Văn học cho thiếu nhi: Bừng tỉnh sau thời gian dài “ngủ quên”

VHO- Hiện mảng văn học dành cho thiếu nhi trên thị trường không nhiều, chủ yếu là tái bản các tác phẩm kinh điển, sách dịch; tác phẩm mới còn hạn chế và chưa thực sự tạo được dấu ấn trên văn đàn. Rất may là thể loại này đang nhận được sự quan tâm từ nhiều phía, tạo kỳ vọng có thể lấp đầy khoảng trống văn chương dành cho trẻ em.

Văn học cho thiếu nhi: Bừng tỉnh sau thời gian dài “ngủ quên” - Anh 1

 Văn học sẽ là “cái neo” giúp các bạn trẻ đứng về phía thiện và bảo tồn phát huy bản sắc dân tộc Ảnh: ITN

 Mới đây, NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức Lễ ra mắt Tủ sách Văn học trẻ và giới thiệu những tác phẩm đầu tiên. Ông Hoàng Lê Bách, Tổng giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam cho biết: “Văn học trẻ là mảng sách còn rất thiếu trong các thư viện nhà trường và tủ sách gia đình, cần thiết phải bổ sung nhiều tác phẩm hơn nữa để nuôi dưỡng tâm hồn cho lứa tuổi thanh thiếu niên nước nhà. Đứng trước những đòi hỏi của thời đại mới với những thay đổi hằng ngày, hằng giờ về mặt công nghệ, việc gìn giữ và bồi đắp những giá trị cốt lõi trong phẩm chất con người càng cần được đề cao. Văn học sẽ là “cái neo” các bạn trẻ đứng về phía thiện và bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc”.

Tủ sách Văn học trẻ giới thiệu những tác phẩm có giá trị nhân văn sâu sắc, phù hợp với tâm lý lứa tuổi bắt đầu tìm hiểu, nhận biết thế giới, những vấn đề các em gặp phải nhưng nhiều khi không biết lối đi, không tìm được người chia sẻ. Đồng thời, đóng góp tích cực hơn nữa vào việc phát triển văn hóa đọc lành mạnh trong lứa tuổi học sinh, góp phần phát triển một thế hệ tương lai có trách nhiệm, kích thích khả năng sáng tạo và ươm mầm những ước mơ.

Đánh giá cao việc mở ra Tủ sách Văn học trẻ, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: “Trước kia, văn học thiếu nhi rất được quan tâm, trên các tờ báo lớn như Văn nghệ, Nhân dân… đều có chuyên mục dành cho các em; ngoài người lớn viết, còn khuyến khích trẻ em viết. Nhưng suốt thời gian dài vừa qua, có rất ít chuyên mục như vậy, tác giả viết cho thiếu nhi hiếm khi giành được giải thưởng. Đó cũng là lý do vì sao loại hình này cứ mai một, nhà văn viết cho trẻ em cũng vắng dần. Quả thực, chúng ta đã sao nhãng quá lâu, gần đây mới tỉnh ngủ”. Bằng chứng là đã có một số giải thưởng cho văn học thiếu nhi ra đời, với giá trị giải thưởng cao hơn cả giải của Hội Nhà văn Việt Nam, tạo động lực khuyến khích các tác giả; rồi các cuộc thi tạo sân chơi để trẻ em đến với sách, qua đó thấy các em viết rất giỏi, có nhiều ý tưởng hay…

Từng có một “thế hệ vàng” các nhà văn viết cho thiếu nhi, nhưng trong thời buổi công nghệ nghe nhìn phát triển, chỉ một số ít nhà văn “ăn khách” mới bán được tác phẩm. Trong khi đó, trước những yêu cầu bức thiết về năng lực và phẩm chất đa dạng phải trang bị trong thời đại mới, học sinh không chỉ cần có những kiến thức cơ bản mà còn cần tự mình trau dồi hiểu biết rộng lớn về nhiều lĩnh vực của cuộc sống, về những nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Nhờ đó, các em có thể trở thành những công dân toàn cầu, khẳng định bản thân và đạt tới thành công trong môi trường quốc tế. Đọc sách là chiếc chìa khóa quan trọng, giúp các em có thể vươn tới những mục tiêu ấy.

Trước tình trạng như vậy, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, Phó tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam cho rằng, ngoài việc ra mắt Tủ sách, NXB Giáo dục Việt Nam cũng dự kiến tổ chức các cuộc thi viết cho thiếu nhi; mua bản quyền, dịch và xuất bản các tác phẩm chất lượng từ các quốc gia; đồng thời tổ chức đặt hàng nhà văn theo các chủ đề của môn Ngữ văn, Tiếng Việt trong chương trình giáo dục phổ thông… Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng cho biết, mới đây, Cục Nghệ thuật biểu diễn và Hội Nhà văn Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp Thực hiện công tác quản lý nhà nước về văn học giai đoạn 2021-2025, trong đó có đề án “Trao giải quốc gia về văn học nghệ thuật dành cho trẻ em”. Bên cạnh đó, Hội đang có ý tưởng về Quỹ văn học dành cho thiếu nhi, tổ chức các cuộc thi, trại viết của nhà văn viết cho thiếu nhi…

Thu hút sự chú ý của các cơ quan quản lý, tổ chức hội, các tác giả, nhà xuất bản, mảng sách thiếu nhi đang được kỳ vọng sẽ có được vị thế xứng đáng trong đời sống văn học hiện nay. 

 MINH ĐAN

Ý kiến bạn đọc