Tác giả cuốn sách Du hành về Nam: “Ngụp lặn” trong đời sống để hiểu Việt Nam hơn

VHO- Yêu mến và gắn bó với dải đất hình chữ S, với nhãn quan tinh tế, nhà văn Bỉ Jean-Pierre Outers đã đưa ra những góc nhìn khác nhau về sự chuyển động từng ngày của Việt Nam, về những trải nghiệm, cảm xúc sâu sắc đối với nơi ông đã sống, làm việc trong 16 năm và coi như quê hương thứ hai…

Tác giả cuốn sách Du hành về Nam: “Ngụp lặn” trong đời sống để hiểu Việt Nam hơn - Anh 1

 Cuốn sách “Du hành về Nam”

 “Tôi đã bị quyến rũ bởi tất cả những gì ở Việt Nam và vì thế, tôi đã thể hiện cảm xúc đó qua những trang viết trong cuốn sách thứ hai của mình”, Jean Pierre Outers đã chia sẻ nhân dịp ra mắt cuốn sách mang tên Du hành về Nam diễn ra cuối tuần qua, tại Hà Nội.

16 năm “Du hành về Nam”

Đặt chân đến Việt Nam năm 1994, sau khi cha ông qua đời, Jean Pierre Outers dường như đã theo bước chân cha, một vị Bộ trưởng phương Tây, thực hiện chuyến công du đầu tiên tới Việt Nam vào tháng 10.1977. Chuyến công du ấy đã đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng, trong đó phải kể tới thỏa thuận về việc cung cấp đầu máy xe lửa của Wallonie (khu vực chủ yếu nói tiếng Pháp ở miền Nam nước Bỉ) để tạo điều kiện thúc đẩy trao đổi thông tin liên lạc và hệ thống giao thông vận tải…

Từ mối duyên ấy, đất nước “có dáng hình tựa như một chiếc đòn gánh hay dáng dấp một con rồng” đã thu hút Jean Pierre Outers đến sống, làm việc và trải nghiệm trong 16 năm sau đó. “Cũng như một người Việt Nam đến Pháp và Bỉ mà không nói được tiếng Pháp, họ phải “ngụp lặn” trong đời sống để hiểu hơn, tôi đến Việt Nam khi không biết tiếng Việt nên phải mở to mắt ngắm nhìn, lắng nghe hiện thực…”, Jean Pierre Outers tâm sự và cho biết thêm, những gì được “tai nghe mắt thấy” ở Việt Nam, qua cái nhìn của người tới từ bên ngoài, đã được tập hợp đưa vào cuốn sách tiếng Pháp Passer au Sud. Tác phẩm do Nhà xuất bản Eden phát hành, thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả châu Âu. Qua đó, ông mong muốn giúp người dân châu Âu khám phá một phần văn hóa Việt Nam, đồng thời suy nghĩ về chính nền văn hóa của châu Âu, bởi nền văn hóa Việt Nam có thể làm giàu cho các nền văn hóa khác.

Sau hơn 10 năm, cuốn sách mới được chuyển ngữ để giới thiệu tới độc giả Việt Nam với tên Du hành về Nam. Cầm trên tay cuốn sách, người đọc sẽ cảm nhận tác phẩm giống một cuốn sách hướng dẫn du lịch, nhưng có sự pha trộn mang đậm chất văn chương, do đó nó vừa dành cho những người yêu du lịch và vừa dành cho những người yêu văn học.

Tác giả cuốn sách Du hành về Nam: “Ngụp lặn” trong đời sống để hiểu Việt Nam hơn - Anh 2

 Tác giả Jean-Pierre Outers ký tặng sách cho độc giả Việt

Vẽ bức tranh đầy màu sắc về văn hóa Việt

Thoạt tiên, nội dung của cuốn sách viết về giao thông - điều gây ấn tượng đầu tiên với du khách tới Việt Nam và là chủ đề bàn tán ưa thích của người nước ngoài. “Để trải nghiệm một đất nước và để hiểu nó một chút, hãy trải nghiệm phương tiện vận tải của nó, trải nghiệm cảm giác lạnh ngắt, nóng chảy mỡ, trải nghiệm những gì thô sơ, lộn xộn hay náo nhiệt”, lập luận như vậy, Jean Pierre Outers dẫn độc giả bước vào trang sách và thôi thúc mọi người hòa vào những chặng đường, không gian địa lý để cảm nhận. Tuy nhiên, đây chỉ là cái cớ để tác giả nói về những điều nhìn thấy qua các chuyến đi, sự chuyển động liên tục của đất nước hình chữ S, từ đó vẽ ra một bức tranh sống động đầy màu sắc về văn hóa Việt Nam.

16 năm ở Việt Nam là quãng thời gian đủ dài để tác giả có hiểu biết, vốn sống về một dân tộc, nền văn hóa, con người ở Việt Nam, điều mà một người nước ngoài khó có thể làm được thông qua một chuyến đi ngắn ngày. Thông qua những quan sát về con người, sự vật trên những nẻo đường Việt Nam, từ những đô thị hiện đại, một vùng quê, những ngôi đền, ngôi chùa… Jean Pierre Outers tìm cách định nghĩa những bản sắc in hằn nơi đây. Những sắc màu văn hóa được hình thành qua hàng nghìn năm lịch sử, tạo nên một bản sắc độc đáo của Việt Nam, được ông lý giải, phân tích, thể hiện trong tác phẩm của mình.

Dịch giả Thi Hoa cho biết: “Lần đọc đầu tiên trước khi chuyển ngữ tác phẩm, tôi đã choáng vì mọi thứ lẫn lộn, bắt đầu chủ đề giao thông hơi khô khan, sau đó là nhiều nội dung khác, đến mức tôi không biết ông muốn nói gì trong cuốn sách. Nhưng càng đọc tôi càng thấy cuốn hút vì tác giả có cách viết với những hình ảnh rất thú vị. Cảm nhận tình cảm của ông với Việt Nam, ban đầu, tôi dịch tên sách là Về Nam, ngoài làm bật lên ý nghĩa về giao thông, còn có ý nghĩa là chuyến đi về quê hương phía Nam với nhiều cảm xúc”.

“Tình cảm của người cha với Việt Nam đã truyền lại cho người con, và cả hai người đều dành tình yêu đặc biệt cho Việt Nam. Đó là sự cảm động mà tôi đọc được ở cuốn sách này. Cuốn sách thể hiện một chuyến du hành, dù viết về giao thông, nhưng về mặt tâm tưởng, cảm xúc, còn thể hiện sự thay đổi của ông trong cách hiểu Việt Nam…”, ông Nguyễn Trí Dũng, đại diện Công ty Xúc tiến hợp tác văn hóa và truyền thông Sao Bắc (Sao Bắc Media), đơn vị liên kết với Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành, chia sẻ. Ông cũng cho rằng: “Nếu Du hành về Nam với tác giả là hành trình tưởng nhớ, một tác phẩm kính dâng người cha thân yêu của mình, thì với chúng tôi, những độc giả Việt Nam, đây là hành trình nhìn nhận lại đất nước mình…”.

Tác giả Jean-Pierre Outers bày tỏ: “Tôi từng sống ở Việt Nam 16 năm, và dù đã trở về Bỉ, Việt Nam vẫn luôn ở trong tâm tưởng của tôi. Tôi còn rất nhiều điều muốn quan tâm, học hỏi về ngôn ngữ tiếng Việt, văn hóa, con người Việt. Nhân dịp sang Việt Nam để ra mắt cuốn sách, tôi sẽ đi xe đạp và khám phá miền Bắc Việt Nam trong vòng một tháng tới”. 

 TRUNG NGHĨA

Ý kiến bạn đọc