Tiếp cận dựa vào cộng đồng vì sự phát triển bền vững trong bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thế giới
VHO - Sáng ngày 21.05.2025 tại Khu Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, Bộ Ngoại giao - Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; Bộ VHTTDL và UBND TP Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thế giới: tiếp cận dựa vào cộng đồng vì sự phát triển bền vững”.
Hội thảo diễn ra dưới sự điều hành của ông Lazare Eloundou Assomo - Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới; Thứ trưởng Bộ VHTTDLHoàng Đạo Cương, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà.
Hội thảo có sự tham dự của Văn phòng UNESCO Hà Nội, lãnh đạo bộ ngành trung ương, UBND các địa phương sở hữu di sản, các ban quản lý di sản thế giới tại Việt Nam, các chuyên gia, các nhà khoa học trong các lĩnh vực Lịch sử, Khảo cổ, Bảo tồn, Bảo tàng, Di sản… và đại diện cộng đồng.

Hội thảo là một sự kiện trong chuỗi các hoạt động triển khai Kế hoạch Hành động giai đoạn 2021 - 2025 của Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bản ghi nhớ Hợp tác Việt Nam - UNESCO giai đoạn 2021 - 2025, Chiến lược Ngoại giao văn hoá đến năm 2030 và các kết luận của Hội nghị Văn hoá Toàn quốc nhấn mạnh vai trò của văn hoá phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương sẽ diễn ra vào thời gian tới.
Hội thảo nhằm đánh giá tổng quan công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam, sự đóng góp của di sản thế giới đối với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương (đặc biệt là sự tiếp cận cộng đồng);
Nâng tầm và đẩy mạnh vai trò, giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trong chiến lược phát triển bền vững; Mở rộng sự tham gia của các bên liên quan đến di sản văn hoá và thiên nhiên như các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng;
Tăng cường cam kết của UBQG UNESCO Việt Nam và UNESCO trong đồng hành cùng chính quyền địa phương và hỗ trợ đơn vị quản lý di sản trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới tại Việt Nam;
Thể hiện cam kết của Việt Nam đối với UNESCO trong việc thực thi nghiêm túc Công ước Di sản thế giới, và thể hiện nguyện vọng đóng góp cho công tác bảo tồn di sản thế giới thông qua ứng cử thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2027;
Trao đổi, học tập kinh nghiệm của những người làm công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản trong nước và quốc tế; kết quả tọa đàm là cơ sở khoa học các khu DSTG đưa ra các phương án tiếp cận cộng đồng vì sự phát triển bền vững của Di sản.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho biết: Ngày 19.10.1987, Việt Nam chính thức phê chuẩn tham gia Công ước 1972 về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Từ đó đến nay, Việt Nam đã có 08 di sản văn hóa, thiên nhiên được UNESCO công nhận là di sản thế giới; cùng với đó, kể từ khi tham gia Công ước 1972 đến nay, Việt Nam đã 02 lần được tín nhiệm bầu là một trong 21 thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2013 - 2017 và nhiệm kỳ 2023 - 2027.
Việt Nam cũng đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng về nhận thức, lý luận trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới, thể hiện qua hệ thống pháp luật về di sản văn hóa ngày càng được hoàn thiện.
Số liệu 5 năm (2016 - 2020) cho thấy, tổng số lượng khách du lịch tại các khu Di sản thế 2 giới ở Việt Nam năm 2016 đón 14,3 triệu khách, năm 2019 tăng lên và đón khoảng 18,2 triệu khách.
Năm 2024, 08 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới ở Việt Nam đã đón khoảng 14,9 triệu khách, là minh chứng sống động cho việc phát huy giá trị của di sản thế giới. Các số liệu thống kê đã cho thấy sự đóng góp to lớn của di sản thế giới trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của quốc gia và địa phương kể từ khi được UNESCO ghi danh.
Đặc biệt, ngày 23.11.2024, Quốc hội đã thông qua Luật Di sản văn hóa, góp phần thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về di sản văn hóa, với nhiều điểm mới, tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống văn hóa, xã hội và kinh tế của đất nước, tạo nên bước chuyển cơ bản về thế và lực cho sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam.
Theo Thứ trưởng, Luật Di sản văn hoá năm 2024 được xây dựng với nhiều quy định đã nội luật hoá từ Công ước 1972, Hướng dẫn thực hiện Công ước và Chính sách về việc lồng ghép quan điểm Phát triển bền vững vào các quy trình của Công ước 1972, tạo ra hành lang pháp lý quan trọng để quản lý, bảo vệ và phát huy các Di sản Thế giới ở Việt Nam.
Những năm qua, công tác xây dựng và thực thi các kế hoạch quản lý, quy hoạch và đầu tư, hỗ trợ kinh phí tại các đi sản thế giới ở Việt Nam luôn được Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương của Việt Nam quan tâm. Các di sản thế giới ở Việt Nam được tu bổ, phục hồi, bảo tồn được các giá trị nổi bật toàn cầu, tính xác thực, tính toàn vẹn theo hướng bền vững; bộ máy, nguồn nhân lực quản lý di sản thế giới từ trung ương đến địa phương ngày càng được củng cố, kiện toàn; các nguồn lực để bảo vệ di sản thế giới được ưu tiên, huy động tối đa.
Do nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành và nhân dân nên từ khi các di tích, danh thắng tiêu biểu của Việt Nam được UNESCO công nhận, số lượng du khách tới tham quan, nghiên cứu ngày càng tăng.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về nhiệm vụ chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam, các chính sách về đối ngoại, các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Bộ VHTTDL cùng các địa phương đang tập trung thực hiện mục tiêu toàn cầu về tăng cường bảo vệ và bảo đảm an toàn cho các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới và Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại “Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững”, hướng tới việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp quốc.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng, vẫn còn rất nhiều công việc cần phải làm để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới ở Việt Nam trong những năm tới.
“Do đó, chúng tôi đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội thảo quốc tế lần này và tin tưởng rằng những kinh nghiệm mà quý vị đại biểu chia sẻ, gợi mở trong Hội thảo sẽ là những định hướng quý báu để Bộ VHTTDL và các địa phương tiếp tục nghiên cứu, áp dụng vào thực tiễn quản lý di sản thế giới ở Việt Nam trong thời gian tới”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương khẳng định.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm từ góc độ quản lý nhà nước, sở hữu di sản trong việc phát huy giá trị di sản thế giới phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nâng cao đời sống của người dân.
Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo giải đáp một số vấn đề mà các đại biểu đặt ra, tư vấn về chuyên môn công tác bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thế giới trong phương pháp tiếp cận dựa vào cộng đồng và chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế.
Hội thảo đã rút ra một số kiến nghị, đề xuất cho công tác quản lý di sản trong thời gian tới, bao gồm: tiếp tục hoàn thiện các cơ sở pháp lý trong quản lý di sản; tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức và vai trò, sự tham gia của cộng đồng vì đây chính là chủ sở hữu di sản; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển du lịch bền vững; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đào tạo nâng cao năng lực của cán bộ quản lý di sản và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.