Sớm trùng tu, tôn tạo miếu thờ Thần Nông

NHƯ ĐỒNG

VHO - Trải qua thời gian và chiến tranh, miếu thờ cúng Thần Nông trên núi Đất Đỏ thuộc thôn An Đạo, xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) đã xuống cấp nặng nề. Để gìn giữ ngôi miếu linh thiêng này, người dân trong làng góp công, góp của làm mái hiên bằng tôn nhằm che chắn phần phía trước của di tích.

 Sớm trùng tu, tôn tạo miếu thờ Thần Nông - ảnh 1
Di tích miếu thờ Thần Nông ở thôn An Đạo, xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi

 Miếu thờ Thần Nông gồm hai miếu, được người dân gọi là miếu Ông và miếu Bà. Trong đó, miếu Ông có quy mô nhỏ hơn so với miếu Bà. Trước mỗi miếu, đều có bức bình phong điêu khắc hình tượng hổ ngồi. Đây là mô típ trang trí tại các công trình xưa.

Theo lời người dân địa phương, miếu thờ Thần Nông được người xưa dựng nên từ cách đây ít nhất hơn 200 năm để thờ cúng cặp vợ chồng đã có công mở mang, khai phá ruộng đất ở làng Giã Đạo ngày trước (nay là thôn An Đạo).

Trong kháng chiến chống Mỹ, miếu Bà bị bom đạn tàn phá một phần. Song, ngôi miếu đã được người dân nhanh chóng phục dựng và tiếp tục thờ phụng, hương khói.

Để bày tỏ lòng biết ơn, tri ân người có công mở mang ruộng đất, người dân thôn An Đạo đều đặn tổ chức cúng Thần Nông tại miếu thờ vào ngày 25 tháng Chạp hằng năm. Vào ngày này, khoảng gần 300 người dân tại thôn An Đạo tề tựu về miếu để cúng và dâng hương lên các gian thờ tại miếu Ông và miếu Bà.

Lễ vật dâng lên Thần Nông thường là gà hoặc heo, tùy theo điều kiện tài chính của người làng hằng năm. Trải qua hàng trăm năm, lễ cúng được người dân trong làng thực hiện bằng tất cả lòng thành kính.

Thành viên ban khánh tiết, ban tế tự của miếu thờ được người dân họp bàn và đề cử theo từng năm. Những người được chọn vào ban khánh tiết, ban tế tự là những người có uy tín.

Ông Nguyễn Trị, người vừa được người dân thôn An Đạo bầu làm Trưởng ban tế tự miếu Thần Nông trong năm Ất Tỵ chia sẻ: “Mỗi năm, người dân trong thôn họp một lần để chọn ra người làm trưởng ban tế tự. Trưởng ban tế tự được hiểu là người phụ trách việc trông nom tại miếu và lo chuẩn bị cho lệ cúng Thần Nông vào ngày 25 tháng Chạp.  Từ thời ông cha cho đến bây giờ, ai được chọn làm trưởng ban tế tự đều xem đấy là trọng trách và cũng là niềm tự hào, vinh dự của bản thân và gia đình”.

Qua trăm năm dâu bể, tục thờ Thần Nông cùng di tích miếu thờ được người dân thôn An Đạo luân phiên gìn giữ. Song, người dân lo lắng khi miếu thờ đang xuống cấp. Xung quanh miếu Bà, hàng rào điêu khắc hình rồng vờn mây, được làm từ gạch khổ lớn và vôi vữa tam hợp hiện chỉ còn lại phần trụ và đầu rồng.

Hình tượng hổ được đắp bằng vôi vữa tam hợp trên hai bức bình phong trước miếu Ông, miếu Bà bị bong tróc, biến dạng. Những hoa văn trang trí, đắp nổi bằng vỏ ốc, mảnh sành men hoa lam được người xưa tạo tác công phu trên miếu cũng bị rêu phong phủ dày.

Bên trong miếu thờ, những câu đối, hoa văn trang trí cũng đang dần bị biến dạng. Miếu cổ trăm năm xuống cấp từng ngày, song điều kỳ lạ là những viên gạch khổ lớn mà người xưa từng dùng để xây miếu Bà ngày trước vẫn còn đỏ au như mới, không hề bị rêu phong.

Đặc điểm này khá tương đồng với loại gạch mà người Chăm ngày xưa dùng để dựng tháp.

Ông Trương Thế Đây (65 tuổi), ở thôn An Đạo kể lại: “Sau khi miếu Bà bị hư hại một phần do chiến tranh, người dân đã gom nhặt những viên đá ong, viên gạch còn nguyên vẹn từ đống đổ nát để phục dựng lại miếu Bà. Trong đó, có mấy mươi viên gạch được tận dụng để gia cố lại phần mái, số ít còn lại được người xưa để trong khuôn viên miếu. Song, từ đó đến nay, đã mấy mươi năm trôi qua, nhưng số gạch này vẫn đỏ au như mới”.

Để bảo vệ di tích đang xuống cấp, người dân địa phương đã góp công, góp của làm mái hiên bằng tôn nhằm che chắn phần phía trước của di tích và dùng xi măng trám vào một số vết nứt.

Song, cách làm này khiến di tích không còn giữ lại được nguyên vẹn. Người dân thôn An Đạo mong chính quyền địa phương và ngành văn hóa quan tâm trùng tu, tôn tạo miếu thờ Thần Nông, để giữ lại nét đẹp văn hóa gắn với đời sống tín ngưỡng từ bao đời của người dân nơi đây. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc