Tạo đột phá cho công nghiệp văn hóa
VHO - Ngành công nghiệp quảng cáo đã và đang trở thành một trong những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng và phát triển mạnh mẽ, góp phần quảng bá thương hiệu quốc gia Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Nội dung này được nhấn mạnh tại sự kiện Vạn Xuân Summit “Giải thưởng Quảng cáo sáng tạo Việt Nam” năm 2024 diễn ra ngày 19.9 tại TP.HCM.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đồng Trưởng Ban tổ chức (BTC) Giải thưởng cho biết, Giải thưởng năm nay có nhiều đổi mới so với năm 2023, trong đó điểm nhấn là đột phá về tư duy sáng tạo trong xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia thông qua sản phẩm quảng cáo. Lan tỏa tinh thần đột phá này đến cộng đồng sáng tạo để khơi nguồn cảm hứng và thúc đẩy sự phát triển của ngành quảng cáo sáng tạo nước nhà. Đưa lĩnh vực quảng cáo dần trở thành ngành công nghiệp văn hóa mang tính đặc thù, góp phần đưa thương hiệu và văn hóa Việt Nam vươn ra thế giới, ông Sơn nhấn mạnh.
Theo bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL), Trưởng BTC Giải thưởng, qua nhiều năm tổ chức, Giải thưởng đã tạo động lực cho các tổ chức và cá nhân sáng tạo ra nhiều sản phẩm quảng cáo chất lượng cao trên tất cả các loại hình, phương tiện quảng cáo. Đặc biệt là truyền hình đã tạo cảm hứng sáng tạo đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, tạo đột phá, đưa ngành quảng cáo nước nhà hội nhập với sân chơi khu vực và thế giới. Kết quả trên cũng đã góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia “Giải thưởng Quảng cáo sáng tạo Việt Nam” giai đoạn từ năm 2020 đến 2030 trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ông Trần Việt Tân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Truyền thông VINAMA, Phó trưởng BTC Giải thưởng cho biết, năm 2023 đã có hơn 1.000 bài dự thi tham gia Giải thưởng Quảng cáo sáng tạo Việt Nam với sự đồng hành của hơn 100 chuyên gia trong nước và quốc tế. Hơn 125 triệu lượt tiếp cận trên các nền tảng mạng xã hội và hơn 300 triệu lượt tiếp cận trên hơn 14.000 màn hình LCD và LED ngoài trời, đã chứng minh sự hưởng ứng của Giải thưởng đối với giới chuyên môn cũng như công chúng. Qua đó khẳng định được vị thế, tuy tín của giải thưởng ở tầm quốc gia và quốc tế.
Theo thống kê, sau gần 10 năm triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, thị trường công nghiệp văn hóa trong nước có những bước tiến mới. Cụ thể, giai đoạn từ năm 2018 - 2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỉ đồng. Bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa đạt gần 7,2%/năm. Thống kê riêng trong năm 2022 có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến các ngành công nghiệp văn hóa, thu hút bình quân lực lượng lao động khoảng 1,7 đến 2,3 triệu người, tăng 7,44%/năm. Điều này cho thấy các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đang dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, ngành công nghiệp quảng cáo đang trở thành một trong những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng và phát triển mạnh mẽ, đã xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ chất lượng để hội nhập với kinh tế quốc tế, góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia, quảng bá hình ảnh đất nước, tiềm năng, con người Việt Nam đến bạn bè thế giới.