Sơn La có thêm 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
VHO - Bộ VHTTDL vừa đưa Lễ hội "Xên lẩu nó" của người Thái Đen Yên Châu; Lễ hội "Púng hiéng" (Tết Hạ Niên) của người Dao Tiền Mộc Châu và "Nghề làm giấy" của người Mông ở Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Thuận Châu, Mường La, Bắc Yên, Phù Yên, tỉnh Sơn La là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

"Xên lẩu nó" là lễ hội truyền thống độc đáo, được đúc kết, lưu truyền qua nhiều thế hệ, có giá trị to lớn trong đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh lành mạnh của người Thái đen ở Yên Châu, tỉnh Sơn La.
Lễ hội thường được tổ chức vào mùa Xuân để cảm tạ tổ tiên, thần sông, thần núi và là dịp để tạ ơn công đức của thầy cúng đã chữa bệnh cho mọi người.
Lễ hội gồm phần lễ và phần hội đan xen nhau với mục đích cảm ơn trời đất, thần linh, tổ tiên đã che trở cho mọi người được khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt. Sau khi hoàn thành một phần lễ, mọi người lại cùng nhau nhảy múa xung quanh cây “Xăng bók” (cây nêu) với mong muốn mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, mọi người được mạnh khỏe, hạnh phúc, ấm no.

Lễ hội "Púng hiéng" được một số dòng họ người Dao Tiền duy trì theo hình thức truyền đời, tổ chức định kỳ 3-4 năm một lần, trong thời gian 4-6 ngày vào dịp Tết Nguyên đán với ý nghĩa để tạ ơn tổ tiên, thần linh và cầu cho năm mới làm ăn thêm thuận lợi.
Dù là nghi lễ của dòng họ nhưng Lễ hội "Púng hiéng" lại dành cho cả bản nên có ý nghĩa cố kết cộng đồng cao, mang tinh thần văn sâu sắc, tạo sự gắn kết cộng đồng dân tộc, nhắc nhở thế hệ con cháu về đạo lý uống nước nhớ nguồn, răn dạy đạo lý làm người và mang nhiều giá trị về văn hoá, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Dao.

Đối với "Nghề làm giấy" của người Mông đã có từ lâu đời, được người Mông làm ra không phải để viết, mà được dùng trong các dịp lễ Tết, thờ cúng.
Vào dịp lễ Tết, những mảnh giấy được cắt nhỏ ra dán vào các góc nhà, cột nhà, những vật dụng trong sinh hoạt, có ý nghĩa như niêm phong, kết thúc năm cũ và chào đón năm mới với ý nghĩa cầu mong những điều tốt đẹp, an lành, may mắn cho mọi người trong gia đình.
Giấy của người Mông sẽ được dùng để treo lên tường ở giữa nhà, có gắn ít lông gà trống lên đó, là bàn thờ để cúng tổ tiên, nơi linh thiêng, hàng năm vào dịp năm mới, người Mông sẽ thay lại giấy mới, người Mông quan niệm đó là sự thể hiện lòng báo hiếu của con cháu với tổ tiên, dòng họ, cầu mong cho con cháu có cuộc sống an lành, hạnh phúc, ấm no, có nhiều tiền tài và thành đạt trong cuộc sống.
Việc 2 lễ hội và 1 nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là niềm vinh dự tự hào của cộng đồng các dân tộc trực tiếp gìn giữ, mà còn khẳng định nỗ lực trong công tác bảo tồn, tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Sơn La.
Đây là cơ hội để cộng đồng người Thái đen, người Dao Tiền và người Mông ở Sơn La tích cực gìn giữ, quảng bá giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc gắn với phát triển du lịch tại các địa phương có di sản, từng bước góp phần gắn kết văn hóa với phát triển du lịch, kinh tế - xã hội bền vững.