Phố cổ Bao Vinh đã hết... “lãng quên”
VHO- Với hệ thống nhà cổ cùng lối kiến trúc độc đáo, lại nằm ở vị trí ven sông Hương vùng giáp ranh với TP.Huế nhưng phố cổ Bao Vinh gần như bị “bỏ quên” suốt một thời gian rất dài kéo theo nhiều ngôi nhà cổ bị xuống cấp mà người dân vẫn phải sống liều. Cũng có không ít ngôi nhà đã tháo dỡ để xây mới...
Phố cổ Bao Vinh ngày nay nhìn từ sông Hương
Trước tình thế này, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có cuộc họp nhằm xây dựng kế hoạch chi tiết để bảo tồn, phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch tại phố cổ Bao Vinh.
Năm 1999, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc quy hoạch chung Thành phố Huế đến năm 2020, trong đó khu phố cổ Bao Vinh là 2 trong 3 khu vực cần bảo tồn. Đến năm 2003, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có Quyết định 3032/QĐ-UBND về quy hoạch xây dựng bảo tồn và phát huy phố cổ Bao Vinh (xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà). Từ khi có quyết định này, người dân trong phố cổ rất vui mừng và kỳ vọng những ngôi nhà cổ sẽ được bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc của nhà cổ truyền thống xứ Huế. Thế nhưng, nhiều năm sau đó, việc bảo tồn nhà cổ tại đây chưa được triển khai đồng bộ nên nhiều ngôi nhà bị hư hại, xuống cấp nghiêm trọng. Một vài ngôi nhà được các tổ chức quốc tế hỗ trợ trùng tu; một số gia đình khá giả thì tự bỏ tiền để sửa chữa; phần lớn nhà còn lại thì hư hại, xuống cấp nghiêm trọng. Và cũng vì thế nên một số chủ nhà đã phải tháo bán hệ khung gỗ của nhà cổ để có kinh phí xây lại ngôi nhà bê-tông, đảm bảo an toàn cho gia đình trong những mùa mưa gió, bão lũ.
Theo các chuyên gia về kiến trúc, những ngôi nhà cổ truyền thống ở Bao Vinh có nét giống nhà cổ ở Hội An. Đó là những dãy nhà cổ được hình thành từ nhiều căn nhà rường cổ kiểu phố chợ, sườn gỗ, mái ngói thấp. Nhà được chia ra làm ba gian chính, cửa ở giữa, hai bên là cửa hàng. Dãy nhà ven sông Hương thì thiết kế theo nhà cổ tứ giác, mặt quay ra bờ sông. Nếu như trước đây, khu phố này nổi tiếng với thương cảng Thanh Hà và hệ thống hàng trăm ngôi nhà truyền thống rất đẹp thì đến năm 1991 còn khoảng 40 nhà, và bây giờ chỉ còn hơn chục ngôi nhà cổ “đúng nghĩa”. Những ngôi nhà cổ còn sót lại đã xuống cấp, nằm lọt thỏm giữa các dãy nhà cao tầng, với nhiều gam màu chói lạ.
Một trong những ngôi nhà cổ còn sót lại tại Bao Vinh
Gia đình ông Lê Quang Chất (73 tuổi) hiện sinh sống tại căn nhà cổ đặc trưng tại số 105 Bao Vinh thỉnh thoảng vẫn tiếp đón một số khách đến tham quan, tìm hiểu. Ông Chất kể rằng, nhiều ngôi nhà cổ ở đây đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều gia đình đã phải xây lại mới bằng bê-tông. Riêng gia đình ông thì may mắn được Thượng nghị viện Pháp hỗ trợ trùng tu vào năm 2008 nên mới giữ được “hồn cốt” của ông cha để lại. Người dân ở Bao Vinh rất mong chờ một kế hoạch bảo tồn, trùng tu đồng bộ để giữ gìn di sản quý của một phố cổ. Tại nội dung chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã nêu rõ sẽ đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị theo hướng xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố di sản quốc gia. Trong đó có bảo tồn 3 khu phố cổ gồm: Bao Vinh, Gia Hội, Chi Lăng...
Mới đây, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ trì cuộc họp với đại diện các Sở, ngành và chính quyền địa phương thị xã Hương Trà liên quan đến việc bảo tồn và phát huy giá trị phố cổ Bao Vinh. Lãnh đạo tỉnh này thống nhất sẽ triển khai phân luồng giao thông nhằm hạn chế các phương tiện vào khu vực phố cổ; đồng thời xây dựng dự án chỉnh trang đường Bao Vinh với việc giải tỏa các hộ dân lấn chiếm trên toàn tuyến, đặc biệt ở khu vực ven sông Hương. Việc nâng cấp, chỉnh trang đường Bao Vinh phải kết hợp với hình thành các tiện ích đô thị như bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng...
Một góc phố cổ Bao Vinh Ảnh: THÙY TRANG
Nhằm bảo tồn các nhà cổ truyền thống nơi đây, ông Phan Ngọc Thọ cũng đồng ý chủ trương bổ sung danh mục các nhà cổ ở khu vực Bao Vinh vào danh mục công trình được hưởng chính sách của Đề án phát huy giá trị nhà vườn Huế (đề án đã được tỉnh phê duyệt năm 2015). Ông Thọ đề nghị Sở KH&ĐT và UBND thị xã Hương Trà tổ chức thực hiện theo hình thức lập đề án riêng trình UBND tỉnh thông qua. Trước mắt, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thống nhất hỗ trợ 10 tỉ đồng để triển khai thực hiện đề án bảo tồn nhà cổ và đồ án thiết kế đô thị khu vực phố cổ Bao Vinh.
Tỉnh cũng đồng ý phát triển mô hình du lịch cộng đồng trên nền tảng bảo tồn phố cổ. Theo tìm hiểu, Công ty CP Đại Nam Thái y viện cũng đang xây dựng đề án giải pháp bảo tồn và phát triển du lịch phố cổ Bao Vinh trình UBND tỉnh. Trong đó, bao gồm việc bảo tồn các nhà cổ, phát huy các làng nghề truyền thống và thực hiện các dự án Dinh thự nông nghiệp để vừa tái định cư vừa khai thác du lịch đồng thời với phố cổ Bao Vinh. Về địa điểm nghiên cứu cho Dinh thự nông nghiệp, UBND thị xã Hương Trà đang rà soát để tham mưu vị trí phù hợp trình UBND tỉnh.
Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu UBND thị xã Hương Trà, Sở Xây dựng phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện để hoàn thành Kế hoạch triển khai quy hoạch trước 30.3; có đồ án thiết kế đô thị trước tháng 9.2020; làm cơ sở cho việc triển khai các dự án có liên quan trong năm 2020. Cùng với những kế hoạch hành động của địa phương, hy vọng rằng, những mong mỏi của người dân phố cổ Bao Vinh trong nhiều năm qua sẽ được thực hiện.
SƠN THÙY