Thơ ca Việt“xuất ngoại”

VHO- Mới đây, tập thơ Chất vấn thói quen của nhà thơ Phan Hoàng đã vinh dự nhận được giải thưởng Nghệ thuật Danube. Cũng nhân dịp này, Chất vấn thói quen phiên bản tiếng Hungary đã “xuất ngoại”, mở ra nhiều cơ hội cho thơ ca Việt Nam trong hành trình vươn ra biển lớn.

Thơ ca Việt“xuất ngoại” - Anh 1

 Cht vn thói quen và các tp thơ khác ca tác gi Phan Hoàng

Tín hiệu vui

Chất vấn thói quen của nhà thơ Phan Hoàng ra đời cách đây đã 10 năm, nhân dịp Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất vào năm 2012. Cùng năm đó, tập thơ đã nhận giải thưởng của Hội Nhà văn TP.HCM và tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Mới đây nhất, nhà thơ Sándor Halmosi đã chuyển ngữ bản tiếng Anh Chất vấn thói quen sang tiếng Hungary, nhà thơ Attila F Balázs hiệu đính và được Nhà xuất bản AB-ART ấn hành. Trong lần trao giải năm 2023, tác giả Phan Hoàng đã vinh dự nhận giải thưởng Nghệ thuật Danube. Đây là một giải thưởng được trao cho những nhà văn, nhà thơ và các nhà hoạt động trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật tại Hungary. Trước đó, Việt Nam cũng có ba tác giả được nhận giải thưởng này là Bảo Ninh, Trần Quang Đạo và Kiều Bích Hậu.

Nhận xét Chất vấn thói quen của Phan Hoàng, theo nhà thơ Halmosi Sándor, tác phẩm đã đưa ra những vấn đề cốt lõi và quan trọng trong cuộc sống đương đại, đó chính là mối quan hệ giữa hiện đại và truyền thống. “Không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều nước, mọi người đều rất trân trọng những giá trị truyền thống. Thế nên, khi chúng ta sống ở thời hiện đại, chúng ta cũng cần chất vấn những thói quen, chất vấn truyền thống để tìm ra những điều mới mẻ hơn, đẹp đẽ hơn rồi cống hiến cho xã hội”, nhà thơ Halmosi Sándor bày tỏ. Ông cũng cho rằng, rất nhiều nhà văn nhà thơ Việt Nam có tác phẩm hay, xứng đáng để chuyển ngữ và trao giải.

Rõ ràng, nếu không có dịch văn học thì các dân tộc sẽ mãi khép vào khuôn khổ của mình, không có sự giao lưu và phát triển, kết nối thành cộng đồng thơ thế giới. Đó là nhận định của nhà thơ Attila F Balázs, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Danube tại buổi Giao lưu văn học giữa hai hai nhà thơ Hungary cùng các tác giả Việt Nam diễn ra vừa qua. Nhà thơ Attila F Balázs nhận định, dịch văn học là chiếc cầu nối lý tưởng để các dân tộc tiến gần đến với nhau, hòa nhập tâm hồn cùng nhau. “Trong vấn đề dịch văn học, chúng ta cần quan tâm đến các dịch giả, bởi những dịch giả văn học có vai trò rất quan trọng, họ như những “chú ngựa thồ” để chở văn chương đến các quốc gia khác nhau. Dịch giả tốt sẽ mang đến cho bạn đọc những tác phẩm chứa đựng từ ngữ đẹp đẽ hơn và ngược lại”, ông đưa ra lưu ý. Cũng tại buổi giao lưu lần này, nhà thơ Phan Hoàng cho rằng, giới văn học cần có sự gắn kết chặt chẽ để thi ca được lan tỏa rộng khắp với những bản dịch thực sự giá trị, chất lượng cao, đậm chất Việt Nam.

Có thể thấy, trong những năm gần đây, phía Hungary, hai nhà thơ, dịch giả Halmosi Sándor và Attila F Balázs đã có hỗ trợ và đóng góp đắc lực đối với văn học Việt Nam. Trong 3 năm qua, hai tác giả kiêm dịch giả và NXB AB Art đã dịch và xuất bản cho Việt Nam 5 ấn phẩm: Hợp tuyển thơ chiến tranh Việt Nam (Huy Cận, Giang Nam, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Chính Hữu, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh); tập truyện ngắn Trại bảy chú lùn (Bảo Ninh) và các tập thơ: Bay trong mơ (Trần Quang Đạo) và Chất vấn thói quen (Phan Hoàng)… Đây chính là cơ hội để thơ ca Việt Nam được sánh vai với các cường quốc trên thế giới, được lan tỏa và vươn xa những giá trị vốn có của chính các tác phẩm.

Vẫn còn lắm gian nan

Có thể nói, bất cứ một nhà văn nào của Việt Nam, khi những “đứa con tinh thần” của mình được “xuất ngoại”, có thêm không gian và đối tượng tiếp nhận mới thì cũng đều rất đỗi tự hào. Từ hội nghị Quảng bá văn học lần thứ nhất năm 2002 tính đến nay, đã có thêm nhiều tác phẩm văn học Việt Nam được dịch và xuất bản tại các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; nhiều tạp chí văn học lớn của thế giới ra số đặc biệt về Văn học Việt Nam; thêm nhiều giáo trình về Văn học Việt Nam được giảng dạy ở các trường đại học; sách văn học Việt Nam trong các trường đại học lớn của nhiều nước cũng tăng nhanh… Tuy nhiên, nhà thơ Hữu Thỉnh đã từng nhận định, đó vẫn chủ yếu là có “tính chất chào mừng”, hiệu quả của các đợt quảng bá văn học thông qua các hoạt động này cho đến nay vẫn không được như mong đợi. Nhất là với thơ, với tính chất đặc thù về ngôn ngữ, bài thơ sinh ra ở ngôn ngữ nào sẽ bị bó buộc rất chặt với ngôn ngữ đó.

Cũng tại buổi giao lưu với hai nhà thơ Hungary, nhà văn Kiều Bích Hậu cho rằng, Việt Nam rất nhiều nhà văn có tác phẩm chất lượng, nhưng số nhà văn có tác phẩm được dịch và xuất bản ở nước ngoài chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhắc đến lý do, Kiều Bích Hậu cho rằng, thơ ca Việt Nam vẫn còn thiếu đội ngũ dịch giả. Bởi lẽ, đa số dịch giả hiện nay đều chỉ dịch xuôi, nghĩa là dịch tác phẩm nước ngoài và giới thiệu với độc giả Việt Nam, trong khi rất ít dịch giả nước ngoài giỏi tiếng Việt để có thể làm được điều này. Đây là một thiệt thòi lớn cho đội ngũ nhà văn, nhà thơ Việt Nam khi sức lan tỏa của tác phẩm không vượt qua biên giới.

Cũng theo nhà văn Kiều Bích Hậu, một trong những bất lợi của hầu hết các nhà văn Việt Nam là ngoại ngữ. Bà đưa ra dẫn chứng, các tác giả như HồAnh Thái, Mai Văn Phấn, Nguyễn Phan Quế Mai, Di Li… có thể đưa tác phẩm của mình ra nước ngoài, tiếp cận lượng bạn đọc vì họ biết dùng ngoại ngữ. “Cơ hội xuất bản ở nước ngoài luôn có, nhưng cá nhân mỗi nhà văn phải tự thân vận động, hiểu rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của việc này để đặt mục tiêu và tiến tới mục tiêu”, nhà văn Kiều Bích Hậu nhận định.

Phải chăng, chúng ta vẫn đang thiếu một “bà đỡ mát tay” để trở thành cầu nối quan trọng, thường xuyên, liên tục để đưa văn học Việt ra thế giới? 

 BÁ TRƯỜNG

Ý kiến bạn đọc