Văn hóa Óc Eo không ngừng phát triển thông qua các hoạt động khảo cổ học trong nước và quốc tế

KHẮC NGUYÊN

VHO - Ngày 30.9, tại tỉnh An Giang, BQL Di tích văn hóa Óc Eo tổ chức Hội thảo khoa học, với chủ đề: “Nền văn hóa Óc Eo - Những cung bậc lịch sử và định hình ngày truyền thống văn hóa Óc Eo Nam Bộ”.

Văn hóa Óc Eo không ngừng phát triển thông qua các hoạt động khảo cổ học trong nước và quốc tế - ảnh 1
Công tác bảo tồn – phát huy giá trị di tích văn hóa Óc Eo mang lại những kết quả quan trọng

Phấn đấu hoàn thành hồ sơ và trình UNESCO vào năm 2026

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Hữu Giềng - Giám đốc BQL Di tích văn hoá Óc Eo, Trưởng BTC ôn lại lịch sử phát quật di tích khảo cổ Óc Eo.

Theo đó, mùa xuân năm 1944, Louis Malleret - một học giả người Pháp đã đến đây, để chủ trương phát quật một di tích khảo cổ trên cánh đồng hướng Đông núi Ba Thê. Vị trí đó ngày nay là thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

Với kết quả quan trọng của cuộc khai quật khảo cổ đầu tiên này, ông đã đặt tên cho gò đất đã khai quật là Gò Óc Eo, từ đó lan truyền ra khắp Nam Bộ - Việt Nam và thế giới, về một nền văn hóa Óc Eo cổ đại, thuộc Vương quốc Phù Nam, đã từng tồn tại và biến mất ở Đông Nam Á từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ VII.

Trải qua 80 năm, văn hóa Óc Eo ở ĐBSCL và Nam Bộ Việt Nam, đã không ngừng phát triển thông qua các hoạt động khảo cổ học trong nước và quốc tế.

Nếu tính từ sau ngày thống nhất đất nước năm 1975 đến nay, chỉ riêng tại tỉnh An Giang đã có hàng chục cuộc khai quật khảo cổ học, mà trong đó gần đây nhất là từ năm 2017-2020.

Theo đó, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức cuộc khai quật khảo cổ tại Khu di tích (KDT) Quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê với quy mô lớn nhất, các chuyên gia khảo cổ học - giáo sư đầu ngành lớn nhất và nguồn kinh phí cũng lớn nhất dành cho văn hóa Óc Eo.

Kết quả của cuộc khai quật khảo cổ lần này, đã thu được nhiều giá trị mới trong di tích và di vật, bổ sung thêm nhiều luận cứ khoa học quan trọng, góp phần bảo tồn và xây dựng hồ sơ di sản văn hóa thế giới, cho KDT khảo cổ Óc Eo - Ba Thê.

“Lịch sử 80 năm văn hóa Óc Eo trên vùng đất An Giang, đặc biệt là từ khi BQL Di tích văn hóa Óc Eo, được UBND tỉnh An Giang quyết định thành lập vào 20.5.2013. Từ đó đến nay, Văn hóa Óc Eo An Giang cùng với Nam Bộ và cả nước, đã tăng cường nhiều hoạt động, mà tiêu biểu là bảo tồn – phát huy giá trị di tích, mang lại những kết quả quan trọng”, ông Nguyễn Hữu Giềng nhấn mạnh.

Đặc biệt, đến nay, hồ sơ di sản văn hóa thế giới đối với KDT khảo cổ Óc Eo - Ba Thê đã hoàn thành giai đoạn 1. Chủ đầu tư đang khẩn trương hoàn thành các hồ sơ thủ tục, để tổ chức đấu thầu rộng rãi, lựa chọn nhà thầu lập hồ sơ đề cử và kế hoạch quản lý KDT khảo cổ Óc Eo - Ba Thê, trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Theo lộ trình, tỉnh An Giang đang phấn đấu hoàn thành toàn bộ hồ sơ và trình UNESCO vào năm 2026.

Văn hóa Óc Eo không ngừng phát triển thông qua các hoạt động khảo cổ học trong nước và quốc tế - ảnh 2
Các đại biểu tham dự hội thảo

Đề xuất lấy ngày 10.2 là Ngày truyền thống Văn hóa Óc Eo Nam Bộ

Tại hội thảo, các học giả, nhà quản lý, nhà khoa học đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng: Những nghiên cứu mới về văn hóa Óc Eo; bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo và tạo ra nhiều sản phẩm du lịch từ văn hóa Óc Eo, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà…

Qua trao đổi và công bố các kết quà nghiên cứu, các đại biểu đã thảo luận, bổ sung, làm rõ thêm tính toàn vẹn, tính xác thực và giá trị nổi bật toàn cầu của KDT khảo cổ Óc Eo - Ba Thê.

Các giải pháp và kỹ thuật bảo tồn gốm, bảo tồn các hiện vật hữu cơ (nhất là hiện vật gỗ); các giải pháp để biến di tích, di vật văn hóa Óc Eo thành những sản phẩm du lịch, nhằm thu hút khách tham quan, góp phần phát triển kinh tế, xã hội tỉnh nhà trong thời gian tới…

Một số tham luận của các tác giả đã làm rõ thêm về đời sống của cư dân Văn hóa Óc Eo qua những hiện vật và phát hiện như các bộ sưu tập vàng lá ở Đá Nổi, các bộ sưu tập huy chương - trang sức, đồ gốm, các hiện vật bằng gỗ và xương được khai quật phát hiện ở di tích Kinh cổ (Lung Lớn, Óc Eo - Ba Thê).

Mối quan hệ văn hóa giữa các địa điểm di tích Óc Eo với KDT Cát Tiên (Lâm Đồng) cũng được một số tác giả làm rõ thêm qua nghiên cứu so sánh các bộ sưu tập vàng lá cũng như mối quan hệ với các nền văn hóa trong khu vực, với văn minh Ấn Độ.

Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là một nhiệm vụ quan trọng hiện nay trong bối cảnh chịu nhiều tác động của sự phát triển kinh tế - xã hội.

Những ý kiến của chuyên gia, nhà quản lý đã cho thấy hoạt động bảo tồn di sản văn hóa Óc Eo hiện nay gặp nhiều thách thức, bao gồm những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến di tích và di vật khảo cổ.

Các đại biểu cũng đã chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất ý kiến trong công tác quản lý, bảo tồn di tích. Nhiều giải pháp áp dụng công nghệ hiện đại cũng được gợi ý nhằm đưa vào thực hiện công việc phát huy, truyền thông quảng bá cho di sản Văn hóa Óc Eo.

Văn hóa Óc Eo không ngừng phát triển thông qua các hoạt động khảo cổ học trong nước và quốc tế - ảnh 3
Hoạt động trưng bày văn hóa Óc Eo

KDT khảo cổ Óc Eo - Ba Thê là một địa điểm được nhiều chuyên gia trong lĩnh vực du lịch đánh giá là có nhiều tiềm năng để phát huy xây dựng thành các sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch khảo cổ…

Lịch sử 80 năm qua, kể từ khi nhà khảo cổ học người Pháp tên Louis Malleret phát hiện, tổ chức khai quật khảo cổ và đặt tên đầu tiên cho nền văn hóa Óc Eo Nam Bộ, nhưng đến nay chưa có ngày truyền thống.

Tại Hội thảo, nhiều tham luận đã ghi nhận những đóng góp của Louis Malleret và nhiều thế hệ các nhà khoa học Việt Nam đối với lịch sử nghiên cứu Văn hóa Óc Eo.

Một số tác giả cũng đã đề xuất lấy ngày 10.2 (ngày 10.2.1944, Louis Mallaret thực hiện chương trình khai quật khảo cổ học di tích Văn hóa Óc Eo đầu tiên) hằng năm là Ngày truyền thống Văn hóa Óc Eo Nam Bộ.