Xung quanh danh hiệu “Nhà thơ thế giới” Tống Thu Ngân: Háo danh hết chỗ nói!

VHO- “Vì danh tiếng, người ta sẵn sàng làm mọi thứ để được tung hô và khoe khoang thành tích. Điều này sẽ tác động tiêu cực đối với sự phát triển của cá nhân và xã hội. Hệ lụy của thói háo danh là vô cùng lớn. Danh hiệu chỉ xứng đáng khi chúng ta có cống hiến thực sự hữu ích cho cộng đồng, đúng như ông cha ta từng nói “y phục xứng kỳ đức”, nếu không, xã hội sẽ loạn danh xưng”…

Xung quanh danh hiệu “Nhà thơ thế giới” Tống Thu Ngân: Háo danh hết chỗ nói! - Anh 1

 Chương trình “vinh danh” có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi sử dụng trái phép logo của nhiều cơ quan báo, đài quốc gia và chưa được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã nhận định như trên, khi mới đây, một “thi nhân” không tên tuổi tự nhận mình là “Nhà thơ thế giới” khiến cư dân mạng xôn xao. Nhiều văn nghệ sĩ, chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa cũng đã lên tiếng thể hiện sự bức xúc trước vụ việc danh hiệu “lạ”… từ trên trời rơi xuống này.

Hàng loạt danh hiệu… chưa từng có

Theo đó, những hình ảnh về Gala chung kết Du lịch và Tài năng kỷ lục châu Á - Lễ hội doanh nghiệp thương hiệu vàng Đất Việt, Doanh nhân tiêu biểu Việt Nam diễn ra tại Quảng Ninh lan truyền trên mạng xã hội mấy ngày qua đang thu hút sự chú ý của dư luận. Tại sự kiện, nhân vật chính là bà Tống Thu Ngân được “vinh danh” với hàng loạt danh hiệu như “Nhà thơ thế giới”; “Chủ tịch Hội đồng kỷ luật cấp cao của Liên đoàn các nhà thơ thế giới”; “Đại sứ trọn đời của Liên đoàn các nhà thơ thế giới”; “Phó Chủ tịch Hội đồng những người bảo vệ các nhà thơ thế giới”; “Chủ nhiệm nhiều CLB thơ trong và ngoài nước”...

Ngay khi những “mỹ tự” lạ xuất hiện trên mạng xã hội, công chúng không khỏi bật cười và quay sang ngơ nhác hỏi nhau rằng: Có thật hay không?! Đáng chú ý, trên phông nền sân khấu của chương trình có hiện diện logo của hàng loạt đơn vị truyền thông lớn với danh nghĩa tài trợ cho sự kiện này, như: Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV); Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC… Trả lời báo chí, ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam khẳng định: “VOV không có cam kết cùng tham gia tổ chức hay bảo trợ cho sự kiện này. Lãnh đạo Đài đang yêu cầu các đơn vị trực thuộc xác minh, báo cáo và có ý kiến chính thức. Gần đây, một số đơn vị đã tùy tiện sử dụng logo của VOV, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đài. Chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý phù hợp, bảo vệ uy tín và thương hiệu của Đài quốc gia”.

Về vấn đề này, Sở VHTT tỉnh Quảng Ninh đã có thông cáo báo chí khẳng định, Công ty cổ phần Hằng Holy Group đơn vị tổ chức chương trình Du lịch và tài năng kỷ lục châu Á trong ngày 22 và 23.12 tại TP Cẩm Phả và Hạ Long khi chưa có văn bản hướng dẫn và chấp thuận cho phép tổ chức sự kiện của cơ quan có thẩm quyền; chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ, kế hoạch phối hợp tổ chức; chưa cung cấp kịch bản, chương trình chi tiết tổ chức các hoạt động đảm bảo theo quy định của pháp luật. Thanh tra Sở VHTT tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tiến hành kiểm tra, xác minh để xử lý theo quy định đối với Công ty CP Hằng Holy Group.

Cần dẹp thói háo danh

Trao đổi với Văn Hóa, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương cho rằng, việc bà Tống Thu Ngân tự cho mình là “Nhà thơ thế giới” cùng loạt danh hiệu “tự nghĩ ra” đã thể hiện sự thiếu tôn trọng xã hội. Hành động này còn gây ảnh hưởng xấu trong phát triển môi trường thi ca. “Chúng ta đang tập trung xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người, mà ở đó, mọi lĩnh vực đều có chuẩn mực nhất định. Chẳng hạn, trong lĩnh vực văn hóa, chúng ta có Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú; giáo dục có Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú... đây là những thước đo để đánh giá và thể hiện sự công nhận của Nhà nước, công chúng với cống hiến của cá nhân. Họ phải nỗ lực lao động vất vả cả đời để được công nhận. Thế nhưng, có những người không có cống hiến gì nhưng vẫn “khát” được tung hô. Thực tế, người tài thường khiêm tốn, giản dị chứ ít ai lên mạng xã hội để khoe mẽ”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nói. Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương nhận định, việc BTC tổ chức sự kiện tự ý sử dụng logo của các cơ quan báo chí uy tín là hành động coi thường pháp luật. Do đó, cần phải xác minh làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan và có chế tài xử lý nghiêm, tạo lòng tin trong dư luận.

Đồng ý kiến, PGS.TS Bùi Hoài Sơn đề xuất, bên cạnh việc nhấn mạnh những đức tính tốt đẹp của người Việt, tạo môi trường tích cực để phát triển văn hóa thì cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội để dẹp bỏ những “thói hư, tật xấu”, trong đó có thói háo danh. Mọi sự phản ánh kịp thời đều giúp thức tỉnh các cá nhân, tổ chức trong xã hội, tránh những sự việc tương tự như bà Tống Thu Ngân. “Chúng ta cần thể chế hóa, quy định cụ thể những gì được làm và không được làm trong từng hoàn cảnh và đối tượng cụ thể. Với những vụ việc tự phong danh hiệu, gây bức xúc trong dư luận, chúng ta cần xử phạt nghiêm để có “án điểm”. Đối với danh hiệu, xã hội nên đánh giá một cá nhân dựa trên thành tích cụ thể họ đạt được chứ không chỉ dựa vào bằng cấp, nếu không rất dễ nảy sinh những sự việc nực cười như trên. Trong trường hợp này, một cá nhân đã là đáng trách nhưng ở đây lại có hẳn một tổ chức, đơn vị đứng ra làm một cách quy mô, bài bản thì phải tẩy chay mạnh mẽ hơn nữa”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn kiến nghị.

Trong giới chuyên môn, nhà thơ Đoàn Văn Mật, Trưởng ban Thơ (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) bày tỏ: “Trong văn chương, quan trọng nhất vẫn là tác phẩm. Tác phẩm chính là yếu tố làm lên tên tuổi của nhà văn. Một nhà văn, nhà thơ có thể mất cả chục năm để khẳng định tên tuổi trên văn đàn. Dù cây viết có nhận mình là ai, danh xưng của cá nhân đó lớn đến cỡ nào mà công chúng không ai biết đến sáng tác của họ; hoặc sáng tác của người đó không có đóng góp gì cho sự nghiệp phát triển văn học nói riêng và văn hóa nói chung thì danh xưng ấy chỉ là phù phiếm”. 

Chúng ta đang tập trung xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người, mà ở đó, mọi lĩnh vực đều có chuẩn mực nhất định. Chẳng hạn, trong lĩnh vực văn hóa, chúng ta có Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú; giáo dục có Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú... đây là những thước đo để đánh giá và thể hiện sự công nhận của Nhà nước, công chúng với cống hiến của cá nhân. Họ phải nỗ lực lao động vất vả cả đời để được công nhận.

Thế nhưng, có những người không có cống hiến gì nhưng vẫn “khát” được tung hô. Thực tế, người tài thường khiêm tốn, giản dị chứ ít ai lên mạng xã hội để khoe mẽ.

(PGS.TS NGUYỄN THẾ KỶ)

 

ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc