Ra mắt CLB và ấn phẩm “Trái tim người lính Thủ đô”
VHO - Nhân kỷ niệm 69 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10.10.1954 –10.10.2023), ngày 4.10 tại Hà Nội, Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam” phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, Hội đồng Họ Đặng Việt Nam và CLB “Mãi mãi tuổi 20” tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách và CLB cùng tên “Trái tim người lính Thủ đô”.
Tại lễ ra mắt CLB và ấn phẩm mang tên “Trái tim người lính Thủ đô”
Đồng thời, BTC cũng tiếp nhận kỷ vật “Tình yêu qua chiến tranh” và trao tặng tượng trưng “Tủ sách Đặng Thùy Trâm”.
Tham dự sự kiện có các Anh hùng LLVTND, Tướng lĩnh Quân đội, Công an, Cựu chiến binh, cựu Công an nhân dân, cựu Thanh niên xung phong… nhiều thế hệ, là nhân vật của sách, cùng một số nhân chứng lịch sử đồng hành với Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam”…
Vào những ngày này cách đây 69 năm, từ 5 cửa ô của Hà Nội, từng đoàn quân bộ đội Cụ Hồ lớp lớp tiến vào tiếp quản và giải phóng Thủ đô, kết thúc thắng lợi vẻ vang 9 năm gian khổ của cuộc kháng chiến chống pháp, viết thêm những trang sử vẻ vang truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Nhìn lại lịch sử hơn 1000 năm Thăng Long – Đông Đô, vùng đất địa linh nhân kiệt không chỉ có kháng chiến chống Pháp, mà trước đó là chống các thế lực xâm lược phương Bắc, sau này là Kháng chiến chống Mỹ cứu nước và các cuộc chiến tranh vệ quốc bảo vệ chủ quyền Biên giới và biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Những người lính Thủ đô đã đặt dấu chân tới khắp mọi miền đất nước. Hơn thế, với vai trò là Trung tâm kinh tế, chính trị của các nước, Hà Nội luôn có một vị trị hết sức quan trọng cả trong thời chiến và thời bình. Hình ảnh những người lính của Hà Nội luôn in đậm trong mỗi trái tim của người dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.
Nhằm kết nối những người Hà Nội đang mang trong mình “Trái tim người lính”, tôn vinh và tri ân những người có công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và “tiếp lửa truyền thống” cho thế hệ trẻ, sau một năm vận động và chuẩn bị, CLB “Trái tim lính Thủ đô” đã chính thức ra mắt.
Hội đồng Quản lý gồm các thành viên: Đại tá, CCB Trần Trọng Giá (nguyên Trưởng Phòng Quân khu Thủ đô) – Chủ tịch; Đại tá, CCB Dương Văn Giáp (nguyên Trưởng phòng Cảnh sát Công an Hà Nội) – Phó Chủ tịch Thường trực; Thượng tá, CCB, Nghệ sĩ, Nhà văn Nguyễn Quốc Toản và Đại tá, CCB Ngô Chí Doanh (nguyên Đoàn Trưởng Đoàn Nghi lễ Quân đội) cùng đảm nhiệm vai trò là Phó Chủ tịch.
5 thành viên gồm: Đại tá, CCB Nguyễn Văn Tuấn (nguyên Phó Cục trưởng Cục Quân y Bộ Quốc phòng); Đại tá, CCB Phạm Minh Chính (nguyên Trưởng phòng Cán bộ Quân khu Thủ đô); Đại tá Nguyễn Thanh Sơn (nguyên Phó phòng Hậu cần Kỹ thuật Trường Sĩ quan Chính trị - Bộ Quốc phòng); ThS. Đặng Thị Ngọc Bích (nguyên Phó vụ trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương); Đại úy, CCB, Nhà văn Lê Đức Nghinh và Trung úy, CCB, Nghệ sĩ Đặng Thị Kim Nhung được mời tham gia Hội đồng Điều hành CLB.
Đại tá, CCB, Nhà văn Đặng Vương Hưng (Người sáng lập và Chủ tịch Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam) cho biết: “Trái tim người lính Thủ đô” là CLB thứ 5 được thành lập trong gần 3 năm qua. Trước đó là các CLB “Trái tim người lính Phù Đổng” (2021), “Trái tim người lính Phương Nam” (2021), “Trái tim người lính miền Trung – Tây Nguyên” (2022) và Trái tim người lính miền Tây”. Dự kiến tháng 12 tới, sẽ có thêm CLB “Trái tim người lính Vị Xuyên – Hà Giang” được thành lập.
Cuốn sách cùng tên “Trái tim người lính Thủ đô” được ra mắt nhân dịp này
Với tôn chỉ, mục đích “Kết nối và chia sẻ, Tôn vinh và tri ân”, những năm gần đây, thông qua mạng xã hội facebook, Diễn đàn “Trái tim người lính” đã quy tụ được hơn 200.000 thành viên ở khắp mọi miền Tổ quốc. Diễn đàn đã tổ chức nhiều hoạt động có nội dung nhân văn, truyền cảm hứng về truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ như: Tổ chức sưu tầm, biên soạn và xuất bản bộ sách tư liệu “Những lá thư và Nhật ký thời chiến Việt Nam”, chuẩn bị thành lập “Trung tâm Tư liệu và Không gian Văn hóa Trái tim nguời lính”.
Các hoạt động không chỉ kết nối các CCB từ nhiều phía, để góp phần hàn gắn vết thương hậu chiến tranh và hoà hợp dân tộc mà "Trái tim người lính" còn hướng tới đối tượng là những người trẻ, đã, đang hoặc sẽ mặc áo lính; những người thân của lính, cùng những người yêu hòa bình trên khắp thế giới; góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết cộng đồng và ngoại giao nhân dân; lan toả những điều tốt đẹp trong xã hội...
BTC cũng giới thiệu cuốn sách cùng tên “Trái tim người lính Thủ đô”, do NXB Thanh niên cấp phép ấn hành. Ấn phẩm dày 344 trang, với 25 bài viết ký chân dung và tư liệu của gần 20 tác giả, do Nhà văn Trần Trọng Giá chủ biên. Cuốn sách khái quát phần nào vẻ đẹp tâm hồn, thông qua lịch sử, truyền thống của những người lính Thủ đô thời đại Hồ Chí Minh.
Nhà văn Đặng Vương Hưng phát biểu tại lễ ra mắt
Trong khuôn khổ lễ ra mắt, hưởng ứng cuộc vận động viết và sưu tầm kỷ vật “Tình yêu qua chiến tranh” (2020 - 2025) do Tổ chức “Trái tim Người lính” phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức, đoàn thân nhân gia đình Liệt sĩ Nguyễn Hồng Vũ gồm cụ bà Đặng Thị Nhâm (vợ liệt sĩ) và Đại tá Nguyễn Hồng Hải (con trai liệt sĩ) đã trao tặng 8 lá thư của liệt sĩ viết cho vợ và con trai trước khi hi sinh.
Cũng trong sự kiện này, CLB “Trái tim người lính Thủ đô” đã trao tặng tượng trưng “Tủ sách Đặng Thùy Trâm” trị giá 150 triệu đồng cho xã Đức Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.
Đại tá, Nhà văn Trần Trọng Giá, tân Chủ tịch CLB “Trái tim người lính Thủ đô” xúc động: “Để có được cuộc sống hoà bình hôm nay, Việt Nam đã trải qua những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Đó là những trang sử hào hùng dân tộc, được viết bởi xương máu của không biết bao nhiêu thế hệ đã hi sinh tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Không chỉ các anh hùng, liệt sĩ mặc áo lính mà nhiều người dân đã ngã xuống, để bảo vệ quê hương đất nước. Đặc biệt, Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến đã chứng kiến bao trận đánh ác liệt trong kháng chiến và công cuộc xây dựng hòa bình hôm nay. Chúng tôi tự thấy mình có trách nhiệm phải tri ân đồng đội, đặc biệt là những người lính đã dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cho quê hương đất nước. Chúng tôi phấn đấu trong 2 năm tới sẽ tổ chức những đoàn CCB và Văn nghệ sĩ đi thăm lại chiến trường xưa; mang tinh thần “Trái tim người lính” đến với Trường Sa; phối hợp với Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ tại Đại học Công nghệ Texas - Hoa Kỳ tiếp tục khai thác Hồ sơ Di sản chiến tranh Việt Nam”...
BẢO PHƯƠNG