Ký ức đặc biệt của những người đi giữ biên cương

VHO- Bốn thập kỷ đã trôi qua, ký ức thiêng liêng không phai mờ theo năm tháng luôn được những người lính đi giữ biên cương năm xưa lưu giữ trong tâm trí. Cuốn sách Những người đi giữ biên cương do Ban Liên lạc Cựu chiến binh Quân đoàn 14 Mặt trận Lạng Sơn giới thiệu nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (17.2.1979 - 17.2.2019), kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Quân đoàn 14 - Binh đoàn Chi Lăng - Mặt trận Lạng Sơn (24.2.1979 - 24.2.2019) là lời tôn vinh và tri ân sâu sắc những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống tại mặt trận Lạng Sơn nói riêng và các tỉnh biên giới phía Bắc nói chung trong 10 năm cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc (1979 - 1989).

Ký ức đặc biệt của những người đi giữ biên cương - Anh 1

Ấn phẩm đặc biệt này cũng tái hiện lại nhiều khoảnh khắc lịch sử giá trị thông qua ký ức của những người lính năm xưa.

Điều ấy là vô giá đối với người lính

Phản ánh một cách trung thực về hơi thở của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Những người đi giữ biên cương của nhóm tác giả Ngô Văn Học (chủ biên), Đặng Vương Hưng, Hoàng Văn Thiềng và Lê Anh Sáng do NXB Thông tin và Truyền thông ấn hành là một trong những tác phẩm đầu tiên và hiếm hoi được xuất bản trong dịp kỷ niệm 40 năm (1979 - 2019) cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.

Sách dày gần 300 trang, bao gồm các tác phẩm văn, thơ, kịch cùng một số tư liệu quý của hơn 20 tác giả, hầu hết là cựu chiến binh-những người đã trực tiếp tham gia chiến đấu tại mặt trận Lạng Sơn 40 năm về trước.

Đã có hàng vạn người lính ra đi bảo vệ biên cương và không trở về. Và trong tiềm thức của những người lính năm xưa, ký ức về cuộc chiến và những đồng đội đã hy sinh xương máu nằm lại nơi chiến trường vẫn luôn luôn được cất giữ như một phần cuộc đời không thể quên lãng. Chủ biên cuốn sách, nhà văn, nhà báo Ngô Văn Học cho biết, Ban Liên lạc Cựu chiến binh Quân đoàn 14 - Binh đoàn Chi Lăng, Mặt trận Lạng Sơn đã bàn việc xuất bản một cuốn lịch sử, nhưng vì nhiều lý do đã không thể thực hiện được. Nhưng có một điều may mắn, ông và nhà văn Hoàng Văn Thiềng lưu giữ được một số tư liệu, hầu hết là những bài viết đã được công bố về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc tháng 2.1979 tại mặt trận Lạng Sơn. Đặc biệt, trong đó có bài bút ký Những người đi giữ biên cương của nhà văn Đặng Vương Hưng đã được sử dụng với tần suất khá nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng vào những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Từ tiêu đề bài bút ký, nhóm tác giả gồm Ngô Văn Học, Đặng Vương Hưng, Hoàng Văn Thiềng, Lê Anh Sáng đã nảy ra ý tưởng xuất bản tập sách văn học này.

Ký ức đặc biệt của những người đi giữ biên cương - Anh 2

Bìa cuốn sách

Dịp ra mắt cuốn sách cũng chính là ngày gặp lại đầy xúc động và chan chứa ân tình giữa những cựu chiến binh, người lính năm xưa. Một trong số đó có nhà biên kịch, đạo diễn Tuấn Long, tác giả bài thơ Tìm về sư đoàn và vở kịch Gặp nhau giữa rừng. Ở tuổi 83, dấu vết thời gian đã in hằn trên nét mặt và từng bước chân chậm chạp, nhưng ông vẫn luôn nhớ như in những ký ức năm xưa. Những ngày tháng lịch sử 40 năm về trước, ông là Phó đoàn Văn công Quân khu 1 - Việt Bắc và được cử đi thực tế sáng tác tại mặt trận Lạng Sơn. Ròng rã cùng với cán bộ tuyên huấn của Sư đoàn Sao Vàng đi đến nhiều địa danh như: Đồng Đăng, Khánh Khê, Lộc Bình, Kỳ Cùng…, ông gặp gỡ nhiều cán bộ, chiến sĩ để nghe kể lại về những trận đánh với các chiến tích hào hùng.

“Tôi còn nhớ đêm biểu diễn kịch tại sân vận động Chi Lăng, thị xã Lạng Sơn vào những ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3 năm 1979. Hàng ngàn khán giả là chiến sĩ thuộc Sư đoàn 337 “cánh cửa thép Lạng Sơn” và đông đảo nhân dân Lạng Sơn trong tiết trời giá rét đã lắng nghe nghệ sĩ ngâm bài thơ Tìm về sư đoàn, sau đó yêu cầu được nghe lại. Chiều lòng khán giả, bài thơ lại được ngâm một lần nữa. Tôi đã để thất lạc bài thơ đó gần 40 năm, may mắn sau này được cô Mai Đào, nữ chiến sĩ Sư đoàn 337 thời đó ngâm và giữ được rồi gửi lại...”, nhà biên kịch, đạo diễn Tuấn Long nhớ lại.

Ký ức vô giá đó đã được những người lính ghi lại trong những trang viết ắp đầy cảm xúc. Đó là những dòng viết của nhà văn Đặng Vương Hưng: “Thế là mấy ngày đầy lo âu, hồi hộp và vất vả, mới đó ở quê mẹ, nay cả Trung đoàn chúng tôi đã có mặt nơi biên giới. Biên giới là thế này ư? Các chàng lính trẻ tha hồ mà tròn xoe đôi mắt ngạc nhiên hết thứ này đến thứ khác! Bởi, trước đây trong tiềm thức của họ, biên giới phải là một nơi thật hùng vĩ, thiêng liêng và thật là đẹp đẽ nên thơ... Vì họ mới chỉ biết biên giới qua những trang sách, những bài viết trau chuốt, nóng hổi, những bài hát nghe rạo rực lòng người và cả những bức tranh đầy sắc màu quyến rũ...”.

Ký ức đặc biệt của những người đi giữ biên cương - Anh 3

 Những nhân chứng tại buổi Lễ ra mắt cuốn sách

Những câu chuyện kể còn dài!

Trong ký ức của nhà văn Đặng Vương Hưng, nỗi nhớ còn là những đêm mưa rả rích, cả đại đội báo động truy lùng biệt kích thám báo giặc; là bữa cơm vắt giữa rừng, uống nước suối ban mai vừa trong, vừa mát; là những cuộc chiến đấu đánh bật kẻ thù khi chúng liều lĩnh lấn chiếm, để giành lại từng tấc đất biên cương cho Tổ quốc. “Mỗi lần giáp mặt với cái chết là một lần hiểu mình hơn, hiểu đồng đội hơn. Và chúng tôi cũng dần dần hiểu biên giới bằng cách nhìn, cách nghe, cách nghĩ riêng của người lính. Biên giới với chúng tôi bây giờ không còn là một khái niệm trừu tượng nữa mà rất cụ thể, rất gần gũi và cũng rất thiêng liêng... Điều quan trọng là chúng tôi hiểu rằng, suốt hàng nghìn cây số biên giới phải đối mặt với kẻ thù này, có biết bao chiến sĩ đã và sẽ kế tiếp chúng tôi cầm súng, trụ vững trên từng điểm tựa, giữ gìn từng cột mốc biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống yên bình cho quê hương...

Đó chính là những lớp người đi giữ biên cương. Và những câu chuyện kể về họ còn dài lắm!”.

Đó là những dòng ký ức được nhà văn Đặng Vương Hưng viết về cuộc chiến tranh biên giới, cũng là những cảm xúc chung của nhiều người lính đã từng xông pha trên chiến trường biên giới 40 năm về trước.

Những người đi giữ biên cương cũng đã phần nào khái quát được bối cảnh lịch sử, sự ra đời cũng như tính chất nhiệm vụ của một Quân đoàn sinh ra lúc bấy giờ là để chống lại quân xâm lược. Chính trong bối cảnh đặc biệt ấy đã nhanh chóng hình thành ra một mặt trận Lạng Sơn (thống nhất) bao gồm nhiều lực lượng hợp thành như: Quân đoàn 14, Công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), bộ đội địa phương, dân quân tự vệ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn, tạo thành một thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc góp phần chiến thắng kẻ thù xâm lược.

Cuộc chiến đầy cam go ác liệt ấy đã sinh ra những anh hùng như: Nguyễn Nho Bông, Hoàng Quý Nam, Phạm Ngọc Yểng, Phạm Văn Thắng, Nguyễn Ngọc Sơn (Sư đoàn 3 Sao Vàng), Lý Trung Phẩm (Sư đoàn 338)… Và cũng chính từ mặt trận Lạng Sơn, đã có những bà mẹ người Tày kiên trung, nhân hậu, tiêu biểu là mẹ Đường Thị Kim, nguyên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn mà cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn vẫn gọi bà là “Chính ủy của binh đoàn”; mẹ Lý Thị Lời, xã Nhạc Kỳ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, trong vòng vây lửa đạn, vẫn ngày đêm chèo đò đưa bộ đội qua sông Kỳ Cùng để tiêu diệt địch, được cán bộ chiến sĩ suy tôn là “Mẹ Suốt trên sông Kỳ Cùng”.

Gần 300 trang sách là những kỷ niệm, ký ức một thời bi thương nhưng oanh liệt của những chiến sĩ quả cảm. Cuốn sách cũng là lời tri ân sâu sắc, để lại trong mỗi độc giả những suy ngẫm, cảm xúc trước sự hy sinh của những người lính trên chiến trường; trước sự gắn kết tình đồng chí, đồng đội mãi mãi không phai mờ theo năm tháng. 

 HÀ PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc