Tôn vinh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền thờ Lê Hoàn
VHO- Từ ngày 24 đến ngày 28.4 (tức từ ngày 5 đến 9.3 năm Quý Mão), tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức Lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm 2023, kỷ niệm 1018 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Hoàn (8.3 năm Ất tỵ 1005 – 8.3 năm Quý mão 2023) và đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tiết mục múa sạp đặc sắc do đồng bào dân tộc Mường huyện Thọ Xuân biểu diễn tại Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2023
Lễ hội là dịp để tôn vinh công đức và sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Lê Hoàn và những người có công trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Đồng thời, quảng bá sâu rộng những giá trị văn hóa đặc sắc của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội truyền thống - Lễ hội đền thờ Lê Hoàn đến bạn bè trong nước và quốc tế. Góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, từ đó nâng cao tinh thần đoàn kết, phấn đấu và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Trước đó, ngày 6.3.2023, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã ban hành quyết định số 483/QĐ-BVHTTDL công nhận Lễ hội đền thờ Lê Hoàn là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền thờ Lê Hoàn và Lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm 2023 sẽ diễn ra vào sáng 27.4 tại khuôn viên Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền thờ Lê Hoàn, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân với quy mô cấp tỉnh. Phần hội là chương trình nghệ thuật sân khấu hóa tái hiện thân thế, sự nghiệp của người Anh hùng dân tộc Lê Hoàn.
Ngoài ra, trong khuôn khổ lễ hội còn diễn ra Tuần lễ Văn hóa - Du lịch - Ẩm thực Thọ Xuân năm 2023 với nhiều hoạt động đặc sắc như trưng bày, giới thiệu các sản vật địa phương; trưng bày, giới thiệu điểm đến, giá trị di tích, danh thắng trên địa bàn huyện Thọ Xuân và của tỉnh; trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể của Thọ Xuân (Trò Xuân Phả, múa Pồn Pôông, Cồng chiêng, Bài điếm...); thi cắm trại binh; liên hoan văn nghệ quần chúng; đốt lửa trại; hội thi “Trình diễn, giới thiệu quy trình sản xuất bánh truyền thống” (bánh chưng nung, bánh gai, bánh lá răng bừa...); hội thi làm cỗ chay tiến Vua; tổ chức các hoạt động thể thao quần chúng; triển lãm, trưng bày và tuyên truyền cổ động về công tác đảm bảo an toàn giao thông năm 2023.
Trao đổi với phóng viên Văn Hoá, ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cho biết, Lễ hội đền thờ Lê Hoàn được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trước hết đã khẳng định với bạn bè quốc tế và cả nước khi nói đến Thọ Xuân là nhắc đến vùng đất địa linh, nhân kiệt có bề dày lịch sử truyền thống; các giá trị luôn được giữ gìn, bảo tồn và phát huy. Đồng thời, khẳng định cấp ủy, chính quyền và Nhân dân huyện Thọ Xuân đã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Việc vinh danh di sản văn hóa và các hoạt động tại lễ hội còn tạo sự gắn kết, thúc đẩy tinh thần, trách nhiệm của các tầng lớp Nhân dân và cán bộ, đảng viên trong huyện quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Theo ông Hải, huyện Thọ Xuân hiện có 24 lễ hội, lễ tục truyền thống gắn liền với di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được công nhận, trong đó có 2 lễ hội tiêu biểu là Lễ hội Lam Kinh và Lễ hội Lê. Thời gian qua, huyện Thọ Xuân đã triển khai đa dạng các hoạt động để bảo tồn, khôi phục, phát huy các di sản. Đến nay, Thọ Xuân có 2 di sản phi vật thể quốc gia đó là: Trò diễn Xuân Phả và Lễ hội đền thờ Lê Hoàn. Trong thời gian tới, việc khai thác, phát huy những giá trị văn hóa nói chung, di sản văn hóa phi vật thể nói riêng sẽ được huyện tiếp tục triển khai một cách khoa học, bài bản. Trong đó tiếp tục thực hiện hiệu quả phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa, các điểm du lịch huyện Thọ Xuân, góp phần đưa Thọ Xuân là điểm đến của du lịch văn hoá tâm linh hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.
NGUYỄN LINH