TP.HCM sẽ có thêm nhiều sản phẩm xứng tầm

THÙY TRANG

VHO - Sở VHTT TP.HCM vừa thông tin liên quan đến Đề án phát triển công nghiệp văn hóa TP đến năm 2030, trong đó cho biết hiện có rất nhiều dự án tham gia đầu tư vào lĩnh vực VHTT, hứa hẹn hình thành nhiều công trình quy mô thời gian tới…

TP.HCM sẽ có thêm nhiều sản phẩm xứng tầm - ảnh 1
Phối cảnh hình ảnh tổng thể dự án Nhà hát Thủ Thiêm, công trình đang hoàn tất thủ tục đầu tư để khởi công vào dịp 30.4.2025

 Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ đang gấp rút hoàn thành việc cất nóc vào tháng 9 tới đây. Nhà hát ở khu đô thị mới Thủ Thiêm sau nhiều “gian nan” cũng đang hoàn tất thủ tục để khởi công vào dịp 30.4.2025. TP.HCM là địa phương duy nhất được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư trên lĩnh vực VHTT, theo Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (PPP). Trong số đó, có 21 dự án quan trọng trên lĩnh vực VHTT sẽ được kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM, nhiều dự án về VHTT tại TP đang gấp rút hoàn thành hoặc sẽ khởi công để chào mừng 50 năm ngày thống nhất đất nước (30.4.2025). “Và trong thời gian tới chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND TP cùng với Sở KH&ĐT tổ chức Hội nghị kêu gọi xúc tiến đầu tư trên lĩnh vực này. Và mong muốn rằng sẽ có rất nhiều doanh nghiệp tiềm năng tham gia đầu tư các dự án cụ thể của ngành VHTT”, bà Thanh Thúy cho hay. Sở VHTT cũng chia sẻ: “Bên cạnh việc đầu tư theo phương thức PPP, TP cũng hết sức quan tâm tới những dự án đầu tư công đã được HĐND TP ban hành để xây dựng đầu tư, và trong đó chúng ta hướng đến 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, có một số dự án rất trọng điểm. Thành phố mong muốn đây sẽ tạo nên những tiền đề để giúp cho ngành văn hóa có được những điều kiện thuận lợi để phát triển hơn. Trong đó có thể thấy đó là Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ, công trình trọng điểm đầu tư nhóm A, đang ở giai đoạn chạy nước rút để có thể hoàn thành việc cất nóc vào tháng 9 năm nay. Theo đúng tiến độ, TP sẽ có chương trình biểu diễn đầu tiên để chào mừng 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào đúng ngày 30.4.2025. Và từ công trình quốc tế mang ý nghĩa và tầm vóc lớn này chúng ta sẽ có thêm nhiều sản phẩm văn hóa - nghệ thuật xứng tầm hơn nữa…”.

Ngoài ra bên bờ sông Sài Gòn, sắp tới sẽ có được những công trình, thiết chế văn hóa phục vụ không chỉ cho người dân TP. Dự kiến TP sẽ xây dựng Cung Thiếu nhi thành phố cũng với quy mô đầu tư nhóm A, dự kiến khởi công vào ngày 30.4.2025, hiện đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng. Cùng với đó, Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch ở khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng là một dự án trong kế hoạch. Đây là công trình nghệ thuật đỉnh cao của thành phố, hiện cũng đang hoàn tất thủ tục đầu tư để khởi công vào dịp 30.4.2025. Công trình này với mức đầu tư gần 2.000 tỉ đồng. Theo Sở VHTT TP.HCM, trên cơ sở đánh giá tiềm năng, lợi thế và tính chất đặc thù, năng lực cạnh tranh, TP đã lựa chọn 8 lĩnh vực, ngành công nghiệp văn hóa để phát triển từ nay đến năm 2030 gồm: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thời trang. Dự kiến tổng doanh thu 8 ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của TP dự kiến khoảng 148.000 tỉ đồng (đến năm 2025 là 53.200 tỉ đồng; đến năm 2030 là 94.800 tỉ đồng). Lãnh đạo Sở VHTT cho biết, với cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98 và Đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM được UBND TP phê duyệt đã mở ra nhiều cơ hội mới để thu hút các nguồn lực trong xã hội tham gia đầu tư, khai thác, phát triển lĩnh vực công nghiệp văn hóa nói chung và lĩnh vực điện ảnh nói riêng, làm cơ sở để bổ sung phát triển nguồn nhân lực điện ảnh, nâng cao chất lượng cơ sở làm phim, phát hành phim…

Sở VHTT cũng lấy ý kiến các quận, huyện, Sở, ngành liên quan về việc có một quy chế phối hợp để hỗ trợ các đoàn phim trong và ngoài nước đến với TP.HCM thực hiện quay ngoại cảnh. Đây không chỉ là việc các cơ quan ban ngành quản lý cho tốt, mà còn giúp TP trở thành điểm đến làm phim, một Thành phố điện ảnh thật sự, để giúp các nhà làm phim tìm thấy ở đây những sự thuận lợi, các tiềm năng để tạo ra những bộ phim, quảng bá hình ảnh TP.HCM một cách mạnh mẽ hơn. Trong giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, ngành Điện ảnh sẽ thực hiện 12 nhóm nhiệm vụ, trong đó bao gồm quan tâm hỗ trợ phát triển các dự án phim có tính đặc trưng văn hóa của TP; hình thành các không gian sáng tạo trong lĩnh vực điện ảnh; xây dựng các sự kiện, các Đề án lễ hội, các liên hoan điện ảnh thu hút sự chú ý của công chúng như Liên hoan phim ngắn TP.HCM, Liên hoan Phim quốc tế TP.HCM, các Liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề, các cuộc thi, giải thưởng tuyển chọn kịch bản, tuyển chọn diễn viên.

TP.HCM sẽ xây dựng các chương trình hợp tác sản xuất, các kênh phân phối phim, mời gọi đầu tư với các đối tác trong nước và nước ngoài. Chủđộng giới thiệu, quảng bá phim Việt Nam đến với thị trường điện ảnh thế giới, nghiên cứu xây dựng Quỹ phát triển Điện ảnh; thành lập Hội đồng Phim; tổ chức các chương trình Lưu trú điện ảnh. TP.HCM sẽ nghiên cứu đề xuất bổ sung vào quy hoạch chung của TP các khu đất có quy mô lớn để phát triển các thiết chế văn hóa, phim trường, trung tâm thời trang, trung tâm biểu diễn, trung tâm trưng bày triển lãm, cơ sở đào tạo chuyên ngành công nghiệp văn hóa… TP sẽ thực hiện công tác quy hoạch, tạo môi trường thuận lợi, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa. Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa hiện đại, tạo động lực cho ngành công nghiệp văn hóa phát triển.

“Một điểm rất quan trọng là TP.HCM xây dựng những thương hiệu tập trung của TP.HCM, trong đó có những lễ hội, đang phấn đấu mỗi tháng sẽ có những sự kiện lễ hội đặc trưng, và thời gian qua TP đã tổ chức được nhiều sự kiện, lễ hội như Lễ hội Âm nhạc quốc tế Hò Dô, Liên hoan Phim quốc tế (HIFF); Lễ hội Áo dài, Liên hoan Ẩm thực quốc tế…; cùng các sản phẩm đặc trưng của nghệ thuật truyền thống, dân gian, làng nghề; lễ hội nghệ thuật đường phố… Chuỗi sản phẩm lễ hội đó, chúng tôi kỳ vọng sẽ được hình thành, không chỉ là những lễ hội đơn lẻ mà phải là chuỗi hệ sinh thái để tổ chức một cách chuyên nghiệp”, bà Thanh Thúy thông tin.