Khai mạc Ngày Sách và Văn hoá đọc 2024:
Thế giới tôi đọc
VHO - Sáng 20.4 tại Hà Nội, Thư viện Quốc gia Việt Nam (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hoá đọc 2024 với chủ đề "Thế giới tôi đọc"
Dự buổi lễ có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin Phạm Quang Nghị; nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cùng đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương; các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL; đại diện đại sứ quán một số nước tại Việt Nam…
Ngày Sách và Văn hoá đọc 2024 là sự kiện văn hoá quan trọng đối với những người yêu quý sách và công chúng cả nước, góp phần phát huy giá trị của sách, văn hoá đọc trong cộng đồng; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách để nâng cao kiến thức, kỹ năng nhằm phát triển bản thân và xã hội; kết nối bạn đọc trong nước và nước ngoài, đồng thời tôn vinh các tổ chức, cá nhân có những đóng góp tích cực cho phát triển sách và văn hoá đọc.
Phát biểu khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc 2024, ông Nguyễn Xuân Dũng, Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam cho biết, tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp quốc - UNESCO đã chọn ngày 23.4 là Ngày Sách và Bản quyền thế giới.
Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1862/QĐ-TTg về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Theo đó, ngày 21.4 hàng năm được chọn làm Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
Đây là những quyết định quan trọng nhằm khẳng định vị trí, vai trò không thể thiếu của sách trong đời sống xã hội; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng không chỉ giới hạn trong các tài liệu in truyền thống mà còn mở rộng trên các phương tiện nghe, nhìn, nền tảng số.
Đồng thời, tôn vinh những người viết sách, làm sách, lưu giữ, quảng bá sách, kết nối bạn đọc trong nước và nước ngoài; tạo ra những hiệu ứng tích cực xây dựng một xã hội học tập góp phần phát triển văn hoá, con người Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Xuân Dũng cũng nhấn mạnh: “Tri thức của cá nhân hay cộng đồng được hình thành thông qua sự lựa chọn trong quá trình tiếp nhận và trải nghiệm thực tiễn. Để việc đọc sách trở thành thói quen của mỗi người dân, tạo nên nền tảng phát triển nhận thức và tư duy về cuộc sống, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các thiết chế văn hoá, đặc biệt là hệ thống thư viện với các cơ quan giáo dục ngoài nhà trường, nơi học tập suốt đời cho mọi người.”
Ông Nguyễn Xuân Dũng thông tin, song hành với các hoạt động được tổ chức thường niên, Ngày Sách và Văn hoá đọc 2024 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam được tổ chức với nhiều hoạt động mới, đa dạng, phong phú, thu hút bạn đọc nhiều lứa tuổi.
Trong đó, có triển lãm Sách - Cánh cửa mở ra thế giới sẽ giới thiệu tới độc giả 1.000 cuốn sách theo 4 nội dung Sách - Thay đổi tư duy, Sách - Mở rộng tầm nhìn, Sách - Khám phá thế giới, Từ trang sách tới thành công. Những tư liệu trưng bày trong triển lãm giúp khẳng định vị trí, vai trò của sách đối với đời sống của mỗi cá nhân và toàn xã hội.
Tới với sự kiện, bạn đọc có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ trực tiếp với các tác giả, diễn giả, từ đó lan toả tình yêu với sách, đưa văn hoá đọc trở thành một nét đẹp trong cuộc sống.
Chương trình giao lưu tác giả, tác phẩm năm nay giới thiệu cuốn sách Học, đọc sách và sáng tạo của nhóm tác giả GS. TS. Nguyễn Như Ý, TS. Trần Chí Đạt, TS. Võ Thế Quân, TS. Vũ Thuỳ Dương do NXB Thông tin và Truyền thông phát hành, tác phẩm Danh nhân - Ông tổ nghề thêu Lê Công Hành của nhiều tác giả do NXB Văn học phát hành.
Bên cạnh đó, tại Thư viện Quốc gia Việt Nam còn diễn ra nhiều hoạt động khác như đọc sách sáng tạo; khám phá thư viện số; hoạt động chuyên đề: Gieo mầm tri thức, thi vẽ tranh theo sách; trải nghiệm kỹ năng đọc sách; trưng bày các tác phẩm đoạt giải cuộc thi vẽ tranh theo sách; chương trình bốc thăm vòng tay may mắn; Trạm bảo tồn sách…