Quy chuẩn chức năng, nhiệm vụ đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn:

Nâng tầm nghệ thuật biểu diễn công lập

THÚY HIỀN

VHO - Bộ VHTTDL đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trực thuộc Sở VHTTDL và Sở Văn hóa và Thể thao.

Nâng tầm nghệ thuật biểu diễn công lập - ảnh 1
Thứ trưởng Tạ Quang Đông làm việc với Ban soạn thảo Dự thảo Thông tư

 Tại buổi làm việc với lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn và Vụ Pháp chế, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh rằng, dự thảo Thông tư cần làm rõ và cụ thể hóa từng chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập, đảm bảo phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

Khắc phục thực trạng thiếu các quy định, văn bản hướng dẫn

Báo cáo về quá trình xây dựng Thông tư, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương cho biết, thực hiện Quyết định số 2676/QĐ-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thuộc Sở VHTTDL và Sở Văn hóa và Thể thao. Cụ thể, Cục đã thành lập Tổ soạn thảo gồm 18 thành viên để triển khai các hoạt động xây dựng dự thảo theo đúng trình tự luật định.

Dự thảo Thông tư được đăng công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ VHTTDL, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và gửi trực tiếp đến các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ VHTTDL, Sở VHTTDL, Sở Văn hóa và Thể thao trên toàn quốc. Đồng thời, các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở VHTTDL và Sở Văn hóa và Thể thao tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đã nhận được dự thảo để đóng góp ý kiến.

Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng đã chủ động gửi dự thảo Thông tư tới 196 cơ quan, đơn vị liên quan. Kết quả, 31 cơ quan, đơn vị hoàn toàn nhất trí với nội dung dự thảo, trong khi 18 đơn vị khác đóng góp ý kiến bổ sung. Sau khi tổng hợp đầy đủ các ý kiến, Tổ soạn thảo đã họp, thống nhất nội dung tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo để gửi Vụ Pháp chế thẩm định trước khi trình Bộ trưởng phê duyệt ban hành.

Theo dự thảo, Thông tư gồm 6 Điều, quy định chi tiết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thuộc Sở VHTTDL, Sở Văn hóa và Thể thao tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ngoài ra, Thông tư còn có thể áp dụng đối với các đơn vị biểu diễn nghệ thuật thuộc các Bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Với nội dung rõ ràng và phạm vi áp dụng rộng rãi, Thông tư được kỳ vọng sẽ trở thành công cụ pháp lý quan trọng, giúp các đơn vị nghệ thuật công lập hoạt động hiệu quả, đồng thời tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển của lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trong thời kỳ mới.

Nâng tầm nghệ thuật biểu diễn công lập - ảnh 2
Bộ VHTTDL thường xuyên tổ chức các cuộc thi, liên hoan cho các loại hình nghệ thuật. Ảnh: Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn NSND Nguyễn Xuân Bắc và Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam NSND Trịnh Thúy Mùi trao HCV cho các vở diễn xuất sắc tại Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024

Hoàn thiện chính sách để nâng cao hiệu quả hoạt động nghệ thuật công lập

Theo Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSND Nguyễn Xuân Bắc, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã gửi lãnh đạo Bộ VHTTDL báo cáo đánh giá tác động của chính sách liên quan đến dự thảo Thông tư. Trong báo cáo có phân tích chi tiết thực trạng của các đơn vị nghệ thuật công lập hiện nay. Trong bối cảnh chuyển sang cơ chế tự chủ, các đơn vị, nhà hát đã có nhiều đổi mới về phương thức thu, chi tài chính, vận hành theo nguyên tắc “có làm có hưởng”, “làm nhiều hưởng nhiều”. Những cải tiến này không chỉ giúp họ có thêm nguồn kinh phí để đầu tư nâng cao chất lượng chương trình, mà còn thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là các diễn viên trẻ.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vẫn tồn tại nhiều bất cập. Điển hình là việc thiếu các quy định, văn bản hướng dẫn cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Điều này dẫn đến sự lúng túng của chính quyền địa phương, làm chậm trễ việc ban hành văn bản quy định và gây khó khăn trong quản lý.

Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn nhấn mạnh: Việc tinh gọn, tổ chức lại các đơn vị công lập theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc sáp nhập nhiều đơn vị nghệ thuật lại dẫn đến tình trạng chức năng, nhiệm vụ bị chồng chéo, khó xác định vị trí việc làm, chế độ và chính sách đãi ngộ, từ đó gây cản trở trong công tác quản lý, chỉ đạo và tổ chức hoạt động.

Đối với các đơn vị nghệ thuật công lập chuyển đổi sang hình thức ngoài công lập, việc cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ cũng như kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy là vô cùng quan trọng. Đây không chỉ là điều kiện để đẩy nhanh quá trình tự chủ tài chính mà còn giúp duy trì, phát huy các giá trị nghệ thuật lâu đời, tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp văn hóa của địa phương.

Nâng tầm nghệ thuật biểu diễn công lập - ảnh 3
Một vở diễn của Đoàn Chèo Hải Phòng trong dự án Nhà hát truyền hình

NSND Nguyễn Xuân Bắc khẳng định, việc xây dựng và đánh giá các chính sách mới trong dự thảo Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn là nhiệm vụ cấp thiết. Ban soạn thảo đang nỗ lực để hoàn thiện dự thảo một cách chi tiết và toàn diện nhất.

“Việc hợp nhất các đơn vị nghệ thuật vào Trung tâm Văn hóa tại nhiều địa phương cũng bộc lộ không ít bất cập. Sau hợp nhất, nhiều nơi đã rút gọn biên chế, khiến các đoàn nghệ thuật không còn hoạt động riêng biệt mà trở thành một đầu mối chung. Điều này khiến nghệ sĩ, diễn viên phải thực hiện cùng lúc nhiều loại hình biểu diễn như tuồng, chèo, cải lương, ca múa nhạc, kịch nói... dẫn đến mất dần khả năng chuyên sâu trong từng lĩnh vực. Sự ra đời của Thông tư sẽ góp phần khắc phục những hạn chế trên, quy định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ chung của các đơn vị nghệ thuật công lập. Đồng thời, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách mới nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước”, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhận định, việc xây dựng Thông tư cần bám sát thực tiễn hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, đồng thời phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

“Thông tư sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc quy định rõ ràng, chi tiết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở VHTTDL và Sở Văn hóa và Thể thao. Những nội dung này không chỉ hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý nhà nước mà còn đáp ứng nhu cầu cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công một cách thiết thực. Đặc biệt, Thông tư cũng đưa ra các cơ chế xử lý cụ thể đối với quá trình sáp nhập, hợp nhất các đơn vị có chức năng tương đồng. Điều này nhằm hạn chế tối đa những xáo trộn về tổ chức bộ máy và nhân sự, đồng thời đảm bảo các đơn vị có thể hoạt động ổn định, phát triển bền vững và đóng góp tích cực vào sự nghiệp văn hóa nghệ thuật”, Thứ trưởng nhấn mạnh.