Đối thoại với doanh nghiệp lĩnh vực VHTTDL tại TP.HCM:

Tiếp tục rà soát, sửa đổi một số quy định chưa cụ thể, rõ ràng

THÙY TRANG

VHO - Ngày 28.11, Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực VHTTDL. Sự kiện do Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Sở VHTT và Sở Du lịch TP.HCM tổ chức. Nhiều vấn đề tiếp tục được đặt ra, theo đó cho thấy có không ít lĩnh vực, quy định hiện hành vẫn chưa thực sự thông thoáng, cụ thể và rõ ràng...

Tiếp tục rà soát, sửa đổi một số quy định chưa cụ thể, rõ ràng - ảnh 1
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phạm Cao Thái trao đổi với doanh nghiệp tại Hội nghị

Hội nghị có sự tham gia của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Cục TDTT; đại diện các doanh nghiệp, cán bộ làm công tác pháp chế tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực VHTTDL tại TP.HCM. 

Phổ biến quy định mới trong lĩnh vực VHTTDL

Ông Phạm Cao Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, “Hội nghị với mong muốn đối thoại với các doanh nghiệp, nhằm lắng nghe ý kiến trong quá trình thực thi pháp luật. Qua đó tìm ra những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ với mong muốn các hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý của ngành được thông thoáng trên cơ sở một hành lang pháp lý minh bạch. Đây cũng là yêu cầu của lãnh đạo Bộ VHTTDL đối với hoạt động này”.

Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tổ chức biểu diễn, tổ chức sự kiện, cuộc thi người đẹp, người mẫu, quảng cáo, điện ảnh, karaoke, vũ trường, di sản văn hóa (tu bổ, tôn tạo di tích), doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ thể dục thể thao, lữ hành, các cơ sở lưu trú… đã nghe Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phạm Cao Thái và Phó Vụ trưởng Lê Thị Thu Oanh phổ biến những quy định pháp luật mới trong lĩnh vực VHTTDL. Ông Thái nhấn mạnh, các quy định pháp luật sau khi được ban hành, cơ quan quản lý nhà nước đều thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến. Với điều kiện công nghệ thông tin hiện đại, các văn bản quy phạm pháp luật đến người dân, doanh nghiệp rất nhanh và thuận tiện. Vì thế, công tác tuyền truyền phổ biến tương đối đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là cơ quan quản lý nhà nước muốn lắng nghe từ phía những người đang thực thi các quy định đó, nhằm chia sẻ và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

 Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước là cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, đồng thời xây dựng, thiết kế quy định sao cho phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội. Thế nhưng, qua trao đổi cho thấy vẫn còn một số quy định chưa thật sự thông thoáng, chưa cụ thể và rõ ràng, khiến doanh nghiệp lúng túng… Điều này cơ quan quản lý sẽ tiếp tục rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định mới.

(Vụ trưởng Vụ Pháp chế PHẠM CAO THÁI)

Cụ thể, lãnh đạo Vụ Pháp chế đã thông tin về Nghị định 148/2024/ NĐ-CP ngày 12.11.2024 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 54/2019/NĐ-CP ngày 19.6.2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường; Quy định về hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực điện ảnh với các nội dung được nhiều doanh nghiệp quan tâm: Hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh; Hoạt động sản xuất phim tại Việt Nam; Tỷ lệ suất chiếu phim Việt, khung giờ chiếu… Bên cạnh đó, đơn vị chủ trì Hội nghị cũng thông tin cụ thể về các quy định trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật. Theo ông Phạm Cao Thái, Nghị định 144 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn ban hành từ 2020, so với Nghị định 179 có nhiều điểm mới, phù hợp hơn, trong đó có quy định phân cấp phân quyền về cho địa phương.

“Thời gian đầu, khi thực hiện những quy định này cũng có nhiều phản ánh liên quan đến năng lực của một số địa phương, sau đó chính quyền địa phương cùng với ngành tăng cường công tác quản lý, nên hoạt động này dần đi vào nề nếp. Thế nhưng, trên thực tế, Nghị định này cũng đã bộc lộ một số bất cập về công tác quản lý, cấp phép nghệ thuật biểu diễn và thi người mẫu, người đẹp. Do đó, Chính phủ đã yêu cầu nghiên cứu xây dựng thành luật. Sắp tới, chúng tôi sẽ sơ kết, đánh giá tác động của Nghị định 144, nếu đủ cơ sở sẽ nâng lên thành Luật Nghệ thuật biểu diễn”, ông Thái cho biết.

Về hoạt động kinh doanh dịch vụ trong lĩnh vực di sản văn hóa, Vụ Pháp chế cho hay, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, sẽ có hiệu lực từ 1.7.2025. Sắp tới, Bộ VHTTDL sẽ tập trung xây dựng 7 Nghị định và 7 Thông tư quy định chi tiết một số nội dung trong luật, với các quy định liên quan đến quản lý nhà nước, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực di sản (bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, kinh doanh trong lĩnh vực giám định cổ vật, di vật, kinh doanh dịch vụ bảo tàng…).

Tiếp tục rà soát, sửa đổi một số quy định chưa cụ thể, rõ ràng - ảnh 2
Tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, cơ quan chức năng cho biết sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi một số quy định chưa rõ ràng, cụ thể... Trong ảnh: Một quán bar ở TP.HCM đưa hát bội vào chương trình giải trí phục vụ du khách Ảnh: DOT BAR

Sẽ rà soát, bãi bỏ những quy định không còn phù hợp

Tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp đã thẳng thắn trao đổi và mong muốn Bộ VHTTDL, Sở VHTT, Sở Du lịch TP.HCM hỗ trợ nhiều nội dung liên quan đến quy định cấp phép biểu diễn; đầu tư theo phương thức đối tác công - tư các dự án VHTT tại TP.HCM; quy định thời gian hoạt động rạp phim; cấp phép biểu diễn ở quán bar; thu phí tác quyền; giấy tờ hướng dẫn đi tour của hướng dẫn viên, tập huấn nghiệp vụ…

Trao đổi về những nội dung doanh nghiệp quan tâm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phạm Cao Thái cho biết, tại Nghị định 103/2009/NĐ-CP ngày 6.11.2009 ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng (hiện vẫn còn hiệu lực), đã quy định hoạt động vui chơi giải trí không được thực hiện sau 0h đến trước 8h sáng. Nhưng Luật Điện ảnh 2022 và Nghị định 131 quy định một số điều của Luật Điện ảnh lại không khống chế về thời gian. “Đối với nội dung này, chúng tôi xin tiếp thu và trong thời gian tới sẽ ban hành Nghị định mới về hoạt động văn hóa thay thế cho Nghị định 103 vì Nghị định này ban hành đã lâu, về cơ bản một số nội dung cũng không còn phù hợp với thực tiễn đời sống”, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết.

Liên quan đến nội dung tác quyền âm nhạc trong các quán bar, đại diện Vụ Pháp chế cho hay, Luật Sở hữu trí tuệ có quy định, những cơ sở sử dụng tác phẩm âm nhạc đối với đại diện các tổ chức tác quyền, về nguyên tắc đó là thỏa thuận chứ không phải các tổ chức tác quyền tự đưa ra mức thu tiền tính trên mức thu của vé.

Ông Nguyễn Nam Nhân, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM chia sẻ: “Theo quy định tại Nghị định 144, các doanh nghiệp nếu tổ chức biểu diễn nghệ thuật mà không bán vé thì chỉ cần thông báo đến địa phương. Tuy nhiên, trong Nghị định 144 lại không quy định chính quyền địa phương có phản hồi lại cho doanh nghiệp hay không. Vì thế, hiện nay nhiều doanh nghiệp gặp khó trong việc tổ chức bởi có thông báo nhưng doanh nghiệp không nhận được phản hồi từ địa phương. Điều này Sở VHTT cũng kiến nghị Bộ VHTTDL xem xét trên cơ sở thực tiễn các lĩnh vực do ngành quản lý”.

Lãnh đạo Sở VHTT TP.HCM cũng cho biết, thực tế khi các quán bar biểu diễn nghệ thuật, quy định có bán vé thì phải xin phép, điều này là đương nhiên. Nhưng có những cái khác so với quy định như phụ thu nước uống hoặc bằng một hình thức trao đổi nào đó (không thu tiền trực tiếp theo vé)… thì chưa có quy định cụ thể. “Đối với quán bar có những ca sĩ, nhạc sĩ hải ngoại hoặc người nước ngoài tham gia biểu diễn, trước đây chúng ta có Nghị định 79 buộc phải xin phép, nhưng đến Nghị định 144 không phải xin phép nữa. Đây là quy định nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tuy nhiên, bên cạnh đó doanh nghiệp vẫn lúng túng vì làm mà không biết có đúng không. Có một số trường hợp, cơ quan địa phương thấy không phù hợp thì đến kiểm tra, điều này ảnh hưởng đến việc kinh doanh của doanh nghiệp. Trong thời gian qua, chính sách hạ tầng thay đổi theo hướng tinh gọn hơn cũng nhờ sự giúp sức của các Bộ, ngành liên quan. Hy vọng thời gian tới sẽ tạo điều kiện thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này”, ông Nhân bày tỏ.

Kết luận Hội nghị, Vụ trưởng Phạm Cao Thái cho biết Hội nghị cơ bản đã trao đổi, chia sẻ nhiều vấn đề về các quy định pháp luật trong lĩnh vực VHTTDL. “Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước là cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, đồng thời xây dựng, thiết kế quy định sao cho phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội. Thế nhưng, qua trao đổi cho thấy vẫn còn một số quy định chưa thật sự thông thoáng, chưa cụ thể và rõ ràng, khiến doanh nghiệp lúng túng… Điều này cơ quan quản lý sẽ tiếp tục rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định mới, trong quá trình tổ chức thực hiện sẽ phù hợp với cơ quan nhà nước cũng như người dân, doanh nghiệp”, Vụ trưởng Phạm Cao Thái nhấn mạnh.