọa đến tài sản và tính mạng của người dân trong vùng. Khu vực tịnh thất Phước Thiện Lan Nhã đã bị sạt lở với chiều dài gần 70 mét, sâu hơn 10 mét, cuốn trôi khu vực nhà bếp, bậc cấp, cây xanh. Hiện nay, vùng sạt lở càng ăn sâu, ảnh hưởng đến nền móng sân vườn của tịnh thất và các lối đi của dân cư xung quanh.

Cư sĩ Thích Nhật Thiện cho biết: sau khi sạt lở xảy ra, địa phương đã đến nắm tính hình, ghi nhận và đặt biển cảnh báo. Chúng tôi cũng đã dăng dây rào chắn lại khu vực sạt lở, thông báo đến mọi người nhằm tránh nguy hiểm.

Sống thấp thỏm vì sạt lở sông Hương - Anh 4

Sạt lở sông Hương ở khu vực qua Tổ dân phố Long Hồ Thượng, phường Hương Hồ, TP.Huế

Theo UBND phường Hương Hồ, đợt mưa lớn vừa qua đã khiến nhiều điểm ven sông Hương, sông Bạch Yến qua địa bàn phường đã xuất hiện 7 điểm sạt lở ảnh hưởng đến đất vườn và đe dọa đến nhà dân. Ngoài ra, một số tuyến đường bê-tông dọc sông cũng bị sạt lở, gây hở hàm ếch; và nguy cơ sạt trượt đồi, núi ở tổ dân phố Xước Dũ.

Ông Trần Đình Long, Phó Chủ tịch UBND phường Hương Hồ cho biết: chính quyền địa phương đã cắt cử lực lượng nắm tình hình sạt lở dọc sông Hương, sông Bạch Yến cũng như thăm hỏi, hỗ trợ các hộ dân di chuyển đồ đạc, tài sản đến nơi an toàn. Chúng tôi cũng làm việc với các hộ dân và vận động người dân thực hiện một số biện pháp nhằm gia cố các điểm sạt lở, hạn chế lan rộng; có biện pháp đảm bảo an toàn khi sạt lở có nguy cơ xâm lấn, ảnh hưởng các ngôi nhà đang sinh sống.

Sống thấp thỏm vì sạt lở sông Hương - Anh 5

Khu nhà bếp, lối bậc cấp, tường nền... của tịnh thất Phước Thiện Lan Nhã bị sạt đổ xuống sông Hương

“Địa phương cũng đã báo đến các cơ quan chức năng của TP.Huế về tình hình sạt lở để UBND TP.Huế sớm có kế hoạch khảo sát, đánh giá nguy cơ. Qua đó, sớm có hướng đầu tư xây dựng các tuyến kè chống sạt lở”- ông Trần Đình Long nói.

Theo ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: đợt mưa lớn vừa qua, từ 10.10 đến nay, toàn tỉnh có mưa lớn từ hơn 600- 1.200mm, riêng Bạch Mã là hơn 1.600mm. Mưa lớn đã gây ra sạt lở dọc sông Hương, sông Bồ cũng như hệ thống sông nhánh như sông Bạch Yến. Hiện có hơn 40 điểm sạt lở ven sông với tổng chiều dài gần 21km, đặc biệt có nhiều điểm nguy cơ cao dọc sông Hương và sông Bồ. Trong thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương rà soát các điểm sạt lở để xử lý nhanh các điểm nguy cơ cao có ảnh hưởng đến khu dân cư, cơ sở hạ tầng… Đồng thời, tổ chức cắm tiêu vè, biển cảnh báo, hạn chế người dân đi lại để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.

“Những điểm nguy cơ cao, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương các đơn vị lập các dự án, căn cứ vào nguồn lực và kinh phí dự phòng ở các địa phương để xử lý khẩn cấp bước đầu nhằm bảo vệ người dân và cơ sở hạ tầng. Về lâu dài, khảo sát, nghiên cứu xây dựng dự án xử lý ...”- ông Đặng Văn Hòa nói.

Bài, ảnh: SƠN THÙY

 

Ý kiến bạn đọc