Đưa Việt Nam ra thế giới bằng điện ảnh và âm nhạc
VHO - Tận dụng sức hút ngày càng tăng của ngành du lịch, Việt Nam có thể khuếch đại ảnh hưởng toàn cầu thông qua âm nhạc và điện ảnh.

Theo TS Bùi Quốc Liêm (Đại học RMIT), trong bối cảnh số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2024 tăng kỷ lục, đạt 17,5 triệu lượt (tăng 39,5% so với năm trước và vượt qua Singapore), đây chính là thời điểm để Việt Nam xác định những công cụ sức mạnh mềm hiệu quả nhất.
Trong đó, điện ảnh và âm nhạc đang nổi lên như hai trụ cột cần được ưu tiên đầu tư và phối hợp bài bản với ngành du lịch.
Điện ảnh: Từ khung hình ra thực địa
Điện ảnh luôn có khả năng dẫn dắt khán giả đến với những vùng đất họ chưa từng đặt chân, gieo vào lòng người xem sự tò mò và cảm hứng khám phá. Việt Nam đã phần nào tận dụng được lợi thế này qua một số bộ phim quốc tế được quay tại đây.
“A Tourist’s Guide to Love” (Đạo diễn Steven K. Tsuchida, 2023 là ví dụ tiêu biểu khi thu hút hơn 34 triệu giờ xem trên Netflix chỉ trong 10 ngày, lọt top 10 tại 89 quốc gia và đứng đầu tại 19 quốc gia. Sáu địa điểm quay phim trải dài từ Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hội An, Mỹ Sơn và Hà Giang, đã trở thành những "tấm danh thiếp" sinh động giới thiệu vẻ đẹp cảnh quan và văn hóa Việt Nam.
Tương tự, bom tấn Kong: Đảo đầu lâu (Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts, 2017) từng tạo hiệu ứng toàn cầu, khiến các địa điểm như Quảng Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn sau khi phim công chiếu. Thậm chí, chỉ riêng tháng 2.2017, lượng khách quốc tế vào Việt Nam đã tăng hơn 42% so với cùng kỳ.
Các tác phẩm như Người Mỹ trầm lặng (Đạo diễn Phillip Noyce, 2002) hay Đất rừng phương Nam(Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, 2023) cũng góp phần tái hiện chiều sâu văn hóa và thiên nhiên đa dạng của Việt Nam, khơi dậy niềm yêu mến từ khán giả trong và ngoài nước.
Học hỏi từ các quốc gia như Hàn Quốc, Anh, New Zealand – nơi thành công trong việc biến địa điểm quay phim thành điểm du lịch – Việt Nam hoàn toàn có khả năng xây dựng chiến lược phát triển “du lịch điện ảnh”.
TS Bùi Quốc Liêm cho rằng: Sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa ngành điện ảnh và ngành du lịch là rất quan trọng.
“Bộ VHTTDL có thể hỗ trợ tìm kiếm địa điểm quay phim, cung cấp và quảng bá ưu đãi cho việc quay phim tại Việt Nam, phát triển các gói du lịch làm nổi bật các địa điểm xuất hiện trong phim.
Hơn nữa, việc quảng bá các bộ phim Việt Nam có sức hấp dẫn quốc tế tại các liên hoan phim toàn cầu và thông qua các nền tảng phát trực tuyến có thể đóng vai trò là một hình thức quảng bá du lịch mạnh mẽ, dù là gián tiếp”, chuyên gia này nói.
Ảnh hưởng ngày càng tăng của nhạc Việt trên sân khấu toàn cầu
Nếu điện ảnh truyền cảm hứng bằng thị giác thì âm nhạc là ngôn ngữ toàn cầu kết nối bằng cảm xúc. V-pop hiện đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ, không chỉ trong nước mà còn tạo dấu ấn tại thị trường quốc tế.

Ca khúc See Tình của Hoàng Thùy Linh trong album LINK (2023) đã trở thành hiện tượng toàn cầu nhờ lan tỏa trên TikTok, trong khi Sơn Tùng M-TP, Đen Vâu, Mỹ Tâm, Binz, Hà Anh Tuấn… đều có lượng người hâm mộ lớn ở nước ngoài.
Gần đây, MV Bắc Bling của Hòa Minzy ghi nhận 86 triệu lượt xem trên YouTube chỉ sau ba tuần, lọt top tại nhiều quốc gia như Australia, Singapore, Hàn Quốc và khiến vùng đất Bắc Ninh – bối cảnh của MV, được khán giả quốc tế đặc biệt quan tâm, bày tỏ mong muốn được đến thăm Việt Nam.
Bên cạnh đó, các lễ hội âm nhạc tại TP.HCM, Hà Nội, Phú Quốc, Đà Nẵng đang dần trở thành điểm đến không chỉ cho khán giả nội địa mà cả du khách quốc tế đam mê trải nghiệm văn hóa bản địa thông qua âm nhạc.
“Việc xây dựng các sự kiện âm nhạc chuyên đề, kết hợp quảng bá du lịch, phát triển hệ sinh thái lễ hội và đơn giản hóa chính sách thị thực cho khách quốc tế sẽ là những bước đi cần thiết để Việt Nam định vị mình như một điểm đến âm nhạc sôi động của châu Á”, chuyên gia Đại học RMIT nhấn mạnh.
Mạng xã hội: Kênh khuếch đại sức mạnh mềm không giới hạn
Trong thời đại số, các nền tảng như TikTok, YouTube, Instagram là “trạm phát sóng” khổng lồ để truyền tải những sản phẩm văn hóa ra toàn cầu. Các MV âm nhạc, phim ảnh gắn với địa danh đẹp, lễ hội sôi động, hoặc video hậu trường… đều có thể trở thành những “quảng cáo du lịch không lời” đầy thuyết phục.
Bài học từ K-pop hay Latin pop cho thấy, nội dung hấp dẫn trên mạng xã hội không chỉ tạo nên trào lưu mà còn thúc đẩy nhu cầu khám phá thực địa.
Việt Nam nên tăng cường hợp tác với các KOL, nghệ sĩ và nhà sáng tạo nội dung để biến các địa điểm du lịch gắn liền với văn hóa đại chúng trở thành điểm đến được săn đón.

Chuyên gia nhận định rằng, dù Việt Nam chưa có nhiều sản phẩm điện ảnh hay âm nhạc gắn kết trực tiếp với du lịch và đạt sức lan tỏa mạnh trên mạng xã hội, tiềm năng phát triển ở lĩnh vực này là rất lớn.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cần chủ động triển khai các chiến dịch tiếp thị kỹ thuật số, quảng bá các địa điểm quay phim, nghệ sĩ V-pop và lễ hội âm nhạc như những điểm đến hấp dẫn, đồng thời hợp tác với các KOL quốc tế để lan tỏa hình ảnh văn hóa Việt.
Để cạnh tranh trong thị trường du lịch toàn cầu, Việt Nam cần khai thác chiến lược sức mạnh mềm từ điện ảnh và âm nhạc – những lĩnh vực giàu cảm xúc và có khả năng tiếp cận toàn cầu.
Tăng cường phối hợp giữa ngành văn hóa, du lịch và công nghệ số sẽ giúp Việt Nam định vị mình như một điểm đến giải trí độc đáo và giàu bản sắc.
Để tiếp tục khuếch đại sức hấp dẫn và xây dựng mối liên kết sâu sắc hơn với du khách toàn cầu, Việt Nam nên tập trung chiến lược vào ngành công nghiệp âm nhạc và điện ảnh đang phát triển mạnh mẽ như những sản phẩm văn hóa xuất khẩu chủ lực mới.
Trong một thế giới ngày càng số hóa, những loại hình nghệ thuật này mang đến cơ hội chưa từng có để giới thiệu văn hóa phong phú, cảnh quan tuyệt đẹp và tinh thần năng động của Việt Nam đến với khán giả trên toàn thế giới.