Chương trình 06 của Thành uỷ Hà Nội:

Phát triển văn hoá, con người Thủ đô trong kỷ nguyên mới

ĐÌNH TOÁN

VHO - Sáng 28.3 tại Bảo tàng Hà Nội, Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025 đã tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình.

18/18 chỉ tiêu hoàn thành theo kế hoạch

Sau hơn 4 năm thực hiện, nhiều chỉ tiêu của chương trình cơ bản đã hoàn thành, tác động tích cực đến đời sống văn hóa, xây dựng con người Hà Nội thời đại mới, nhất là khi Thủ đô cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Phát triển văn hoá, con người Thủ đô trong kỷ nguyên mới - ảnh 1
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại Hội nghị

Theo Ban Chỉ đạo, đến nay, 18/18 chỉ tiêu của chương trình hoàn thành theo kế hoạch hằng năm, trong đó có 2 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Chương trình 06 đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả gắn với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, trọng tâm là xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh bằng các nội dung cụ thể như xây dựng gia đình văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa trong cộng đồng với các mô hình: Thôn, tổ dân phố 5 không, 3 sạch, Tổ dân phố, thôn không ma túy; xây dựng và giữ gìn ngõ phố sáng – xanh – sạch – đẹp”; xây dựng môi trường văn hóa học đường…

Chương trình triển khai thực hiện gắn với mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa và thành phố sáng tạo. Thành phố đã tổ chức 4 lễ hội thiết kế sáng tạo, thực hiện các sáng kiến gia nhập mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Xây dựng được các sản phẩm văn hóa và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, di sản Hà Nội, vừa có nhiều cơ hội tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, vừa tăng cường quảng bá bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội, nét đẹp của người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vừa phát triển kinh tế - xã hội, tạo nguồn động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng tỷ trọng đóng góp vào GRDP của thành phố.

Ngành Du lịch Thủ đô đã xây dựng những sản phẩm du lịch đem lại trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn cho khách, nhất là các hoạt động du lịch đêm, điển hình như tour Đêm Thiêng liêng tại di tích Hỏa Lò; tour đêm Giải mã Hoàng thành Thăng Long của Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long; tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám Tinh hoa đạo học

Phát triển văn hoá, con người Thủ đô trong kỷ nguyên mới - ảnh 2
Toàn cảnh Hội nghị

Một điểm nhấn khác trong phát triển sản phẩm du lịch là hình thành những tuyến du lịch văn hóa - làng nghề tại khu vực ngoại thành.

Trong lĩnh vực thể thao, thành phố đã ban hành kế hoạch đào tạo HLV, VĐV thành tích cao, trọng điểm với các môn ở Olympic và ASIAD. Thể thao thành tích cao được tập trung giữ vững.

Sự nghiệp TDTT cho mọi người được quan tâm đẩy mạnh; hoàn thành mục tiêu thành phố đề ra phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ người dân tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 42,5%, tỷ lệ số hộ gia đình tham gia đạt 32,5% trở lên.

Đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Hà Nội xác định là khâu đột phá, góp phần tạo nền tảng quan trọng để Thủ đô thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững.

Thành phố liên tục chỉ đạo, triển khai xây dựng nhiều mô hình mới, đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, chất lượng giáo dục mũi nhọn; tập trung đổi mới chương trình, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá.

Cùng với đó, chỉ đạo xây dựng trường tiên tiến, hiện đại nhiều cấp học; phát triển hệ thống trường chất lượng cao, trường học thông minh, phát triển hệ thống trường học ngoài công lập đáp ứng nhu cầu xã hội, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục, thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.

Nhìn thẳng vào hạn chế

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Ban Chỉ đạo chương trình đánh giá ở một số nơi, việc tổ chức thực hiện các nội dung của chương trình hiệu quả chưa cao, còn mang tính hình thức. Sự phối hợp của một số cơ quan, địa phương có lúc, có nơi còn chưa thường xuyên, hiệu quả.

Nhận thức và quyết tâm chính trị của một số cấp ủy Đảng, chính quyền về vai trò, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh theo tinh thần Chỉ thị 30 của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh tuy đã được nâng lên so với trước nhưng chưa đồng đều, đầy đủ và sâu sắc.

Phát triển văn hoá, con người Thủ đô trong kỷ nguyên mới - ảnh 3
Phát triển văn hoá, con người Thủ đô trong kỷ nguyên mới - ảnh 4

Chưa có giải pháp đột phá, hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp nghiêm trọng về một số mặt của văn hoá, đạo đức, lối sống.

Việc chăm lo xây dựng văn hóa trong kinh tế và chính trị nhiều nơi còn lúng túng, chưa có nhiều mô hình hiệu quả. Phát huy các giá trị văn hóa trong chính trị, phát triển kinh tế từ thành phố tới cơ sở thiếu sự đồng đều, cân đối.

Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật còn nhiều bất cập. Vai trò của văn hoá trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm; có lúc, có nơi còn có chiều hướng coi trọng chức năng giải trí đơn thuần.

Nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, nghệ thuật vẫn còn khiêm tốn. Cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển văn hóa, nghệ thuật còn chưa đồng bộ.

Phát triển văn hoá, con người Thủ đô trong kỷ nguyên mới - ảnh 5
Phát triển văn hoá, con người Thủ đô trong kỷ nguyên mới - ảnh 6
Các đại biểu trình bày tham luận tại Hội nghị

Chính sách ưu đãi, tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp văn hóa chưa được bổ sung, hoàn thiện kịp thời. Thị trường văn hóa nhìn chung còn manh mún, tự phát, chưa tạo được bước đột phá.

Việc huy động và sử dụng các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khích lệ sáng tạo giá trị văn hóa mới, tiếp thu tinh hoa nhân loại, làm giàu văn hóa dân tộc, văn hóa Thăng Long - Hà Nội còn thiếu hiệu quả; chưa có được công trình văn hóa thực sự xứng tầm.

Khơi thông nguồn lực

Phát biểu kết luận và chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo chương trình Nguyễn Văn Phong khẳng định, Chương trình 06-CTr/TU là sự kế thừa, tiếp nối của nhiều chương trình trước đó về phát triển văn hóa, con người Thủ đô. Đây là một trong số ít các chương trình có đầy đủ nhất các cơ chế, chính sách, quan điểm chỉ đạo về mặt chính trị, pháp lý và nguồn lực.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho hay, về cơ bản, chương trình đã đạt được các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra. Quá trình thực hiện chương trình có được sự nhận thức sâu sắc, toàn diện, từ cấp thành phố đến cơ sở; có được sản phẩm cụ thể, khẳng định được uy tín, thương hiệu, vị thế của Hà Nội nhất là về năng lực tổ chức các sự kiện lớn, quy mô quốc tế.

Phát triển văn hoá, con người Thủ đô trong kỷ nguyên mới - ảnh 7
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trao bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình 06

Các sản phẩm văn hóa đã đóng góp tích cực vào sự phát triển văn hóa - xã hội Thủ đô, cũng như định hướng phát triển trong tương lai, góp phần khơi nguồn sáng tạo trong xã hội, các tầng lớp nhân dân, nhất là đội ngũ văn nghệ sĩ, các làng nghề và đặc biệt trong giới trẻ.

Những tư tưởng, định hướng lớn về văn hóa, con người Hà Nội đã được cụ thể hóa thành tư tưởng, quan điểm chỉ đạo, triết lý quy hoạch của thành phố.

Ông Nguyễn Văn Phong cũng nhấn mạnh, nhờ chương trình, tầm nhìn của Thủ đô về phát triển văn hóa, con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã có chiến lược và sự dài hơi hơn; cập nhật tiến bộ của văn minh nhân loại… Từ đó, phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa.

Phát triển văn hoá, con người Thủ đô trong kỷ nguyên mới - ảnh 8
Phát triển văn hoá, con người Thủ đô trong kỷ nguyên mới - ảnh 9
Không gian văn hóa Hà Nội trong khuôn khổ Hội nghị

Ngoài ra, thành phố đã bước đầu ứng dụng CNTT trong số hóa, chuyển đổi số trong giáo dục, văn hóa, đặc biệt là số hóa các di tích, di sản văn hóa phi vật thể…

Trong giai đoạn tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị, phải tiếp tục cụ thể hóa những vấn đề về phát triển văn hóa, giáo dục, du lịch vào các quy hoạch, mục tiêu phát triển của Thủ đô.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục đào tạo, phát triển nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, thúc đẩy hội nhập quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương trong nước và quốc tế để làm phong phú, khơi nguồn, cập nhật, phát triển vốn quý văn hóa của Thủ đô.

Từ đó, để văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng trong xây dựng và phát triển Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại - người dân hạnh phúc; để Hà Nội trở thành một điểm sáng về phát triển văn hóa, điểm đến của bạn bè quốc tế.

Nhân dịp này, Thành ủy Hà Nội đã biểu dương, khen thưởng, tặng bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy cho 10 tập thể, 10 cá nhân. UBND Thành phố tặng bằng khen cho 20 tập thể, 20 cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình số 06-Tr/TU của Thành ủy.