“Thảm họa” mang tên sách giả, sách lậu (Bài 1): Ngang nhiên, thách thức

VHO- Hành vi in ấn, mua bán sách lậu, sách giả ở Việt Nam hiện đang là “vấn nạn” đối với ngành xuất bản. Yếu tố siêu lợi nhuận, chế tài chưa đủ sức răn đe cộng với tâm lý ham rẻ của người mua... đã khiến cho thị trường này trở nên bát nháo và diễn biến hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sách cũng như quyền lợi của tác giả, đơn vị làm sách. Đặc biệt, về lâu dài còn tác động tiêu cực đến phát triển văn hóa đọc.

“Thảm họa” mang tên sách giả, sách lậu (Bài 1): Ngang nhiên, thách thức - Anh 1

 Rất khó nhận ra đâu là sách giả, sách lậu trên các sàn thương mại điện tử

 Không chỉ xuất hiện trên các sạp vỉa hè, sách giả, sách lậu còn được rao bán công khai trên các sàn thương mại điện tử và nền tảng mạng xã hội. Ảnh hưởng không ngay lập tức như những loại hàng giả, hàng nhái khác, nhưng sách giả, sách lậu như một thứ virus âm thầm “ăn mòn” niềm tin của độc giả. Dù lực lượng chức năng nhiều lần ra quân, xử phạt nhưng cuộc chiến “không cân sức” này vẫn còn lắm những gian nan.

Tung hoành trên mọi mặt trận

Với hình thức giống sách thật đến 95%, giá lại rẻ chỉ bằng 2/3, thậm chí một nửa, người tiêu dùng rất dễ “lọt bẫy” ma trận sách giả, sách lậu. Hiện nay, phần lớn các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Sendo... đều cho phép người bán đăng ký kinh doanh sách online với những quy định khá mở, nhưng cũng chính bởi thế mà không kiểm soát được chất lượng sản phẩm của các gian hàng thuê lẻ. Ngay như trên Tiki, sàn thương mại điện tử kinh doanh sách nổi tiếng, nếu bạn đọc không tinh ý để chọn lựa đúng sản phẩm Tiki Trading (do chính Tiki tự nhập hàng và phân phối) thì khả năng mua phải sách giả là rất cao.

Bên cạnh đó, sách giả, sách lậu còn được rao bán, quảng cáo công khai trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok... Một nguyên nhân khác cũng giúp sách kém chất lượng xuất hiện “nhan nhản” là do chúng được rao bán theo kiểu trao tay giữa người đọc với nhau, với nhiều lý do như “đọc xong rồi thanh lý”, “chuyển chỗ ở”, “bán bớt để mua sách mới”...

Tân Việt Books là một trong những doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề từ vấn nạn sách giả, sách lậu. CEO Nguyễn Kim Thoa cho biết, mới đây nhất, Tân Việt Books đã phát hiện và liên hệ với một số trang bán sách lậu như Sách hay cho con, Mọt sách Book, Kho sách, Kingbook… để thử đặt mua sách với số lượng lớn. Trong quá trình giao dịch, đơn vị này “phát choáng” vì số lượng sách lậu lên đến hơn 40 đầu. Trong đó, bộ sách Kể chuyện cuộc đời các thiên tài và bộ truyện tranh Giáo dục giới tính của Tân Việt Books đều bị in lậu và bán với mức giá bán rẻ hơn rất nhiều so với giá bìa niêm yết. Đối tượng in lậu còn ngang nhiên sử dụng toàn bộ video, hình ảnh của Tân Việt Books để chạy quảng cáo trên Facebook. Nhằm dễ bề thu hút người mua, các trang sách lậu còn lấy những cái tên rất kêu, hướng vào sự quan tâm của cha mẹ dành cho các con nhằm kích thích nhu cầu mua sách.

“Chúng tôi đã mua những bộ sách đó về để so sánh, đối chiếu với bản sách chuẩn. Cầm trên tay có thể dễ dàng nhận thấy chất liệu giấy mỏng, mực in kém, nhòe nét, mất chữ, khổ nhỏ, màu sắc nhạt, gia công méo mó, thiếu trang... Đặc biệt, bộ sách thật Giáo dục giới tính được phát hành ở dạng bìa cứng, còn sách giả lại được in ở dạng bìa mềm, khổ nhỏ. Với xu hướng tiêu dùng hiện nay, người mua thường chọn bên bán có giá thấp. Điều này càng tạo điều kiện để các trang sách lậu hoạt động công khai, thu về những món hời khổng lồ”, bà Nguyễn Kim Thoa chia sẻ.

Ông Đinh Quang Hoàng, Giám đốc Công ty cổ phần sách điện tử WAKA cũng chỉ ra, trên các sàn thương mại điện tử, nhất là các nền tảng xuyên biên giới, việc mua bán sách giả, sách lậu đơn giản đến không ngờ. “Một cá nhân có thể đăng ký mua một vài đầu sách từ các đơn vị xuất bản chính thống để mở gian hàng, vượt qua vòng “thẩm định” đơn giản của sàn, rồi sau khi tạo dựng được “vỏ bọc”, họ bắt đầu tung hoành. Trong các vụ mua bán, không ai giám sát được quá trình đóng gói hàng của đơn vị phân phối này, không biết họ có “trộn” sách giả, sách lậu vào không. NXB không giám sát được, sàn thương mại điện tử lại càng không... Chính “lỗ hổng này” đã khiến “con voi chui lọt lỗ kim”, giúp xuất bản phẩm lậu đến tay người tiêu dùng”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Cũng từ vấn nạn sách giả, sách lậu, một câu chuyện “cười ra nước mắt” được ông Hoàng Anh Hào, đại diện NXB Trẻ chia sẻ, trong sự kiện ký tặng sách tại Hà Nội của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, một độc giả nhí cùng bố mẹ mang theo 10 cuốn sách, đợi từ 8-12h mới đến lượt. Nhưng khi nhìn vào chồng sách đó, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh “chết lặng” vì toàn bộ đều là sách giả. NXB ngay sau đó đã tặng cho độc giả một cuốn sách thật.

Hành vi bóp méo những giá trị văn hóa

Ông Hoàng Anh Hào cho rằng, một trong những tác động xấu của vấn nạn xuất bản phẩm lậu, giả là làm triệt tiêu sức sáng tạo của những cây viết chân chính, khiến họ không còn động lực nghiên cứu, tìm tòi để sáng tác những tác phẩm chất lượng.

Thông thường, loại xuất bản phẩm chủ yếu bị làm giả là các dòng sách ở thể loại tản văn, tiểu thuyết, sách kỹ năng, truyền cảm hứng... được quảng bá, truyền thông rộng rãi và được nhiều độc giả tìm đọc. Những sai lệch từ nội dung, hình ảnh cho đến chất lượng kém của giấy, mực in, gia công đều ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người đọc. Từ đó dẫn đến việc bạn đọc e ngại việc mua sách; việc phổ biến, phát triển văn hóa đọc cũng vì thế gặp nhiều khó khăn hơn.

Ông Đinh Quang Hoàng nhận định, sách lậu, sách giả không được kiểm duyệt chất lượng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến trải nghiệm đọc sách của những độc giả. Nghiêm trọng hơn, những sản phẩm này đang dần tàn phá thị trường kinh doanh sách lành mạnh; “dung dưỡng” những nội dung, thông tin sai lệch, vi phạm pháp luật và thuần phong mỹ tục… Vô hình chung, giá trị văn hóa bị bóp méo, lệch lạc, ảnh hưởng xấu đến xã hội, làm mất đi giá trị, ý nghĩa của văn hóa đọc.

Đại diện NXB Trẻ cũng cho hay, tình trạng sách lậu, sách giả tồn tại dai dẳng còn gây ảnh hưởng không tốt đến việc thương lượng tác quyền của các NXB Việt Nam đối với đối tác nước ngoài. Từ đó dẫn đến cơ hội tiếp cận với những tác phẩm kinh điển, nổi tiếng của độc giả Việt Nam ngày càng hạn hẹp.

Có thể nói, người làm sách chân chính đang điêu đứng vì nạn sách lậu tràn lan không thể kiểm soát. Dù các đơn vị làm sách đã nhiều lần gửi đơn trình báo đến cơ quan chức năng có thẩm quyền nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để, hoặc có thì thời gian giải quyết cũng kéo dài khiến câu chuyện đã đi quá xa; tổn thất là rất lớn.

Cũng vì nắm bắt được kẽ hở pháp luật, các trang bán sách lậu vẫn ngang nhiên hoạt động, thậm chí còn “thách thức” các đơn vị chính thống thông qua việc đăng bài, chạy quảng cáo bằng nội dung và ấn phẩm truyền thông của đơn vị xuất bản đó. Họ dám làm vì biết nếu có bị “sờ gáy”, tiền phạt bị bỏ ra cũng chẳng thấm vào đâu so với nguồn lợi khổng lồ nhờ những thương vụ chót lọt. 

Xử phạt 4 cơ sở phát hành sách giả, sách lậu

Đội Liên ngành phòng, chống in lậu tỉnh Nghệ An cho biết, từ ngày 10.8 - 7.9, đoàn đã tiến hành kiểm tra 10 cơ sở phát hành tại TP Vinh và các huyện, thị xã. Nội dung kiểm tra tập trung vào các xuất bản phẩm không có hóa đơn chứng từ, sách lậu… Qua kiểm tra, phát hiện 4/10 cơ sở tại TP Vinh, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và Đô Lương vi phạm, thu giữ hàng chục đầu sách, hơn 150 xuất bản phẩm không hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu bị làm giả. Thời điểm làm việc với cơ quan chức năng, chủ các cơ sở không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số xuất bản phẩm nói trên. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt tổng số tiền hơn 40 triệu đồng. Các xuất bản phẩm bị thu hồi chủ yếu là giáo trình, sách tham khảo… Đây là các đầu sách nghi giả mạo có hình thức tương tự như sách của các NXB từ hình ảnh cho đến mã thẻ cào, tem chống hàng giả…

PHẠM NGÂN

THANH NGỌC - ĐÌNH TOÁN

(Còn tiếp)

Ý kiến bạn đọc