Tôn tạo, tu bổ di tích Khu mộ và tượng đài Hải Thượng Lãn Ông

PHẠM TƯỚC

VHO - Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Khu mộ và tượng đài Hải Thượng Lãn Ông (Hương Sơn, Hà Tĩnh) có tổng mức đầu tư hơn 13,2 tỉ đồng, thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với vị Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, góp phần giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, "ăn quả nhớ người trồng cây”.

Phòng Văn hóa thông tin huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho biết, UBND huyện Hương Sơn vừa tiến hành khởi công Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích Khu mộ và tượng đài Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Đây là dự án có tổng mức đầu tư hơn 13,2 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh Hà Tĩnh, do UBND huyện Hương Sơn làm chủ đầu tư.

Tôn tạo, tu bổ di tích Khu mộ và tượng đài Hải Thượng Lãn Ông - ảnh 1
Quần thể di tích Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1990

Dự án do liên danh Công ty TNHH Tư vấn và xây dựng công trình văn hóa Hà Tĩnh – Công ty TNHH Tài Nguyên – Công ty TNHH Tư vấn thiết kế & Đầu tư phát triển xây dựng Thành Công (TP Hà Tĩnh) đảm nhận thi công.

Công trình được triển khai xây dựng thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với vị Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, góp phần giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, "ăn quả nhớ người trồng cây” tốt đẹp của dân tộc.

Tôn tạo, tu bổ di tích Khu mộ và tượng đài Hải Thượng Lãn Ông - ảnh 3
Tượng đài Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được xây dựng trên đỉnh núi Minh Tự

Đồng thời, đảm bảo cơ sở hạ tầng hướng tới tổ chức các hoạt động kỷ niệm 300 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn.

Theo tiến độ, Dự án sẽ hoàn thành sau 6 tháng thi công, các hạng mục chính của dự án gồm: Sửa lại nhà đón tiếp khách, chỉnh trang lại khuôn viên nhà phương đình trước khu mộ, mở rộng bãi đậu xe, khuôn viên sân di tích.

Quần thể di tích lịch sử văn hóa Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia năm 1990, bao gồm khu mộ và tượng đài tại xã Sơn Trung; Khu nhà thờ tại thôn Bảo Thượng xã Quang Diệm (huyện Hương Sơn).

Ở khu mộ hiện có sân, vườn, mộ đá với tổng diện tích là 12.000m2; khu đón tiếp với tổng diện tích là 13.500m2. Hệ thống đường dẫn từ khu mộ lên tượng đài có diện tích gần 6.000m2, trong đó có 220 bậc tam cấp. Hệ thống phù điêu, tượng đài, sân tượng đài có tổng diện tích là 3.500m2 .

Tôn tạo, tu bổ di tích Khu mộ và tượng đài Hải Thượng Lãn Ông - ảnh 4
Khởi công tu bổ Di tích khu mộ và Tượng đài Hải Thượng Lãn Ông

Hà Tĩnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức lễ kỷ niệm 300 năm ngày sinh Đại danh y và đón bằng vinh danh của UNESCO đối với Hải Thượng Lãn Ông. tỉnh Hà Tĩnh cũng đã lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ để xếp hạng mộ và khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là Di tích quốc gia đặc biệt.

Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh 12.11.1724 tại làng Liêu Xá, huyện Đường Hào (nay là huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Năm 26 tuổi, ông từ bỏ chốn quan trường về quê ngoại phụng dưỡng mẹ già ở làng Bàu Thượng, xã Tịnh Diệm, nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Sau khi về sống ẩn dật, ông miệt mài tìm kiếm, khảo cứu, ươm trồng các loại cây thuốc bản địa, làm thơ, dạy học, viết sách, chữa bệnh cứu người.  Sau mấy chục năm tận tụy với nghề nghiệp, ông hệ thống hóa tinh hoa của lý luận Đông y cùng với những sáng tạo đặc biệt qua việc áp dụng lý luận cổ điển vào điều kiện Việt Nam, đúc kết nền y học cổ truyền của dân tộc.

Ông để lại nhiều tác phẩm lớn như: Hải Thượng y tông tâm lĩnh gồm 28 tập, 66 quyển chắt lọc tinh hoa của y học cổ truyền, được đánh giá là công trình y học xuất sắc nhất trong thời trung đại Việt Nam và các cuốn “Lĩnh Nam bản thảo”, “Thượng kinh ký sự” không chỉ có giá trị về y học mà còn có giá trị văn học, lịch sử, triết học.

Lê Hữu Trác không những là một nhà y dược học vĩ đại mà còn là nhà thơ, nhà văn xuất sắc, nhà tư tưởng tiến bộ, có tinh thần nhân đạo sâu sắc. Ông mất năm 1791, để lại cho đời một tấm gương sáng về y đức, y lý, y thuật. Mộ ông được táng tại chân núi Minh Tự, bên sông Ngàn Phố. Sau khi mất, ông được Nhân dân và giới y học cả nước suy tôn là bậc “Y thánh của Việt Nam”. 

Tại phiên họp của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) lần thứ 42 diễn ra ngày 21.11.2023 đã thông qua nghị quyết phê chuẩn danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2024 - 2025”, trong đó có hồ sơ kỷ niệm 300 năm ngày sinh của danh y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác vào năm 2024.