"Khan hiếm" trại sáng tác văn học dành cho thiếu nhi

VHO- Lâu nay hiếm hoi lắm công chúng mới lại thấy có một trại sáng tác văn học dành cho thiếu nhi được tổ chức. Và lẽ đương nhiên, khi số lượng đã không nhiều thì khó có thể trông chờ ở những tác phẩm lớn dành cho lứa tuổi “măng non” ra đời.

Văn học Việt Nam cho thiếu nhi đã có những đỉnh cao như Dế mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài), Những ngày thơ ấu (Nguyên Hồng), Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi), Tuổi thơ dữ dội (Phùng Quán), Văn ngan tướng công (Vũ Tú Nam), Góc sân và khoảng trời (Trần Đăng Khoa), Chuyện hoa, chuyện quả (Phạm Hổ), Quê nội (Võ Quảng)...

Những kết quả khiêm tốn

Nhưng phần lớn trong số đó đều là những tác phẩm được viết từ thời kỳ kháng chiến mà nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam đã rất quen thuộc. Và việc tổ chức các trại sáng tác văn học dành cho thiếu nhi có thể xem là phương án chủ động để đời sống văn học cho các em được bổ sung những tác phẩm mới, những tên tuổi mới.

Điểm qua hàng chục trại sáng tác văn học được tổ chức trong cả nước vào năm 2021, Hải Phòng và Thái Nguyên là hai tỉnh, thành hiếm hoi có trại sáng tác văn học nghệ thuật dành cho độc giả nhỏ tuổi. Diễn ra vào tháng 8, trại sáng tác văn học thanh thiếu nhi do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đã nhận được gần 100 bài thơ, tản văn, truyện ngắn từ 41 tác giả tham gia. Thế nhưng, Ban tổ chức chỉ chọn lựa được 10 cây bút trẻ triển vọng để biểu dương và tặng thưởng. Cùng thời điểm này, trại sáng tác về đề tài thiếu nhi được Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng phát động cũng thu hút 30 tác giả tham dự. Sau 2 tháng phát động: 10 ca khúc, 2 tác phẩm múa, 4 truyện ngắn, 22 bài thơ, 7 tác phẩm sân khấu, 25 tác phẩm ảnh, 1 tác phẩm điện ảnh - truyền hình đã được giới thiệu. Dù số lượng các tác phẩm mới ra đời chưa thực sự nhiều, tuy nhiên Ban tổ chức đánh giá đây là kết quả thành công ngoài mong đợi. Ngoài ra, trại sáng tác văn học đề tài thiếu nhi do Hội Nhà văn Việt Nam dự định tổ chức vào trung tuần tháng 9 tại Nhà sáng tác Đà Nẵng cũng dành được nhiều sự quan tâm từ công chúng. Tuy nhiên, kế hoạch này đành phải tạm gác lại do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Dù rằng viết cho thiếu nhi là đề tài khó, số lượng nhà văn chưa nhiều và không phải nhà văn nào cũng có hiểu biết đầy đủ, khả năng thâm nhập vào thế giới tuổi thơ. Nhất là nhu cầu đọc của thiếu nhi thay đổi liên tục, đòi hỏi sự sôi động ở đề tài, phong phú về nội dung, cũng cần phải phù hợp với thời đại đã trở thành rào cản không nhỏ đối với người sáng tác. Do đó, để nâng cao chất lượng các trại viết đáp ứng nhu cầu, yêu cầu đọc của thiếu nhi hiện nay là điều không dễ dàng. Nhưng đó có phải là nguyên nhân khiến cho số lượng các trại sáng tác dành cho lứa tuổi này trở nên thưa vắng?

“Lép vế” trước các cuộc thi

Trái ngược với khung cảnh ảm đạm về số lượng và chất lượng của các trại sáng tác văn học dành cho thiếu nhi, những năm gần đây các cuộc thi, giải thưởng vinh danh những sáng tác cho thiếu nhi đang dần trở thành động lực để nhiều tác giả cầm bút viết về trẻ thơ. Ngoài đề án Trao giải quốc gia về văn học, nghệ thuật dành cho trẻ em do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) khởi động từ năm nay, còn có nhiều giải thưởng uy tín: Dế Mèn, Đóa hoa đồng thoại, giải Sách hay thường niên… ghi dấu ấn mảng văn học dành cho độc giả nhí.

Trong bối cảnh đó, giải thưởng thiếu nhi thường niên mang tên Dế Mèn đã làm nức lòng những người quan tâm đến mảng sáng tác cho bạn đọc nhỏ. Giải thưởng này không chỉ dành cho sáng tác văn học mà còn hướng tới sáng tác trong lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, nhiếp ảnh... Bởi thế, sự ra đời của giải thưởng Dế Mèn mang lại sự kỳ vọng về một sân chơi sáng tác có ý nghĩa, góp phần thúc đẩy phong trào sáng tác cho thiếu nhi và vì thiếu nhi.

Hay Giải thưởng Văn học tuổi 20 của Nhà xuất bản Trẻ tuy có rất ít tác phẩm viết cho trẻ em nhưng lại là nơi phát hiện nhiều cây viết trẻ, mà sau này không ít người trong số họ đã chạm ngõ văn chương thiếu nhi như: Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Tư, Dương Thụy, Phong Điệp... Và gần đây nhất, ở Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư năm 2021 vừa được trao tại Hà Nội mảng sách thiếu nhi tuy chiếm số lượng không nhiều (27 tên sách/bộ sách, gồm 62 cuốn) so với các mảng sách khác, song các tác phẩm đề tài thiếu nhi đã góp mặt ở tất cả hạng mục giải thưởng. Tác phẩm văn học thiếu nhi của họ không dừng lại ở đóng góp, sáng tạo về mặt nội dung mà hình thức các cuốn sách đều ứng dụng tốt nền tảng đồ họa, công nghệ, kỹ thuật mới, mang lại sự lôi cuốn về thị giác cho bạn đọc. Chang hoang dã - Gấu của tác giả Trang Nguyễn (sinh năm 1990) và họa sĩ Jeet Zdung (NXB Kim Ðồng) đoạt giải A là cuốn truyện tranh chủ đề bảo vệ thiên nhiên và môi trường hoang dã chính là minh chứng cho điều đó.

Nhà văn Tô Hoài từng khẳng định: Một tác phẩm chân chính có giá trị đối với tuổi thơ là một tác phẩm tham dự mạnh mẽ vào sự nghiệp nên người của bạn đọc ấy. Từ đó có thể thấy được, văn học thiếu nhi là một bộ phận không thể thiếu trong dòng chảy văn học nước nhà, góp phần quan trọng trong việc nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách của trẻ em. Và không thể phủ nhận văn học luôn có những bước đi riêng, trải qua những thăng trầm mà nhiều khi dù muốn, chúng ta cũng khó tác động để thay đổi trong một sớm một chiều. Thế nhưng nếu số lượng và chất lượng của các trại sáng tác văn học dành cho thiếu nhi không được nâng cao và thay đổi rõ rệt sẽ là điều đáng tiếc cho văn chương và công chúng yêu văn học nước nhà. 

VŨ MỪNG

Ý kiến bạn đọc