Nghề làm nhang ở Tây Ninh:

Phát triển du lịch làng nghề gắn với bảo lưu văn hóa truyền thống

THÙY TRANG

VHO - Bộ trưởng Bộ VHTTDL vừa có quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề thủ công truyền thống - Nghề làm nhang tỉnh Tây Ninh.

Phát triển du lịch làng nghề gắn với bảo lưu văn hóa truyền thống - ảnh 1
Một cơ sở làm nhang ở Tây Ninh

Nghề làm nhang ở Tây Ninh là một trong những nghề thủ công truyền thống tồn tại từ xưa đến nay, thể hiện đậm nét đặc trưng văn hóa - tâm linh của cư dân địa phương.

Theo hồ sơ di sản, nghề làm nhang truyền thống ở Tây Ninh tập trung ở thị xã Hòa Thành, huyện Dương Minh Châu, thị xã Trảng Bàng, huyện Gò Dầu, TP Tây Ninh và huyện Tân Biên.

Nhang ở Tây Ninh chỉ có 2 màu đặc trưng là vàng và nâu. Theo đó, để làm ra những cây nhang thì người ta sẽ đi thu gom lá gòn về phơi khô, rồi đem xay nhuyễn thành bột. Sau đó đem đi trộn với nước và cho thêm bột quế hoặc bột trầm vào để tạo mùi thơm.

Chính vì vậy, mùi hương của nhang không nồng đậm mà cực kỳ nhẹ nhàng, dễ chịu. Ngoài những vấn đề về kỹ thuật như đã nêu, thì người làm nhang ở Tây Ninh còn có những quan niệm, ý nghĩa biểu trưng trong văn hóa rất đặc sắc qua kích thước của cây nhang, từ đó thể hiện ước mong của họ về một cuộc sống an vui, sung túc.

Trong nếp sống của người Việt, hương là biểu tượng của sự thiêng liêng, thành kính, là cầu nối giữa thế giới thực tại với chốn u linh thần bí.

Đặc biệt hơn, Tây Ninh được mệnh danh là “vùng đất Thánh” của đạo Cao Đài - nơi có số lượng tín đồ đông đảo nhất cả nước. Vì vậy, hơn trăm năm qua, tại Tây Ninh, nghề làm hương truyền thống của làng vẫn tồn tại và thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của mình.

Phát triển du lịch làng nghề gắn với bảo lưu văn hóa truyền thống - ảnh 2
Nhang ở Tây Ninh chủ yếu màu vàng và nâu

Nghề làm nhang ở Tây Ninh còn thể hiện rất rõ đặc thù gốc tích nông nghiệp như dụng cụ, nguyên liệu, giá trị sử dụng. Những sản phẩm từ nghề truyền thống này có vai trò quan trọng trong việc phục vụ đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội không chỉ của người dân Tây Ninh nói riêng mà cả cộng đồng nói chung.

Trải qua quá trình dài hình thành và phát triển, dù qua các hình thái kinh tế xã hội hay các phương thức sản xuất khác nhau, thì nghề làm nhang ổ Tây Ninh vẫn tồn tại một cách bền vững và trở thành một trong những làng nghề làm nhang nổi tiếng nhất ở Nam Bộ.

Theo thống kê sơ bộ trong năm 2023 của Sở VHTTDL, Tây Ninh hiện có 34 cơ sở sản xuất nhang, trong đó tập trung nhiều nhất là thị xã Hoà Thành và huyện Dương Minh Châu. Những hộ này mỗi năm xuất ra thị trường khoảng 200 tấn nhang các loại.

Nghề truyền thống làm nhang là đã góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế của địa phương, góp phần giải quyết việc làm cho lực lượng lao động nhàn rỗi, giúp họ có được việc làm và nguồn thu nhập ổn định.

Thông qua hoạt động của làng nghề đã tạo điều kiện cho tỉnh hình thành và phát triển loại hình du lịch làng nghề, vừa tạo tour tuyến du lịch hấp dẫn, vừa tạo môi trường và thị trường tiêu thụ sản phẩm, giúp nghề làm nhang phát triển bền vững, góp phần to lớn trong việc giữ gìn, bảo lưu nét văn hóa độc đáo của người dân Tây Ninh nói chung.

Theo hồ sơ di sản, nghề làm nhang truyền thống ở Tây Ninh tập trung ở thị xã Hòa Thành, huyện Dương Minh Châu, thị xã Trảng Bàng, huyện Gò Dầu, TP Tây Ninh và huyện Tân Biên.

Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xuất khẩu trong và ngoài nước đã giúp cho hình ảnh nghề làm nhang ở Tây Ninh vượt ra khỏi phạm vi của một tỉnh ở miền Đông Nam Bộ.

Di sản văn hóa phi vật thể nghề làm nhang ở Tây Ninh là tiềm năng, là động lực khi các chủ thể phát huy thích hợp với thời buổi kinh tế thị trường hôm nay.

Bên cạnh đó, thông qua các đối tượng du khách, hình ảnh và sản phẩm của nghề được quảng bá trực tiếp góp phần khai thác lợi thế về du lịch của địa phương.

Nghề làm nhang ở Tây Ninh hiện nay vẫn đang tồn tại và phát triển, nhưng những người theo nghề chủ yếu là người trung niên và cao tuổi. Có rất ít người trẻ tham gia, bởi nghề này không mang lại thu nhập cao cho họ.

Phát triển du lịch làng nghề gắn với bảo lưu văn hóa truyền thống - ảnh 3
Công đoạn phơi nhang

Ngoài ra, việc hỗ trợ của máy móc trong nhiều công đoạn để tăng năng suất đã làm giảm đi sức lao động một cách đáng kể.

Do đó, cũng như nhiều di sản văn hóa phi vật thể khác, nghề làm nhang ở Tây Ninh đang đứng trước những thách thức mới trong vấn đề bảo vệ, hội nhập và phát triển.

Theo người dân nơi đây, trước đây cứ đến mùa cao điểm như dịp Tết, cả xóm làm nhang lại nhộn nhịp, tất bật làm việc.

Khắp ngóc ngách, các con đường nhang phơi rực rỡ, tỏa ra mùi hương ngào ngạt. Nhưng giờ đây, không còn cảnh đó nữa, người làm càng ngày càng ít.

Theo kết quả kiểm kê của Sở VHTTDL tỉnh Tây Ninh, trước thời điểm dịch Covid-19, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm hộ làm nhang, nhưng hiện nay, chỉ còn lại 34 hộ.

Cụ thể như: thị xã Hòa Thành có 18 hộ; thị xã Trảng Bàng 1 hộ; TP Tây Ninh 1 hộ; huyện Tân Biên 1 hộ; huyện Gò Dầu 2 hộ; huyện Dương Minh Châu 11 hộ.

Phát triển du lịch làng nghề gắn với bảo lưu văn hóa truyền thống - ảnh 4
Các bạn trẻ nối tiếp nghề truyền thống địa phương

Tại các nơi có nghề truyền thống này, hầu như ít người trẻ theo nghề mà chủ yếu là người trung niên, cao tuổi.

Người trẻ chọn công việc ổn định, lương cao, đảm bảo được cuộc sống, vì thế họ không còn mặn mà với nghề truyền thống làm nhang nữa. Ông cha muốn dạy, truyền lại nhưng ít người chịu học.

Với sự quan tâm của các ban ngành liên quan, nghề làm nhang trong những năm qua cũng có nhiều khởi sắc, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Các địa phương đã có những hỗ trợ về vốn để mua nguyên liệu, dụng cụ, cũng như mở lớp tập huấn trang bị những kiến thức, kỹ năng trong việc làm nhang… nhưng không thường xuyên, nên cũng ít thu hút sự tham gia của người dân.

Việc đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm còn chậm so với nhu cầu thị trường và thị hiếu người tiêu dùng trong thời kỳ cạnh tranh với sản phẩm khác hiện nay.  

Bên cạnh đó, khó khăn lớn nhất đối với người dân vẫn là vấn đề nguồn vốn.

Đa phần người làm nhang là những hộ gia đình, sản xuất nhỏ lẻ và mang tính tự phát, thiếu vốn sản xuất nên không mở rộng qui mô sản xuất... Đây là một thách thức lớn trong việc cạnh tranh với thị trường và duy trì nghề truyền thống.

Được biết, Sở VHTTDL tỉnh đã triển khai công tác kiểm kê, tư liệu hóa về nghề làm nhang. Về đầu ra cho sản phẩm, UBND tỉnh Tây Ninh, UBND các huyện, thị xã nơi có nghề làm nhang cũng đã hỗ trợ cộng đồng đưa sản phẩm nghề tham gia các kỳ hội chợ của các tỉnh, thành trên cả nước.

Ngoài ra còn hỗ trợ cho những người làm nghề đem những sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại như các trang thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiktok... cũng như đưa vào các siêu thị.

Với hình thức sản xuất hàng hóa theo nhu cầu của thị trường, một số sản phẩm từ nhang đã có mặt trong các hội chợ, nhà hàng, khách sạn… thông qua các công ty du lịch trên khắp cả nước.

Phát triển du lịch làng nghề gắn với bảo lưu văn hóa truyền thống - ảnh 5
Thông qua hoạt động của làng nghề đã tạo điều kiện cho tỉnh hình thành và phát triển loại hình du lịch làng nghề, góp phần to lớn trong việc giữ gìn, bảo lưu nét văn hóa độc đáo của người dân Tây Ninh

Sở VHTTDL tỉnh, Bảo tàng tỉnh tổ chức, hỗ trợ cộng đồng thực hiện các trưng bày, trình diễn về nghề làm nhang…, góp phần bảo vệ và quảng bá nghề làm nhang ở Tây Ninh đến với đông đảo người dân và du khách.

Cùng với đó, các Sở Công thương, Sở NN&PTNT, Phòng Kinh tế các huyện, thị xã nơi có các hộ làm nghề nhang cũng đã mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kinh nghiệm cho thanh niên trẻ tại địa phương nhằm tạo lực lượng kế thừa cho nghề làm nhang.