Nối dài giá trị Truyện Kiều

VHO- Đã hơn 200 năm trôi qua kể từ ngày ra đời, nhưng Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du vẫn từng ngày, từng giờ được nhắc nhớ, tôn vinh. Nhưng cuộc nối dài giá trị văn chương ấy cũng đang đặt ra nhiều vấn đề, đòi hỏi tâm thế tiếp cận phải hết sức cẩn trọng, trân quý hồn cốt dân tộc trong tác phẩm.

Noi dai gia tri Truyen Kieu - Anh 1

Ngâm Kiều trong Lễ khai mạc chuỗi sự kiện “Ai nhớ Tố Như”, tổ chức nhân tưởng niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào (1820 - 2020)

“Tôn vinh Truyện Kiều, rộng ra là tôn vinh văn hóa truyền thống, di sản văn chương dân tộc”, tại Lễ khai mạc chuỗi sự kiện “Ai nhớ Tố Như” do Maihabooks tổ chức mới đây tại Hà Nội, nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn đã phát biểu.

Nhiều hình thức lan tỏa

Di sản văn chương Truyện Kiều từ lâu đã là nguồn cảm hứng vô tận để các thế hệ độc giả tiếp nhận và lan tỏa nó. Nhìn lại kho tàng văn hóa ấy, có thể điểm danh được rất nhiều ấn phẩm Truyện Kiều qua các thời kỳ. Truyện Kiều bằng chữ Nôm đặt cạnh Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân, tranh dân gian họa Kiều, thư pháp chữ Hán Nguyễn Du và Truyện Kiều...

Những ấn phẩm Kiều giai đoạn 1900-1945 mang dấu ấn của buổi giao thời giữa hai nền văn hóa Đông - Tây đầu thế kỷ XX, bừng dậy trong một hình thức thể hiện mới: Truyện Kiều bằng chữ quốc ngữ, được dịch sang tiếng Pháp và thế giới biết đến. Song hành cùng với những ấn phẩm nguyên bản, bình chú, lẩy Kiều, tập Kiều..., những tác phẩm họa Kiều lần lượt ra đời, bắt đầu bằng các tranh của lớp họa sĩ nổi tiếng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Rồi tiếp đến, giai đoạn 1946-1954, họa Kiều ra đời trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Nối tiếp những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, ấn phẩm và họa Kiều của các học giả, họa sĩ miền Nam, miền Bắc vẫn liên tục nối dài không ngừng nghỉ. 20 năm đất nước chia cắt, bằng giá trị riêng có, Truyện Kiều và Nguyễn Du vẫn luôn là sợi dây gắn kết người Việt vào tình yêu tiếng Việt, hòa vào một thể thống nhất của tâm hồn, số phận và tâm tình dân tộc.

Nhìn Truyện Kiều ở góc độ hội họa, họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, đó không chỉ là vẽ về Truyện Kiều, mô phỏng theo một chi tiết, một phong cảnh, một trường đoạn nào đó của tác phẩm thi ca, mà nó đã thực sự tách ra, có đời sống riêng, có giá trị và ý nghĩa riêng. “Nói đến tận cùng của minh họa đẹp thì đấy chính là thứ lẩy Kiều bằng hội họa, phải coi đó là thứ văn bản hai - văn bản hội họa đặt cạnh văn bản chữ nghĩa. Từ các bậc thầy của hội họa hiện đại Việt Nam đã đi theo những câu thơ Kiều để gợi ý cho tạo hình, tạo bố cục, giờ đây các họa sĩ lại nối tiếp tinh thần đó. Tôi coi đó là sự phiên dịch của Truyện Kiều từ thi ca sang hội họa”.

Dịch giả, thư pháp gia Châu Hải Đường nêu thêm, việc lựa chọn những câu thơ tâm đắc để viết thư pháp và họa theo cũng là một cách riêng thưởng thức Truyện Kiều. “Giống như dân gian lấy các câu Kiều ứng vào hát xẩm, chèo, cải lương hay loại hình được ưa chuộng nhất là ngâm Kiều. Tất cả nhằm tạo cho Truyện Kiều mang đầy đủ phong vị”.

Noi dai gia tri Truyen Kieu - Anh 2

 Một ấn phẩm “Truyện Kiều”

“Loạn” Truyện Kiều?

Truyện Kiều được lan tỏa bằng nhiều hình thức là cách làm giàu giá trị di sản, nới rộng sức cuốn hút của văn chương. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, nếu không cẩn trọng, điều này rất dễ dẫn tới việc “loạn” Truyện Kiều khi các ấn phẩm được xuất bản tràn lan, dễ dãi trong môi trường hội nhập, đan xen văn hóa như hiện nay.

Gần đây, do sưu tầm được nhiều bản Nôm, người ta đã phiên âm và so sánh với các bản dịch trước đây, đặc biệt là bản dịch của học giả Đào Duy Anh thì thấy có nhiều câu, nhiều từ khác và lạ. Do đó, nhiều người có tham vọng đưa các câu chữ mới, ghép lại thành một bản dịch Truyện Kiều cổ nhất. Có điều, mỗi người làm theo một cách khác nhau, dẫn đến sự xuất hiện nhiều dị bản Truyện Kiều mới. Chỉ ra điều này, GS.TS Trần Đình Sử phân tích: “Nếu để nói bản Truyện Kiều nào đáng tin cậy hơn bản nào thì không ai dám chắc và chứng minh. Chính vì thế, nó đã dẫn đến hệ lụy là “loạn” các bản dịch Truyện Kiều”.

Không chỉ các bản dịch Truyện Kiều, mà ngay cả giới hội họa cũng gây không ít ý kiến trái chiều khi có những tác phẩm họa Kiều theo cách “độc đáo thái quá”. Họa sĩ Lê Thiết Cương đưa ra so sánh, vào năm 1942, 11 họa sĩ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã cùng tham gia minh họa Truyện Kiều từ bản dịch của học giả Đào Duy Anh. Những tên tuổi như Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Văn Tỵ... đã tạo nên các bản vẽ giàu tính dân tộc mà ở đó, Kiều xuất hiện trong trang phục áo dài truyền thống rất Việt Nam… Ấy thế nhưng, gần đây có họa sĩ còn họa Kiều mặc kimono, phải chăng đó là “sự sáng tạo đi quá giới hạn”?!

Ngoài ra, họa sĩ Lê Thiết Cương cũng chỉ ra có một chi tiết cần đặc biệt lưu ý: Các họa sĩ hay vẽ Kiều cầm cây đàn tì bà, loại đàn lớn, có 4 dây của Trung Quốc, còn trong Truyện Kiều, Nguyễn Du lại miêu tả cô cầm cây đàn nguyệt của Việt Nam… Theo ông, dưới bàn tay của họa sĩ, các tác phẩm họa Kiều hoàn toàn có đời sống độc lập, riêng khác, nhưng một khi đã dựa trên văn bản Truyện Kiều thì nên tôn trọng giá trị văn chương nguyên bản.

Nhưng dù thế nào thì Truyện Kiều vẫn tiếp tục là nguồn cảm hứng và đề tài nghiên cứu cho các nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu với nhiều hoạt động và cách tiếp cận sâu hơn. Theo nhà phê bình Mai Anh Tuấn, cách tiếp nối đó chính là điều làm nên lớp lớp văn hóa mà giá trị Truyện Kiều, cùng những áng văn chương của Nguyễn Du, mang lại. Dù rằng còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận giới trẻ hôm nay, nhưng nhiều hình thức mới đã đưa được Kiều lên sân khấu, lên điện ảnh, lên sàn Ballet... khiến việc tiếp cận Truyện Kiều phong phú hơn, đến với nhiều đối tượng hơn. 

 NGỌC HÀ

Ý kiến bạn đọc