“Gạn đục, khơi trong” văn học mạng (Bài 1): Đồng bộ nhiều giải pháp “vừa xây, vừa chống”

VHO- Trao đổi với Văn Hóa về lời giải cho “bài toán” bất cập của văn học mạng, để làm sao vừa kiểm soát, định hướng tư tưởng, nội dung tác phẩm, vừa bảo vệ quyền tự do cho những người sáng tạo chân chính và đảm bảo quyền hưởng thụ văn hóa lành mạnh của cộng đồng, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) Nguyễn Nguyên nhận định, cần có sự đồng bộ trong nhiều giải pháp để “vừa xây, vừa chống”.

“Gạn đục, khơi trong” văn học mạng (Bài 1): Đồng bộ nhiều giải pháp “vừa xây, vừa chống” - Anh 1

 P.V: Dòng văn học mạng giờ đây không còn xa lạ với những ai yêu thích văn chương và sáng tác. Tuy nhiên, vì quá mở mà văn học mạng đang trong tình trạng “vàng thau lẫn lộn” và chưa có “lưới lọc” hữu hiệu. Ông nhận định như thế nào về thực trạng này?

- Ông Nguyễn Nguyên: Đến nay, văn học mạng đã phát triển rất sôi động với nhiều trào lưu, phương thức, thể loại và đề tài khác nhau. Văn học mạng không còn là sân chơi của những tay viết không chuyên muốn cậy nhờ công nghệ số để thể hiện, phổ biến tác phẩm cũng như tương tác trực tiếp với độc giả. Ngay cả với những nhà văn, cây bút tên tuổi đã có nhiều tác phẩm được bạn đọc yêu thích, song song với việc in sách giấy, họ sử dụng mạng xã hội như một công cụ để đa dạng hóa hình thức truyền tải, mở rộng đối tượng độc giả.

Hơn nữa, văn học mạng cũng ngày càng phong phú về thể loại và nội dung. Trong đó, phổ biến và dễ tiếp cận nhất có thể kể đến là bản dịch truyện kiếm hiệp của Trung Quốc. Truyện ngôn tình cũng được dịch và ra mắt rầm rộ trên môi trường mạng. Sức hút của các tác phẩm đến từ những câu chuyện về tình yêu, cuộc sống của giới trẻ được kể qua lăng kính lãng mạn, lối viết khẩu ngữ đời thường và không loại trừ các yếu tố sốc, sến…

Thế nhưng, với tính chất “đời sao thì văn học mạng như vậy”, chúng ta đang được chứng kiến “bức tranh” toàn cảnh về văn học mạng với những “mảng” đẹp, xấu đủ cả. Bên cạnh những nhà văn, cây viết nghiêm túc trong “cuộc chơi”, luôn mong muốn đem đến những tác phẩm có giá trị cao về cả nội dung lẫn nghệ thuật, thì trái lại, chúng ta cũng thấy không ít người viết với mục đích câu like, câu view. Điều này dẫn đến tình trạng có nhiều tác phẩm không đạt chất lượng cả về yếu tố văn hóa, văn chương hay còn gọi là sản phẩm “rác” văn học.

Vậy nguyên nhân của thực trạng này là gì, thưa ông?

- Dưới góc nhìn của người làm về xuất bản, tôi cho rằng văn học mạng hiện nay đang không có người “cầm cân nảy mực”, tức là thiếu đi giới chuyên môn để phê bình, đánh giá, thẩm định, xác định đâu là những tác phẩm mang lại giá trị đích thực. Ngoài ra, cũng vì không có ai định hướng nên hiện giờ, nhiều cây viết trẻ chưa có nền tảng nhận thức, kiến thức tốt trong sáng tác; dễ bị chao đảo và chạy theo những thị hiếu thẩm mỹ tầm thường. Họ tự “bẻ cong” ngòi bút và cho ra đời những sản phẩm không mang bất kỳ giá trị nào của văn chương.

Và cũng chính vì không có người “cầm cân nảy mực” nên những người sáng tác cũng không xác định được hướng đi nào là tốt khi tiếp nhận đủ khen, chê trên mạng. Không ít cây viết giữ tâm lý “thấy đông là theo”, bất chấp đúng sai. Ngoài ra, nếu đi ngược lại số đông, họ “ngại” sẽ bị công chúng quay lưng, dẫn đến không dám nêu ra quan điểm. Nghịch lý xảy đến là khi người biết thì không dám lên tiếng, còn những người “không biết gì” lại ra sức đánh giá, dẫn dắt người viết đi theo hướng sáng tác không tích cực, thiếu chuyên nghiệp.

“Gạn đục, khơi trong” văn học mạng (Bài 1): Đồng bộ nhiều giải pháp “vừa xây, vừa chống” - Anh 2

 Chúng ta đang được chứng kiến bức tranh toàn cảnh về văn học mạng với những mảng đẹp, xấu đủ cả (ảnh minh họa)

Không thể phủ nhận văn học mạng có nhiều đóng góp cho sự phát triển của văn học Việt Nam nói chung. Sự phát triển ấy tác động như thế nào đến hoạt động xuất bản truyền thống, thưa ông?

- Văn học mạng ngoại trừ những tác phẩm do các NXB chủ động đăng tải sau khi đã ra mắt bản in giấy, còn lại đều là những tác phẩm không qua kiểm duyệt. Có không ít trang web văn học (chủ yếu của các cây viết trẻ) được lập ra với mục đích kiếm lời từ quảng cáo nên tất cả chỉ dừng lại ở những con số vô nghĩa về lượt truy cập, lượt thích của độc giả. Nhưng nếu văn học mạng phát triển theo đúng quỹ đạo của nó, tôi tin đây sẽ là môi trường tốt để ươm mầm tài năng, là nơi lý tưởng để các cây viết trẻ sinh hoạt với mong muốn hoàn thiện ngòi bút của mình hơn. Đến khi “chín muồi”, họ sẽ sẵn sàng để cho ra đời những “đứa con tinh thần” chất lượng ở cả phương thức xuất bản truyền thống cũng như trên môi trường số.

Bên cạnh đó, với độ mở, không gian mạng có nhiều ưu thế giúp tác giả giới thiệu tác phẩm một cách hiệu quả, sau đó xuất bản theo cách thức truyền thống. Vì vậy, trong lĩnh vực xuất bản, văn học mạng ở một góc độ nhất định nào đó cũng là “công cụ” hỗ trợ cho xuất bản truyền thống.

Vậy để có thể kiểm soát tốt chất lượng tác phẩm văn học trên không gian mạng trong thời gian tới, theo ông cần có những giải pháp đồng bộ nào?

- Về mặt quản lý nhà nước trong hoạt động xuất bản, dù tác phẩm được xuất bản giấy (sách in) hay xuất hiện trên môi trường số, nếu thông qua các NXB thì đều được coi là xuất bản phẩm và chịu sự quản lý theo quy định của Luật Xuất bản. Tuy nhiên hiện nay, nhiều tác phẩm văn học mạng chỉ công bố trên các nền tảng xuyên biên giới, máy chủ đặt ở nước ngoài. Vì thế, việc làm thế nào để định hướng, phân biệt “vàng thau” là bài toán khó cho các cơ quan quản lý. Ngay cả đối với các tác phẩm được xuất bản qua NXB thì việc kiểm soát cũng không đơn giản.

Đơn cử như với một tác phẩm đã ra sách giấy, nay tái bản theo định dạng số - sách nói, có những cuốn có thời lượng lên đến 15-20 tiếng. Hẳn nhiên, NXB sẽ rất vất vả để nghe, duyệt nhằm đảm bảo tác phẩm vẫn giữ nguyên vẹn nội dung như trước khi chuyển đổi định dạng. Ngay với cơ quan quản lý chúng tôi, việc kiểm tra lưu chiểu cũng rất khó khăn đối với những tác phẩm sách nói này. Trong năm 2022, cả nước có trên 3.000 đầu sách điện tử; sách nói cũng vài trăm cuốn và con số này dự kiến còn tăng trong thời gian tới… Do đó, về lâu dài, cả NXB và chúng tôi cần kết hợp với các công ty công nghệ để phát triển giải pháp hỗ trợ quản lý nội dung xuất bản được tốt và hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, với xuất bản văn học mạng và xuất bản phẩm trên môi trường số, nhất định phải “vừa xây, vừa chống”. Đối với “xây”, chúng tôi tập trung cao độ vào thực hiện chuyển đổi số, đẩy nhanh xuất bản điện tử cũng như mở ra một số thị trường sách mới như sách nói, sách tinh gọn… Đồng thời đưa nhiều ấn phẩm có giá trị lên các mạng xã hội để độc giả có thể tìm đọc. Qua đó, bạn đọc có thêm nguồn hưởng thụ văn hóa lành mạnh.

Lãnh đạo Bộ TT&TT đã chỉ đạo để các bộ phận chức năng phối hợp với nhau trong xử lý các vấn đề về pháp lý, kỹ thuật; tập trung vào nền tảng xuyên biên giới. Cùng với đó, chúng tôi đang hướng đến sớm hoàn thiện hệ thống pháp lý để tăng cường số lượng đơn vị được phép xuất bản sách điện tử; hoàn thiện nền tảng xuất bản điện tử dùng chung, nền tảng kết nối các NXB; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hoạt động xuất bản từ việc sớm có chiến lược quốc gia về xuất bản sách điện tử.

Bên cạnh các giải pháp đồng bộ về quản lý, theo ông, bạn đọc cần làm gì để nâng cao “sức đề kháng” trước các sản phẩm “mang danh” văn học mạng?

- Các giải pháp về công nghệ, hay tăng cường quản lý đều sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới. Nhưng quan trọng hơn cả, bạn đọc vẫn cần trở thành một người “tiêu dùng thông minh”, phải có kỹ năng phân biệt đâu là sản phẩm xấu, độc; đâu là tác phẩm văn học mạng chân chính. Tự bạn đọc phải trang bị cho mình “bộ lọc” này. Đối với những học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, cha mẹ, thầy cô phải là người định hướng cho các em về việc lựa chọn tác phẩm để đọc. Chúng ta không thể “thả nổi” việc lựa chọn sách. Chọn sách, chọn đọc tác phẩm văn học đúng nghĩa cũng là cách để góp phần phát triển văn hóa đọc - một mục tiêu cao cả mà chúng ta đang hướng đến. 

 Dưới góc nhìn của người làm về xuất bản, tôi cho rằng văn học mạng hiện nay đang không có người “cầm cân nảy mực”, tức là thiếu đi giới chuyên môn để phê bình, đánh giá, thẩm định, xác định đâu là những tác phẩm mang lại giá trị đích thực. Ngoài ra, cũng vì không có ai định hướng nên hiện giờ, nhiều cây viết trẻ chưa có nền tảng nhận thức, kiến thức tốt trong sáng tác; dễ bị chao đảo và chạy theo những thị hiếu thẩm mỹ tầm thường. Họ tự “bẻ cong” ngòi bút và cho ra đời những sản phẩm không mang bất kỳ giá trị nào của văn chương.

(Ông NGUYỄN NGUYÊN - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành)

NGỌC NHIÊN - ĐÌNH TOÁN (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc