Xây dựng tỉnh Thanh Hóa giàu đẹp, kiểu mẫu, trung tâm văn hóa lớn của khu vực và cả nước

NGUYỄN LINH

VHO - Thanh Hoá đặt mục tiêu đến năm 2045, xây dựng con người Thanh Hóa phát triển toàn diện, văn minh; tỉnh Thanh Hóa giàu đẹp, kiểu mẫu, có nền văn hóa giàu sắc thái, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển hiện đại, là một trong những trung tâm văn hóa lớn của khu vực và cả nước.

 Ngày 4.7, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới.

Xây dựng tỉnh Thanh Hóa giàu đẹp, kiểu mẫu, trung tâm văn hóa lớn của khu vực và cả nước - ảnh 1
Lễ hội Lam Kinh

Cụ thể, Nghị quyết đưa ra các mục tiêu đến năm 2030, 100% các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt việc xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Thanh Hóa.

100% các trường học trong tỉnh tổ chức hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, sinh viên về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Thanh Hóa.

Xây dựng các thiết chế, công trình văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở theo huớng đồng bộ, hiện đại; đầu tư xây dựng mới một số công trình cấp tỉnh mang tầm cỡ của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước.

Đối với cấp tỉnh: Xây dựng Bảo tàng tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, Công viên văn hóa xứ Thanh, Cung văn hóa thiếu nhi; Sân vận động tỉnh đạt chuẩn, Nhà thi đấu đa năng và Khu thể thao dưới nước tầm cỡ khu vực, một số công trình hiện đại trong Khu Liên hợp Thể thao tỉnh theo quy hoạch.

Cấp huyện: 100% huyện, thị xã, thành phố có Trung tâm Văn hóa - Thể thao hoặc Sân vận động đạt chuẩn; xây dựng được 1 thiết chế văn hóa dành cho công nhân lao động tại khu công nghiệp gắn với khu nhà ở xã hội.

Cấp xã: 100% đơn vị hành chính cấp xã có cơ sở vật chất văn hóa cấp xã (Trung tâm Văn hóa - Thể thao hoặc Hội trường Văn hóa - Thể thao đa năng); trong đó có từ 20 đến 30% trở lên các xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao đạt chuẩn.

Ở thôn, tổ dân phố: 100% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa - khu thể thao; trong đó, có từ 80% số thôn trở lên thuộc các huyện, thị xã, thành phố vùng đồng bằng, ven biển và 60% số thôn, bản trở lên thuộc các huyện miền núi có nhà văn hóa - khu thể thao đạt chuẩn.

100% địa phương thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các danh hiệu kiểu mẫu của tỉnh.

100% di tích đã được xếp hạng các cấp, bảo vật và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được bảo vệ theo đúng pháp luật, khoa học và phát huy giá trị hiệu quả. Lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận 1 di sản văn hóa Thế giới, ít nhất 1 di tích quốc gia đặc biệt. Hằng năm, có từ 2 đến 3 loại hình di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

100% các đơn vị cấp huyện và tương đương xây dựng được nhà truyền thống hoặc phòng truyền thống đảm bảo theo quy định; 80% đơn vị hành chính cấp xã có phòng truyền thống; 100% các xã về đích Nông thôn mới kiểu mẫu có phòng truyền thống; 100% các đơn vị làm công tác bảo tồn, thư viện (cấp tỉnh, cấp huyện) thực hiện số hóa tài liệu, hiện vật có giá trị về đất và người Thanh Hóa.

Xây dựng tỉnh Thanh Hóa giàu đẹp, kiểu mẫu, trung tâm văn hóa lớn của khu vực và cả nước - ảnh 2
Lễ hội Đền Bà Triệu

Có từ 1 đến 2 văn nghệ sĩ được Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật; 3 nghệ sĩ trở lên được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, 10 nghệ sĩ trở lên được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

100% cán bộ, công chức, viên chức các cấp trong tỉnh thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và trang bị trình độ ngoại ngữ phù hợp với vị trí việc làm.

100% đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ văn hóa, du lịch và có yếu tố nước ngoài tổ chức tốt việc tuyên truyền, giáo dục về ứng xử văn minh và ngoại ngữ cho người lao động. Năng suất lao động, chỉ số phát triển con người (HDI) của tỉnh trong nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.

90% trở lên cán bộ lãnh đạo, quản lý và tham mưu lĩnh vực văn hóa ở cấp tỉnh; 75% trở lên cán bộ cấp huyện và 60% công chức văn hóa cấp xã có trình độ đại học trở lên chuyên ngành văn hóa, hoặc khối ngành khoa học xã hội và nhân văn.

Đến năm 2045, xây dựng con người Thanh Hóa phát triển toàn diện, văn minh; tỉnh Thanh Hóa giàu đẹp, kiểu mẫu, có nền văn hóa giàu sắc thái, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển hiện đại, là một trong những trung tâm văn hóa lớn của khu vực và cả nước.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trên, Nghị quyết đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới. Đổi mới , nâng cao chất lượng , hiệu quả các hoạt động văn hóa; xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa đặc sắc , đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của Nhân dân.

Tăng cường công tác bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Xây dựng con người Thanh Hóa phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững quê hương, đất nước.

Thường xuyên chăm lo xây dựng, phát triển, nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách; tăng cường nguồn lực để nâng cao hiệu quả xây dựng, phát triển văn hóa , con người Thanh Hóa. Đổi mới và nâng cao hiệu quả các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế về xây dựng, phát triển văn hóa và con người.

Thanh Hoá vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, luôn giữ vai trò trọng yếu trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Xứ Thanh là nơi phát tích của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam; quê hương của nhiều anh hùng dân tộc, văn thần, võ tướng nổi tiếng trong lịch sử và của nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc.

Người Thanh Hóa giàu lòng yêu nước, hiếu học, có tinh thần đoàn kết, nhân ái, nghĩa tình, cần cù, sáng tạo, luôn có ý chí và khát vọng vươn lên trong cuộc sống.

Phát huy truyền thống văn hiến và các giá trị mạch nguồn văn hóa tốt đẹp của quê hương; trong những năm qua, Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đạt được nhiều kết quả quan trọng. 

Xây dựng tỉnh Thanh Hóa giàu đẹp, kiểu mẫu, trung tâm văn hóa lớn của khu vực và cả nước - ảnh 3
Xây dựng tỉnh Thanh Hóa giàu đẹp, kiểu mẫu, trung tâm văn hóa lớn của khu vực và cả nước

Tuy nhiên, công tác xây dựng, phát triển văn hóa, con người Thanh Hóa nhìn chung chưa tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng và yêu cầu của Tỉnh. Một số giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ bị mai một. Nhiều di sản văn hóa vật thể bị hư hỏng, xuống cấp nhưng chưa có biện pháp bảo tồn, tôn tạo hiệu quả.

Việc khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm giáo dục truyền thống, phát triển du lịch, dịch vụ hiệu quả chưa cao. Lĩnh vực văn học, nghệ thuật phát triển chưa tương xứng với truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương, còn thiếu những tác phẩm lớn, có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.

Hệ thống thiết chế văn hóa và cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ hoạt động văn hóa thiếu đồng bộ, nhiều công trình chưa đạt chuẩn, chưa có những công trình quy mô, xứng tầm.

Một số chỉ tiêu về phát triển con người, như: Năng suất lao động, chỉ số HDI... vẫn còn thấp so với bình quân chung cả nước.Việc thực hiện các giải pháp phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, giảm nghèo, an sinh xã hội... để tạo ra những điều kiện vật chất phục vụ con người phát triển toàn diện có mặt chưa tốt; thực hiện quyền con người trên một số lĩnh vực của đời sống xã hội có lúc, có việc kết quả còn hạn chế.

Theo đó, việc Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới sẽ là  là nền tảng vật chất và tinh thần vững chắc, thực sự trở thành động lực, sức mạnh nội sinh quan trọng thúc đẩy Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững; phấn đấu đến năm 2030, trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; đến năm 2045, là tỉnh phát triển toàn diện và “kiểu mẫu” của cả nước.