Tìm giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

NGUYỄN QUÂN

VHO - Trong hai ngày 5-6.8 tại Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội nghị quốc tế “Vai trò và đóng góp của phong trào UNESCO với công nghiệp văn hóa”. Đây là cơ hội để các chuyên gia trong và ngoài nước tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy sự phát triển của văn hóa sáng tạo, đóng góp thiết thực vào tăng trưởng kinh tế.

 Tìm giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa - ảnh 1
Hội nghị quốc tế "Vai trò và đóng góp Phong trào UNESCO với Công nghiệp văn hóa"

Hội nghị do Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đăng cai tổ chức, diễn ra song song cùng Hội nghị Ban Chấp hành Liên hiệp các hội UNESCO Thế giới (WFUCA) lần thứ 43. Ban tổ chức lựa chọn địa điểm tổ chức là thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, nhân kỷ niệm 30 năm Vịnh Hạ Long đón nhận danh hiệu Di sản Thiên nhiên Thế giới (1994-2024).

Sự kiện đón nhiều đại biểu từ các nước thuộc Ban Chấp hành Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới (Kazakhstan, Romania, Hy Lạp, Hàn Quốc, Nhật Bản…), đại diện tổ chức UNESCO toàn cầu, Văn phòng UNESCO Việt Nam, Đại sứ quán các nước tại Việt Nam (Nga, Ai Cập, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, Azerbaijan…) cùng nhiều chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế, đại diện Ban, Bộ, ngành cùng nhiều tổ chức văn hóa, giáo dục, khoa học uy tín tại Việt Nam.

Các đại biểu sẽ chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về vai trò của công nghiệp văn hóa và nền kinh tế sáng tạo trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và bảo tồn di sản văn hóa. Các ngành công nghiệp này không chỉ đóng góp vào GDP quốc gia mà còn giúp bảo tồn và phát huy sự đa dạng văn hóa và sáng tạo.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận về vai trò của công nghệ trong việc thúc đẩy sáng tạo và nâng cao giá trị của các sản phẩm văn hóa, nhấn mạnh những thách thức liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của nghệ sỹ và nhà sáng tạo trong môi trường kỹ thuật số. Các sáng kiến về giáo dục và đào tạo cũng được đề xuất nhằm phát triển kỹ năng và tài năng cho thế hệ trẻ, từ đó thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa và tạo ra cơ hội việc làm.

Dự kiến kết thúc Hội nghị, các quốc gia thành viên sẽ đưa ra tuyên bố chung, khẳng định cam kết hỗ trợ và thúc đẩy công nghiệp văn hóa cũng như nền kinh tế sáng tạo. Cam kết không chỉ phản ánh sự đồng thuận về tầm quan trọng của các ngành công nghiệp này mà còn đề ra các hướng đi cụ thể để đạt được sự phát triển bền vững và toàn diện.

Hội nghị quốc tế “Vai trò và đóng góp của Phong trào UNESCO với Công nghiệp văn hóa” là sự kiện quan trọng trong lĩnh vực kinh tế và văn hóa nói chung, tạo cơ hội cho các nhà lãnh đạo, chuyên gia, doanh nghiệp và cá nhân trong nước cũng như trên thế giới kết nối, gặp gỡ, trao đổi ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng văn hóa doanh nghiệp và phát triển ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.

Hội nghị Ban chấp hành Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới lần thứ 43 và Hội nghị quốc tế “Vai trò và đóng góp của Phong trào UNESCO đối với Công nghiệp Văn hóa” được kỳ vọng sẽ đóng góp hành động tích cực và ý nghĩa trong việc xây dựng tương lai của ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam. Từ đây, các Hội nghị góp phần tái khẳng định vai trò và nỗ lực bền bỉ của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam sau hàng thập kỷ miệt mài đóng góp, thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hóa, tạo ra môi trường thuận lợi cho hợp tác quốc tế, đặc biệt, khẳng định vai trò của quốc gia trong việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa nhân loại.

Năm 2024 cũng ghi dấu một thập kỷ kể từ khi TW Ðảng ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị TW 9, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Đặc biệt, vào tháng 11.2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Tại Hội nghị quan trọng này, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa; chủ động, phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa, khuyến khích mọi sự tìm tòi, sáng tạo, tôn trọng tự do sáng tạo; chú trọng những ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế để đến năm 2030 giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp cao vào GDP.

Được biết, sau Hội nghị, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan đang tập trung hoàn thiện, trình dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó đề cập nhiệm vụ ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn mới.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc