Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái xúc động trên từng trang viết

VHO-Nhân kỉ niệm 46 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2021), Nhà xuất bản CAND phối hợp cùng Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức buổi giao lưu tác giả và giới thiệu tác phẩm truyện kí Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái của nhà văn Trầm Hương. Buổi giao lưu có sự tham dự của 20 nữ thanh niên xung phong (TNXP) từng tham gia chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ trên con đường này, cùng sự có mặt của rất đông đảo các em sinh viên trên địa bàn thành phố.

 

Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái xúc động trên từng trang viết - ảnh 1

Buổi giao lưu với sự tham gia của đông đảo sinh viên

Nhà văn Trầm Hương (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM) là một cây bút có nhiều thành công trong các tác phẩm viết về chiến tranh cách mạng. Sau khi đoạt giải Khuyến khích trong cuộc thi tiểu thuyết, truyện, kí về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ tư năm 2020, truyện kí Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái đã được Nhà xuất bản Công an nhân dân tái bản và phát hành rộng rãi.
Đây là tác phẩm văn học phi hư cấu, được nhà văn Trầm Hương kể lại một cách chi tiết về con đường “Trường Sơn giữa đồng bằng” 1C, từ ngày ra đời cho tới tháng 4.1975. Kể lại những gian khổ, vượt qua cam go khốc liệt trong đạn bom hủy diệt, sự hy sinh tuổi thanh xuân của lực lượng nữ Thanh niên xung phong (TNXP) trên con đường huyền thoại, mỗi trang sách như thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và có cả máu của các anh, các chị. Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái gồm 9 chương: Mẹ ơi, đường 1C là gì? Họ là ai, họ từ đâu đến?; Những người con gái không có tuổi, sức chịu đựng gian khổ; Những chiến công huyền thoại; Voi, trâu, bò cùng vào trận; Những “chiến sĩ áo trắng” trên tuyến đường 1C; Những cái chết đau thương; Những tấm giương anh hùng; Những mảnh đời sau chiến tranh và Tấm lòng đồng đội.
Tại buổi giao lưu, nhà văn Trầm Hương chia sẻ về cơ duyên và hành trình cho ra đời tác phẩm này: “Khi công tác tại Bảo tàng Nam Bộ, tôi bị ám ảnh bởi những câu chuyện TNXP từ Bắc vào Nam. Thế nhưng, những con người “gánh sông núi” trên vai, vận chuyển vũ khí từ miền Đông chi viện cho miền Tây ở tuyến đường 1C này lại ít được biết và nhắc đến. Và khi được tìm hiểu thì tôi đã thật sự xúc động mà thốt lên: “Trời ơi những con người phi thường như vậy mà ta không viết thì viết về cái gì”, đó chính là nguồn cảm hứng để tôi bắt tay vào viết  Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái… Là phụ nữ, nên tôi dễ dàng tiếp cận những nhân chứng trên tuyến đường lịch sử này. Tôi đến với các anh, các chị là một người con, người em, chứ không phải là một nhà văn, nhà báo. Các anh chị tìm được người đồng cảm nên sẵn sàng mở lòng. Có những chuyện ẩn ức, oan khuất, cả những bí mật chôn vùi tận đáy lòng, nhưng rồi các anh chị đã bộc bạch.”

Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái xúc động trên từng trang viết - ảnh 2

Nhà văn Trầm Hương chia sẻ về hành trình cho ra đời tác phẩm Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái


Thượng tá Trần Thanh Hà, Phó trưởng Cơ quan đại diện Cục truyền thông CAND tại TP.HCM cho rằng đây là một cuốn sách đặc biệt: “Vì ở đây các bạn sẽ được nghe kể về những con người khác thường trên tuyến đường vận tải. Lúc bấy giờ, các anh chị TNXP chỉ mới 15 hay 17 tuổi, có chị chỉ mới 13 đứng chưa cao bằng cây súng, nhưng họ vẫn dấn thân vào chiến trường 1C đầy khốc liệt. Mùa khô cõng trên lưng số hàng hóa gấp đôi trọng lượng cơ thể; mùa mưa lội sình, bùn, đẩy, kéo, bơi xuồng... chuyên chở vũ khí, khí tài về các tỉnh miền Tây Nam Bộ; đưa đường cán bộ, bộ đội ngược xuôi khắp các chiến trường Khu 8, Khu 9, đồng thời chiến đấu chống địch, bảo vệ kho tàng, căn cứ… Ấy thế mà, chưa bao giờ họ bỏ cuộc.”
Trong buổi giao lưu, những con người từ trang sách đã bước ra cuộc đời, họ chính là chứng nhân sống của tuyến đường lịch sử trong những ngày bi tráng không thể nào quên. Cả hội trường như lặng đi khi nữ TNXP Tô Thị Tuyết Thu chia sẻ: “Mỗi chuyến đi năm ấy với tôi là mỗi lần sẵn sàng đối mặt với cái chết. Tôi để sẵn khẩu AK dưới lớp lưới, phòng đụng giặc là quyết tử.” Hay chia sẻ của bà Phạm Hồng Phương: “Lúc đó tối mới vào TNXP, rất nhát và nổi tiếng sợ ma. Vậy mà đêm đó, tôi chứng kiến cảnh chị Phiên hấp hối và hy sinh… Tôi giăng mùng cho thi hài chị Phiên đỡ lạnh và tránh bị ruồi muỗi bu lại. Đêm tối mịt, tiếng côn trùng nỉ non. Thương chị quá, mà chúng tôi cũng sợ ma quá, khóc nức nở. Tình đồng đội đã giúp chúng tôi vượt qua nỗi sợ.” Và nhiều lắm những câu chuyện thấm đẫm nước mắt khác, mà phải cho đến ta đọc được thì mới thật sự thấu cảm.
Với những thế hệ đi trước, cuốn sách như một phần kí ức hào hùng của dân tộc Việt Nam. Còn với người trẻ, cuốn sách sẽ giúp các bạn hiểu hơn về những hy sinh, mất mát của những người đi trước, để rồi càng trân quý những ngày hòa bình. Hơn thế nữa, Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái còn gắn kết những thế hệ với nhau, từ đó góp phần xây dựng một dân tộc giàu mạnh, phát triển và luôn tự hào về những truyền thống lịch sử vẻ vang.

HỒNG HẠNH
 

Ý kiến bạn đọc