Dịch văn học: Con đường đã sáng hơn

VHO- Làm thế nào để tác phẩm văn học Việt Nam được bạn đọc thế giới biết đến nhiều hơn? Làm thế nào để tâm hồn người Việt, thông qua tác phẩm văn học, được thấu hiểu? Và khi nào thì nhà văn Việt Nam có thể chạm tay tới giải Nobel Văn học, một giải thưởng cao quý mà bất cứ nhà văn nào trên thế giới cũng khao khát? Để làm được những điều này, không cách nào khác hơn là phải xây dựng bước đi đầu tiên vững vàng, đó là dịch văn học.

Dịch văn học: Con đường đã sáng hơn - Anh 1

 Bốn nữ nhà văn - dịch giả trong nhóm Nữ dịch văn học Hà Nội (hàng trên: Đỗ Mai Hòa - Kiều Bích Hậu; hàng dưới: Khánh Phương - Phạm Vân Anh)

 Muốn một tác phẩm văn học được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau, thì điều căn bản là tác phẩm đó phải được dịch sang tiếng Anh. Từ bản dịch tiếng Anh này, dịch giả từ các nước khác nhau có thể dịch sang ngôn ngữ nước họ và xuất bản. Như vậy, ảnh hưởng của tác phẩm cứ lan tỏa và nhân rộng dần lên... Và ai cũng hiểu rằng, vị trí của dịch giả là vô cùng quan trọng.

Khi bắt đầu công việc kết nối với bạn văn quốc tế, các chủ NXB, các dịch giả trong và ngoài nước từ năm 2019, tôi đã vấp phải không ít khó khăn. Đầu tiên, đó là nhiệm vụ được Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam giao phó: Tìm dịch giả tiếng Ý để dịch tác phẩm Sông núi trên vai, một hợp tuyển thơ chiến tranh Việt Nam, để xuất bản tại nước Ý. Tôi đã liên hệ khắp nơi, từ nguồn dịch giả Việt Nam mà Hội Nhà văn có quan hệ lâu nay, cho tới các dịch giả Việt kiều ở nước ngoài. Sau hơn 3 tháng tìm kiếm, tôi dường như bất lực vì không thể tìm ra người đủ năng lực dịch thơ Việt sang tiếng Ý. Thậm chí, cả những dịch giả từng dịch tác phẩm văn học Ý sang tiếng Việt cũng từ chối, không dám dịch ngược. Của đáng tội, nếu so với việc đi dịch cho các sự kiện, dịch tài liệu cho dự án, thì việc dịch tác phẩm văn học Việt sang tiếng Ý tương đối “xương”, đòi hỏi người dịch có hiểu biết sâu sắc về văn chương, có bề dày văn hóa và ngôn ngữ của cả hai đất nước mới có thể dịch thành công. Không thể tìm được người dịch, tôi đành chấp nhận phương án để nhà thơ người Ý Laura Garavaglia dịch hợp tuyển thơ Sông núi trên vai sang tiếng Ý từ bản tiếng Anh.

Dịch văn học: Con đường đã sáng hơn - Anh 2

Nhà thơ - dịch giả Đỗ Mai Hòa

Tiếp đó, tôi miệt mài dịch thơ văn của các nhà thơ nước ngoài để giới thiệu tại Việt Nam, gây thiện cảm với bạn văn quốc tế; sau đó, nhờ các bạn cũng làm tương tự như thế, nghĩa là chịu bỏ công sức, thời gian và tâm huyết để dịch và xuất bản tác phẩm thơ văn Việt Nam ở nước họ. Vui mừng xiết bao khi những tác phẩm văn học Việt bắt đầu xuất hiện trên các kệ sách ở Romania, Nepal, Uzbekistan, Mỹ, Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh, Ba Lan, Nga… Tiếp đó, Hội Nhà văn Thế giới, Liên hoan Thơ thế giới, Phong trào thơ thế giới, Hội Văn học Á châu đều liên hệ với tôi để mời tác giả Việt Nam tham dự các sự kiện do họ tổ chức và đăng tác phẩm trên những nền tảng họ sáng lập. Lúc này, một mình tôi làm không xuể, vả lại, nhìn thấy con đường sáng đã mở ra trước mặt, tôi thấy cần có một đội ngũ dịch giả hỗ trợ mình.

Dịch văn học: Con đường đã sáng hơn - Anh 3

Nhà văn - dịch giả Khánh Phương

Điều đầu tiên là những dịch giả ấy không chỉ giỏi ngôn ngữ Anh, mà cần có tâm huyết với công việc nhọc nhằn này, không đòi hỏi quyền lợi tài chính trước mắt. Qua thời gian và sự thử thách, trong hai năm 2020 và 2021, tôi đã tìm được nhóm đồng hành gồm các nhà thơ, nhà văn: Khánh Phương, Đỗ Mai Hòa, Võ Như Mai, Phạm Vân Anh. 5 nữ nhà văn, nhà thơ, dịch giả trong nhóm quyết định đặt tên nhóm là Hanoi Female Translators (Nhóm nữ dịch văn học Hà Nội). Từ khi có người đồng hành, số lượng tác phẩm Việt Nam được dịch ra tiếng Anh đã tăng vọt. Năm 2021, nhóm đã giới thiệu được 50 tác giả Việt Nam ra nước ngoài. Một số cuốn sách thơ, truyện ngắn, bút ký, tiểu thuyết Việt Nam được xuất bản ở nước ngoài trong hai năm 2021- 2022 đều có công sức của nhóm. Mối quan hệ của nhóm với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn học ở nước ngoài cũng tăng lên hơn nhiều. Năm 2021, tôi vinh dự được mời vào Ban Biên tập của hai tạp chí văn học nước ngoài, là Humanity của Nga và Neuma của Romania. Nhờ đó, trong mỗi số tạp chí, tôi cùng nhóm đều có thể dịch và giới thiệu từ 1 đến 3 tác giả Việt Nam. Các NXB ở Hungary, Romania, Ý, Nga, Uzbekistan… đều đã trở thành thân thiết với nhóm chúng tôi, và đặc biệt NXB Ukiyoto của Canada đã tiếp nhận tôi làm đại diện cho họ tại Việt Nam để tuyển chọn tác phẩm cho NXB.

Dịch văn học: Con đường đã sáng hơn - Anh 4

Nhà văn - dịch giả Phạm Vân Anh

Quả vậy, con đường sáng đã mở ra, vui mừng xiết bao khi thấy được thành quả hoạt động của Nhóm nữ dịch văn học Hà Nội. Một số bạn trẻ thế hệ 9X đã tìm đến với nhóm, sẵn sàng chấp nhận thử thách, bỏ công sức dịch ngược văn học Việt Nam, đồng hành với nhóm để đưa văn học Việt Nam vượt qua biên giới ngày một nhiều hơn… Chúng tôi rất mong Nhóm sẽ được các tổ chức thuộc Chính phủ hoặc phi Chính phủ hỗ trợ cả về quan hệ và tài chính để có thể mở rộng hoạt động trong tương lai, góp phần quảng bá hiệu quả văn học Việt Nam. 

 Nhà văn - dịch giả Khánh Phương

Là một thành viên của nhóm Nữ dịch văn học Hà Nội, từng dịch cho một số tác giả với mục đích quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, với tôi, dịch truyện và dịch thơ cũng là sáng tác. Bởi nếu chỉ dịch văn bản thì rất dễ, nhưng dịch văn học yêu cầu phải có “đôi cánh bay bổng”, thậm chí “mộng du”, đôi khi “phù du”… Thế nên, tốt nhất dịch giả văn học nên là nhà văn/nhà thơ. Hoặc ít nhất là người đã từng viết truyện, làm thơ thì dễ cảm thụ hơn.

Tôi mong muốn Bộ VHTTDL hoặc cấp Ban, ngành nào đó quan tâm thiết thực hơn nữa để có nhiều tác phẩm văn học Việt Nam được thế giới biết đến. Có nhiều nhà văn, nhà thơ Việt Nam có tác phẩm xuất sắc nhưng do rào cản ngôn ngữ nên không thể vươn xa. Và nếu muốn thì bản thân cá nhân cũng khó có thể đủ nguồn lực, bởi vậy rất cần sự kết hợp, quan tâm, bảo trợ của Nhà nước cho đội ngũ dịch thuật. Bởi chúng tôi, những người dịch thuật văn học, đồng thời cũng là nhà văn, nhà thơ - dù có trân trọng và muốn khuyến khích bạn văn, bạn thơ vươn ra nước ngoài, nhưng chúng tôi chỉ có thể giúp một vài lần và không thể giúp mãi.

 Nhà thơ - dịch giả Đỗ Mai Hòa

Dịch thơ giống như thám hiểm một vùng đất, một bản sắc văn hóa khác thông qua hình tượng thơ ca. Tuy nhiên, để hiểu và dịch đúng, đủ, dịch hay là điều không đơn giản. Trong quá trình làm việc, tôi luôn trăn trở, tìm tòi và cố gắng giữ những cách biểu đạt của tác giả và đôi khi phải thêm thắt cho phù hợp với ngữ cảnh và cách biểu đạt của ngôn ngữ dịch. Ví như dịch Anh - Việt thì các từ hay cách biểu đạt trong tiếng Anh phải được Việt hóa gần như hoàn toàn để gần gũi với độc giả là người Việt, và ngược lại…

Nếu chỉ một người hay một nhóm người làm công việc dịch thuật và quảng bá văn học thì tôi e rằng chẳng khác gì mang muối bỏ biển, dù họ có nỗ lực, có cố gắng như thế nào. Nói thế để thấy vai trò của các cơ quan Bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là Bộ VHTTDL, Bộ Ngoại giao… là hết sức cần thiết! Ngoài kinh phí và nguồn ngân sách nhà nước thì cũng rất cần xã hội hóa hoạt động quảng bá của từng cá nhân, từng nhà hảo tâm yêu văn chương, nghệ thuật. Và ít nhiều cũng cần đến các chiến lược hay chiến dịch marketing bài bản…

 Nhà văn - dịch giả Phạm Vân Anh

Là một nhà văn quân đội, tôi cho rằng sự giao lưu văn hóa giữa các quốc gia là vô cùng quan trọng. Và văn học, với những đặc điểm chuyên biệt và giá trị nội hàm riêng có của mỗi tác phẩm ở nhiều thể loại, đều chứa đựng những thông điệp văn hóa tiêu biểu, đặc sắc. Do yêu cầu nhiệm vụ không được xuất ngoại, nên tôi lựa chọn cách du lịch qua các tác phẩm văn học nước ngoài. Là người từng học biên dịch tiếng Anh, tôi đã mạnh dạn dịch một số tác phẩm của các nhà văn đương đại các nước Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, Nepal, Ấn Độ... với mong muốn mang lại một sự kết nối giữa các nhà văn nói riêng và giữa các dân tộc nói chung.

Dịch văn học thực sự là một công việc vất vả bởi không chỉ dịch văn hóa của một đất nước, một dân tộc mà còn dịch cả xu hướng văn học hoặc phong cách sáng tác, thi pháp xây dựng tác phẩm của tác giả. Có những tác phẩm tôi lựa chọn dịch nguyên bản, tôn trọng tối đa nguyên tác cùng những yếu tố cấu thành. Có những tác phẩm tôi phải chuyển ngữ mềm mại cho gần với cách nghĩ, cách hiểu của người Việt Nam hoặc dẫn giải câu thơ, lời thoại nhân vật sao cho hiệu quả nhất”…

KIỀU BÍCH HẬU

Ý kiến bạn đọc