Xung quanh phát hiện hai thuyền cổ “kỳ lạ” ở Bắc Ninh

Thuyền thương mại, thuyền chiến hay thuyền dân sinh?

NGỌC TRUNG - LÂM SƠN; đồ họa: MẠNH LÊ

VHO - Dù đã phát lộ, làm rõ kiểu dáng hai thuyền cổ đã gần một tháng qua nhưng đến nay những nhận định, đánh giá mang tính khoa học về hai hiện vật này vẫn còn ở dạng giả thuyết, ví như đây là thuyền chiến, thuyền thương mại hay thuyền dân sinh? Là thuyền độc mộc hay được đóng ghép ván? Chủ nhân của hai thuyền này là ai…?

Thuyền thương mại, thuyền chiến hay thuyền dân sinh? - ảnh 1

Thông tin mới nhất chúng tôi vừa nhận được, đến nay hai lòng thuyền cổ đã được đoàn khai quật làm sạch, theo đó cung cấp thêm những chứng cứ mới và xác thực để tiếp tục đặt ra những nhận định mang tính bước đầu, có thể gây “sốc”.

Trước đó, dựa trên một vài thông tin, hình ảnh trên báo chí, nhiều ý kiến cho rằng hai thuyền cổ vừa mới phát hiện tại Thuận Thành (Bắc Ninh) không phải là hai thuyền độc mộc, nghĩa là thuyền không được đục, đẽo từ một thân cây gỗ lớn mà do người xưa đóng ghép từ nhiều ván gỗ tạo thành.

Ở nước ta, thuyền độc mộc lớn nhất được tìm thấy có chiều dài 10m, hình dạng đơn giản thường thấy ở những chiếc thuyền độc mộc, chẳng hạn như không chia khoang, hình bầu dục, dáng thuôn dài, còn hai thuyền cổ này có kết cấu đặc biệt.

Quan sát kỹ tại hiện trường khai quật, chúng tôi nhận thấy những thông tin và nhận định bước đầu về hai thuyền cổ này là một dạng thuyền độc mộc không phải là không có cơ sở.

Thuyền thương mại, thuyền chiến hay thuyền dân sinh? - ảnh 3
Đáy thuyền được xác định bước đầu là độc mộc

Về gỗ làm thuyền cổ này, hiện đa số nhà nghiên cứu đều có chung nhận định là thuyền được làm từ gỗ táu.

Gỗ táu là một trong tứ thiết gồm “Đinh, Lim, Sến, Táu”. Gỗ táu ít khi được dùng làm đồ gia dụng vì thớ gỗ to, không mịn, nhưng lại rất cứng, chịu được va đập và đặc biệt là chịu nước rất tốt. Nếu sử dụng làm thuyền thì “trăm năm không ải mục”.

Hẳn nhiều người sẽ thắc mắc rằng, vậy người xưa lấy đâu ra cây gỗ lớn như thế để làm thuyền độc mộc. Theo sử sách ghi chép lại, nước ta có hệ sinh thái rừng phong phú với nhiều loại gỗ quý.

Vùng Gia Lâm (Hà Nội) hay Từ Sơn (Bắc Ninh) xưa đều là rừng với bạt ngàn cây gỗ lớn, hiện vẫn còn lưu lại những tên rừng cổ như rừng Báng, rừng Sặt thuộc vùng Từ Sơn, chỉ cách thị xã Thuận Thành một cây số theo đường chim bay.

Xa hơn, tại đền Thiên Cổ (thôn Hương Lan, xã Trưng Vương, TP Việt Trì, Phú Thọ), vẫn còn một cây gỗ táu 2104 tuổi, được xác định có từ thời An Dương Vương.

Cho đến thời điểm này đoàn khai quật khảo cổ đã bước đầu đưa ra nhận định, đáy hai thuyền cổ này là độc mộc, ở trên ghép ván.

Điều này có thể lý giải, người xưa đã đốn những cây gỗ có đường kính rất lớn ở các vùng lân cận để làm thuyền, tại phần đáy thuyền là lòng thân cây, ở trên ghép ván.

Số liệu tại hiện trường cho thấy, kích thước hai thuyền cổ tương đương nhau: Dài 16m, rộng 1,95-2m, lòng khoang chỗ sâu nhất 1,8m.

Chỉ có những thân cây cao, có đường kính lớn vài ba người ôm thì mới có thể tạo ra những thuyền cổ đó. Vì thế, phải chăng hai thuyền cổ này một phần được làm từ hai thân cây gỗ lớn?

Một vấn đề khác cũng đang được đặt ra là hai thuyền cổ này là thuyến chiến, thuyền thương mại hay thuyền dân sinh?

Thuyền thương mại, thuyền chiến hay thuyền dân sinh? - ảnh 4
Một trong hai thuyền cổ vừa được phát hiện

Như đã đề cập trong bài trước, vị trí xuất lộ thuyền cổ nằm trên (bên) dòng sông Dâu, là một nhánh của sông Thiên Đức (sông Đuống) chảy sát bờ phía Tây của thành Luy Lâu, địa điểm gắn với khu vực giàu di sản văn hóa, lịch sử.

Ảnh vệ tinh cũng thể hiện vị trí phát hiện hai thuyền cổ nằm ngay cạnh dòng chảy của một con sông cổ, có thể là tuyến đường thủy sầm uất thông thương ra tận biển.

Tuy nhiên, để tìm được “bến đậu” đích xác cả về không gian và thời gian vẫn cần sự trả lời, giải đáp từ giới chuyên môn trong và ngoài nước.

Một điểm đáng chú ý, trong khoang hai thuyền cổ này được người xưa thiết kế chia thành 6 khoang, lòng thuyền đẽo giật cấp.

Điều đáng nói, kích thước thực của con thuyền có thể lớn hơn nhiều vì khả năng phần bên trên đã bị mất.

Sở dĩ dự đoán như thế là bởi có hệ thống mộng chạy dọc mạn thuyền cho thấy chứng cứ con thuyền này được nâng cao bằng các ván mạn có cùng lỗ mộng như vậy.

Ván mạn này cũng có hệ lỗ mộng tương ứng và gắn với mạn thuyền bằng một chốt gỗ hình chữ nhật có lỗ đóng chặn ở hai nửa. Kỹ thuật ghép ván gỗ này đã được người Việt sử dụng thuần thục từ thời Đông Sơn.

Hệ thống mộng cũng là lối mở cho những thắc mắc chưa có lời giải đáp: Đó là, với lòng thuyền sâu như vậy, người ngồi ở đâu để chèo thuyền. Và nếu ván mạn thuyền đủ kích cỡ để người ngồi chèo, hẳn nhiên ván mạn này cũng phải to và chắc chắn.

Thuyền thương mại, thuyền chiến hay thuyền dân sinh? - ảnh 5
Lỗ mộng phát hiện trên mạn thuyền

Nếu đứng trong lòng thuyền để chèo là điều không thể vì lòng khoang có chỗ sâu 1,8m. Điểm độc đáo nữa là lần đầu tiên các nhà khảo cổ học tìm thấy hai thuyền có kết cấu liên kết với nhau bằng thanh giằng cố định kiên cố làm bằng gỗ dài 5m ở mũi thuyền. Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng đặt ra khả năng: “Không lẽ tạo thuyền hai thân”?

Với kiểu dáng như vậy, bước đầu giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa và khảo cổ đặt ra những giả thiết, có thể đây là thuyền thương mại hoặc là thuyền chiến chứ không thể thuyền dân sinh.

Thuyền người dân sử dụng không thể có kích thước lớn như thế. Nếu là thuyền thương mại chuyên chở hàng hóa thì sản phẩm đó là gì?

Trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ chưa tìm thấy di vật, hiện vật đi kèm mà chủ yếu là những tạp chất như gỗ, một số loại hạt cây đọng lại trong khoang thuyền trong quá trình bồi tụ đất, cát, bùn. Còn nếu là thuyền chiến thì thuộc thời nào?

TS Vũ Thế Long, chuyên gia khảo cổ học nhìn nhận, vẫn còn quá sớm để đi đến kết luận đó là dạng thuyền gì, vì cho đến nay chúng ta không có hình ảnh, hiện vật để đối chiếu.

Thuyền thương mại, thuyền chiến hay thuyền dân sinh? - ảnh 6
Thanh giằng được đóng kiên cố ở đầu thuyền

Tuy nhiên, qua khảo cứu của chúng tôi, trong cuốn Việt Sử lược có ghi chép một dữ kiện: Năm 1106: “Tháng 11, vua sắp có việc lôi thôi với nhà Tống, sai đóng thuyền Vĩnh Long hai đáy và đóng chiến hạm”.

Còn Đại Việt sử ký toàn thư cũng nhắc đến một hiện tượng khác vào năm 1124: “Tháng giêng nhuận, đóng thuyền Tường Quang, kiểu hai lòng”. Nguyên văn là lưỡng phúc thuyền, tức thuyền hai bụng, cũng có thể hiểu tương tự như hai đáy. Cho tới nay, cấu tạo loại thuyền này như thế nào vẫn chưa được giải mã.

Sử sách ghi chép, vua sai đóng thuyền Vĩnh Long hai đáy; đóng thuyền Tường Quan kiểu hai lòng rất rõ ràng, nhưng như thế nào là thuyền hai đáy, kiểu hai lòng thì đến nay vẫn chưa thể luận giải, minh chứng.

Và hai thuyền cổ vừa được phát hiện có phải là một trong hai dạng thuyền trên hay không vẫn là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu.

Trải qua hàng ngàn năm, cây đa, bến nước, con thuyền đã gắn liền trong tâm tưởng của mỗi người Việt.

Tuy nhiên, dáng hình con thuyền, phương tiện di chuyển chính cha ông ta ngày xưa dùng để đạp gió rẽ sóng dựng nước và giữ nước vẫn là dấu hỏi lớn chưa tìm được lời giải đáp.

Bởi vậy, hai thuyền cổ tại Bắc Ninh là phát hiện mang giá trị lịch sử lớn lao, để từ đó biết thêm về sự gian lao và hiển hách của tiền nhân.

(Còn tiếp)

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc