Tủ sách Việt bắc nhịp cầu mới cho văn hóa đọc
VHO- Những năm gần đây, thay vì ấn hành từng cuốn sách riêng lẻ, xu hướng cho ra đời các Tủ sách đã được nhiều đơn vị xuất bản chú trọng, nhằm mang tới “chùm” tác phẩm chất lượng theo cùng chủ đề và thể loại. Qua đó, góp phần giới thiệu cái hay, cái đẹp của văn hóa nghệ thuật cũng như những giá trị trường tồn của đất nước, con người Việt Nam.
Một số đầu sách trong Tủ sách vàng của NXB Kim Đồng Ảnh: ITN
Những ấn phẩm trong Tủ sách được giới thiệu một cách có hệ thống, đa dạng giúp độc giả mở mang kiến thức, từ đó nuôi dưỡng tâm hồn và hướng tới những giá trị chân - thiện - mỹ.
Đất nước, văn hóa, con người hiện lên qua từng trang sách
Công ty TNHH Văn hóa và Truyền thông Lệ Chi (Chibooks) vừa ra mắt Tủ sách Văn hóa Việt, với các tác phẩm viết về đặc trưng của từng vùng miền Việt Nam và mở rộng giao lưu với các quốc gia trên thế giới. Tủ sách có cách tiếp cận khá đa dạng, với tiêu chí giới thiệu về văn hóa, con người, lối sống, ẩm thực… qua các tập khảo cứu, tản văn, bút ký... của các nhà văn, nhà báo, chuyên gia nghiên cứu lâu năm, người dân bản địa có kinh nghiệm thực tế từng trải, uy tín... Giai đoạn đầu, Tủ sách sẽ giới thiệu các đầu sách như: Vắt qua những ngàn mây (tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng), Sài Gòn ruổi rong nỗi nhớ (Đào Thị Thanh Tuyền), Nha Trang mùa đẹp nhất (Đào Thị Thanh Tuyền), Bên sông Ô Lâu và Về Huế ăn cơm (Phi Tân), Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời (Vũ Thế Long), Hà Nội những phố những người (Nguyễn Việt Cường), Tình đất mặn (Nguyễn Chí Ngoan)... Đây là những tác phẩm văn học đã tạo được sự đồng cảm và lan tỏa tình yêu dành cho Tổ quốc, con người Việt Nam với giọng văn mượt mà, giàu cảm xúc.
Theo bà Nguyễn Lệ Chi, Giám đốc Chibooks, trong thị trường xuất bản Việt Nam, sách giới thiệu về văn hóa vùng miền không nhiều, thậm chí chỉ tập trung vào một vài đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… Do số lượng ít và cũng không được giới thiệu rộng nên mảng sách này trở nên thiếu hụt. Độc giả trẻ cũng bị thiệt thòi trong việc tiếp cận, tìm hiểu về văn hóa, ẩm thực của các vùng miền khác trong cả nước, chưa nói đến độc giả Việt sinh sống tại nước ngoài hoặc độc giả quốc tế quan tâm tới tiếng Việt. Bởi vậy, Chibooks quyết định mở Tủ sách này, với các tác phẩm viết về miền núi phía Bắc, miền Tây Nam Bộ, các tỉnh, thành phố như Quảng Nam, Huế, Nha Trang… để độc giả có thêm sự chọn lựa đa dạng, phong phú. Qua đó, giúp họ thêm yêu, thêm hiểu về con người, văn hóa, ẩm thực đặc trưng, thêm yêu về quê hương đất nước Việt Nam. Song hành với xuất bản tiếng Việt, Chibooks sẽ chọn lọc một số đầu sách để chuyển ngữ và xuất khẩu đi các nước trong khu vực cũng như tham gia các hội chợ sách quốc tế, chào bán bản quyền ra thế giới. Riêng hai tác phẩm Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời và Nha Trang mùa đẹp nhất đã được dịch sang tiếng Trung.
Không chỉ các đơn vị xuất bản, một số địa phương cũng quan tâm xây dựng Tủ sách. Tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã công bố đề án Tủ sách Huế và ra mắt ấn phẩm đầu tiên Địa chí văn hóa Huế. Đề án ra đời với mục tiêu giới thiệu về vùng đất Cố đô thông qua các tác phẩm, những đầu sách độc, lạ, có giá trị được sưu tầm, phục dựng; khôi phục các đầu sách viết về Huế, khích lệ văn hóa đọc, hướng tới xây dựng một xã hội đọc sách; và thông qua Tủ sách, xây dựng sách như món quà tặng mang ý nghĩa nhân văn của người Huế tặng cho du khách thập phương khi đến nơi này.
Bồi đắp giá trị chân - thiện - mỹ
Mới đây, Công ty cổ phần sách Omega Việt Nam cũng cho ra mắt Tủ sách Nghệ thuật, nhằm giới thiệu một cách hệ thống, khái quát kiến thức về lĩnh vực nghệ thuật. Có thể nói, so với sách dạy kỹ năng, dạy làm giàu, sách khoa học kỹ thuật... dòng sách nghệ thuật đem lại giá trị khác biệt với những gì mà độc giả đang được thụ hưởng, góp phần tạo sự phong phú, nhân văn cho cuộc sống. Trước đó, đơn vị này cho ra mắt Tủ sách Pháp ngữ, với nhiều tác phẩm được lựa chọn và biên dịch là các tập du ký, bản tường trình, ghi chép tản mạn… của người Pháp về Việt Nam trong quá khứ, giúp độc giả hiểu thêm về diện mạo đất nước giai đoạn trước qua tư liệu còn lưu giữ tới ngày nay. Tương tự, NXB Giáo dục Việt Nam ra mắt Tủ sách Văn học trẻ, nhằm giới thiệu tới độc giả những tác phẩm văn học có giá trị nhân văn sâu sắc, phù hợp với tâm lý lứa tuổi bắt đầu tìm hiểu, nhận biết thế giới, đóng góp tích cực hơn nữa vào việc phát triển văn hóa đọc lành mạnh trong lứa tuổi học sinh, góp phần phát triển một thế hệ tương lai biết chia sẻ và có trách nhiệm.
Trong quá trình phát triển, NXB Kim Đồng đã có nhiều tủ sách giá trị, trong đó, Tủ sách Vàng được phát hành mỗi tuần một tập, liên tục trong suốt 6 năm (1995-2001) đã thực sự thu hút độc giả. Các tác phẩm được chọn lọc trong Tủ sách Vàng là nguồn suối mát trong lành nuôi dưỡng tinh thần trẻ em Việt suốt một phần tư thế kỷ qua, là cầu nối để các thế hệ thiếu nhi tìm đọc và yêu thích tác phẩm văn học trong nước... Mới đây, nhân kỷ niệm 25 năm ra đời Tủ sách Vàng, đơn vị này đã tái bản 10 ấn phẩm tiêu biểu cho các dòng sách khác nhau trong Tủ sách Vàng của “thuở ban đầu”, mang dấu ấn đặc biệt, gắn với tên tuổi của các tác giả nổi tiếng và với thương hiệu sách Kim Đồng. Tủ sách Vàng ấn bản này do các họa sĩ tên tuổi của Việt Nam như Nguyễn Bích, Ngô Mạnh Lân, Phan Cẩm Thượng, Lương Xuân Đoàn, Đoàn Hồng, Nguyễn Công Hoan... vẽ bìa.
Có thể thấy, các tủ sách được ra đời mang theo tâm huyết, gắn với các tác phẩm chất lượng của các đơn vị xuất bản, tổ chức xuất bản. Những cuốn sách được giới thiệu một cách có hệ thống, đa dạng trong các tủ sách sẽ giúp độc giả mở mang kiến thức về đất nước Việt, về nghệ thuật, từ đó nuôi dưỡng tâm hồn, hướng người đọc tới những giá trị chân - thiện - mỹ.
MAI AN