Nửa thế kỷ kiến trúc Việt Nam:

Hiểu văn hóa là “chìa khóa” xây dựng không gian Việt

PHƯƠNG ANH

VHO - Hội thảo “Kiến trúc Việt Nam - 50 năm thống nhất đất nước” do Hội Kiến trúc sư Việt Nam (KTSVN) tổ chức ngày 20.5 tại Hà Nội, là sự kiện điểm nhấn trước thềm Lễ trao Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2024-2025.

Hiểu văn hóa là “chìa khóa” xây dựng không gian Việt - ảnh 1
Công trình Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

 Quy tụ những tên tuổi danh tiếng của nền kiến trúc nước nhà, hội thảo chia sẻ những góc nhìn đa diện về những thành tựu và tồn tại, đề xuất giải pháp đóng góp cho sự phát triển của kiến trúc Việt Nam bền vững, hiện đại và có bản sắc.

Không quên nhìn vào khoảng trống

KTS Đặng Kim Khôi, Phó Chủ tịch Hội KTSVN nhấn mạnh, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của nhiều thế hệ KTS đã đưa tới nhiều thành tựu và đổi thay vượt bậc sau nửa thế kỷ trong lĩnh vực xây dựng, kiến thiết cả về chất và lượng trên khắp mọi miền đất nước.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, KTS Dương Đức Tuấn khẳng định, nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày non sông liền một dải, kiến trúc Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ và toàn diện. Trên mọi miền đất nước, hàng vạn công trình đã mọc lên, kiến trúc đã hiện diện sâu sắc trong từng chuyển động phát triển của đất nước.

“Kiến trúc Việt Nam ngày nay đã phát triển theo hướng hiện đại, hội nhập, không chỉ dừng lại ở việc tạo lập không gian sống mà đã thể hiện vai trò sâu sắc trong gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, cải thiện chất lượng đời sống, thúc đẩy phát triển đô thị và nông thôn bền vững. Nhiều công trình đã đạt giải thưởng trong nước và quốc tế, ghi dấu sự trưởng thành vượt bậc của giới KTS Việt Nam...”, ông Tuấn cho biết.

TS.KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội KTSVN khẳng định những đóng góp của giới nghề trong quá trình phát triển: “Nhìn lại chặng đường 50 năm để giới KTS tự hào và cùng suy nghĩ về những khoảng trống mà lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc còn thiếu vắng. Để từ đó có một tư duy mới, tầm nhìn mới, sáng tạo mới đưa nền kiến trúc nước nhà phát triển bền vững, hiện đại, văn minh và bản sắc, lấy con người làm trung tâm, trong kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

GS.TS. KTS Nguyễn Quốc Thông, Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc, Hội KTSVN nhận định, sau 50 năm với gần 40 năm mở cửa, hội nhập quốc tế, bộ mặt kiến trúc đô thị và nông thôn ở nước ta thay đổi nhanh với nhiều thành công, nhưng vẫn còn những hạn chế.

Bên cạnh những công trình kiến trúc tầm vóc, mang ý nghĩa biểu tượng quốc gia, về câu chuyện bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc, đô thị trong nửa thập kỷ qua, KTS Nguyễn Quốc Thông nhìn nhận, lĩnh vực này đã có được nhiều dấu ấn. Hệ thống di sản kiến trúc, đô thị trên cả nước đã được đầu tư bảo tồn, tôn tạo và phát huy hiệu quả.

Nhiều di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo đã trở thành những sản phẩm du lịch, văn hóa có giá trị, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. Vai trò của KTS trong công tác bảo tồn di sản kiến trúc, đô thị đã từng bước khẳng định vai trò quyết định đến chất lượng của các dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc, đô thị.

Nhưng bên cạnh đó, năng lực của nhiều chuyên gia và KTS hoạt động trong bảo tồn di sản còn khá hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, dẫn đến chất lượng khoa học của hoạt động bảo tồn còn thấp. Di tích được đầu tư lớn nhưng chất lượng khoa học không đảm bảo, gây bức xúc trong xã hội.

Bảo tồn di sản kiến trúc, đô thị là lĩnh vực phức tạp đòi hỏi sự kết hợp nhiều ngành. Nhưng trên thực tế, cơ sở lý luận chuyên ngành bảo tồn di sản chưa hoàn chỉnh, dẫn đến can thiệp tùy tiện, không đảm bảo chất lượng khoa học trong hoạt động bảo tồn di sản, đồng nghĩa với việc phá hoại di sản.

“Hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản còn làm nảy sinh những mâu thuẫn, xung đột. Đó là mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển ở đô thị và nông thôn. Di sản xuống cấp không được quan tâm, công tác bảo tồn trong không ít trường hợp tiến hành không đúng bài bản. Kết quả là chưa tạo được lòng tin…”, KTS Nguyễn Quốc Thông chia sẻ.

Từ điểm tựa quê hương, vươn mình ra thế giới

KTS Hoàng Thúc Hào từ góc nhìn về kiến trúc Việt Nam trong toàn cầu hóa, nhìn nhận, bước sang thiên niên kỷ mới, Việt Nam bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ về kinh tế, đô thị hóa và hội nhập quốc tế.

Kiến trúc như một tấm gương phản chiếu trực tiếp xã hội, trở nên đa chiều, đa sắc, ngày càng phân hóa rõ rệt giữa các tuyến dự án quy mô lớn mang tính biểu tượng quốc gia và quy mô vừa có tính định danh địa phương.

Theo KTS Hoàng Thúc Hào, ngày càng nhiều những đầu tư quốc tế và sự xuất hiện của các KTS nước ngoài, thậm chí là siêu sao KTS thế giới ở Việt Nam. Từ năm 2000 trở đi, các công trình mang tính biểu tượng quốc gia, có vốn đầu tư lớn và tính đại diện cao, thường được giao cho các đơn vị kiến trúc quốc tế, bởi danh tiếng và uy tín toàn cầu của họ.

“Tuy nhiên, chính những ưu thế ấy cũng đặt ra vấn đề đáng suy ngẫm về vị trí, vai trò của KTS Việt ngay trên chính mảnh đất quê hương mình. Liệu chúng ta có đang bị lép vế trước sức mạnh tổ chức, công nghệ và mạng lưới toàn cầu của các đồng nghiệp bên ngoài? Đâu là hướng đi để KTS Việt có thể khẳng định bản sắc và năng lực? Đây không chỉ thách thức mà là kêu gọi một sự chuyển mình trong tư duy của giới hành nghề Việt”, KTS Hoàng Thúc Hào nhấn mạnh.

Trước làn sóng hội nhập mạnh mẽ, nhiều KTS Việt Nam đã chọn một con đường khác biệt: Địa phương hóa và nhân văn hóa thiết kế. Khuynh hướng địa phương hóa thông qua phát triển kiến trúc sinh thái, kiến tạo từ vật liệu truyền thống như tre, đất, đá…

Điểm chung là họ không chạy theo xu hướng biểu tượng, không hoành tráng diễn ngôn mà chú trọng “chạm” vào đời sống, khơi gợi cảm xúc, dấu ấn nhân văn sâu đậm. Quan điểm kiến trúc nhân văn, sinh thái được xã hội, cộng đồng quốc tế ghi nhận qua các giải thưởng kiến trúc danh giá.

“Hiểu con người Việt Nam, hiểu văn hóa Việt Nam là chìa khóa để xây dựng không gian Việt Nam. Có lẽ, chính từ thấu hiểu ấy, KTS Việt Nam sẽ tiếp tục vươn xa, không ồn ào mà bền bỉ, kiên định. Họ đồng hành trong mỗi giai đoạn lịch sử, dựng lên gương mặt thời đại bằng chất lượng những không gian sống cho người Việt”, KTS Hoàng Thúc Hào khẳng định.

“Việc tiếp cận bản sắc truyền thống cần có cách nhìn biện chứng, chọn lọc hơn, gắn với tinh thần hồn cốt thay cho mô phỏng hình thức; mỗi địa phương, vùng miền cần phát huy thế mạnh nội tại để chủ động tạo dựng bản sắc riêng trong mối liên kết hữu cơ với tổng thể, không nên dựa dẫm và e ngại sóng lan tỏa từ đô thị lớn…”, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam Phan Đăng Sơn gợi mở. 

 Tối qua 20.5, Hội KTSVN tổ chức Lễ trao giải Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia lần thứ 16 (2024-2025) tại Nhà hát Lớn Hà Nội, tôn vinh các Tác giả - Tác phẩm xuất sắc trong lĩnh vực Kiến trúc - Quy hoạch - Xây dựng nước nhà. Đây là giải thưởng cấp quốc gia cao quý nhất được trao trong lĩnh vực kiến trúc, do Thủ tướng giao cho Hội KTS Việt Nam, Bộ Xây dựng và Bộ VHTTDL phối hợp tổ chức.