Rộn ràng làng nghề truyền thống
VHO - Một mùa xuân nữa lại về, mang theo bao niềm vui và hy vọng của người dân làng nghề truyền thống Đà Nẵng với niềm tin vừa giữ lửa nghề, vừa mang sản phẩm quảng bá trên khắp thị trường trong và ngoài nước, mong muốn ẩm thực truyền thống miền Trung luôn đọng lại dư vị ấn tượng, khó quên trong lòng người tiêu dùng gần xa.
Những ngày này, làng nghề truyền thống tại Đà Nẵng lại đỏ lửa, rộn ràng tấp nập chuẩn bị cho một cái Tết nữa đang cận kề. Đây là thời điểm các làng nghề, cơ sở sản xuất bánh tráng, bánh khô mè, nước mắm Nam Ô, Mân Thái, bánh tráng Hòa Vang... ở thành phố Đà Nẵng bước vào cao điểm, khẩn trương đảm bảo đơn hàng để phục vụ trong dịp Tết, người lao động cũng kỳ vọng những sản phẩm chất lượng, bắt mắt, mang đậm chất miền Trung ngày càng vươn xa khắp cả nước. Tại làng bánh khô mè Cẩm Lệ, sản phẩm bánh khô mè "Bà Liễu Mẹ" vẫn được thị trường ưa chuộng nhất.
Anh Nguyễn Đức Sol, chủ cơ sở sản xuất bánh khô mè "Bà Liễu Mẹ" cho biết, ngày thường, cơ sở sản xuất tầm 2.000 sản phẩm đóng gói, nhưng vào dịp cận Tết, thị trường bán chạy nên cơ sở sản xuất tăng lên 5.000 sản phẩm/ngày. Dịp Tết này, cơ sở sản xuất bánh khô mè "Bà Liễu Mẹ" tạo việc làm cho 30 lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định. Nói đến nghề truyền thống của gia đình, anh Nguyễn Đức Sol tự hào cho biết sản phẩm bánh khô mè bà Liễu Mẹ đã được nhiều địa phương biết đến, du khách cũng tìm đến tận nơi để mua:
Những mẻ bánh tráng Hòa Vang sẵn sàng phục vụ Tết
“Hiện nay các đơn hàng đi các tỉnh, thành nhiều. Năm ngoái chúng tôi sản xuất khoảng 300.000 sản phẩm dịp Tết, hiện tại đến hôm nay sản xuất gần 360.000 sản phẩm. Những người làm nghề chúng tôi cũng mong muốn chính quyền quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện hơn nữa để tăng cao mức tiêu thụ, người dân, du khách được trải nghiệm rộng rãi về sản phẩm, biết thêm về làng nghề”, anh Sol nói.
Tại huyện Hòa Vang, nơi nổi tiếng với nghề làm bánh tráng, từ sáng sớm, chái bếp của các gia đình đã tỏa khói thơm để làm những mẻ bánh mới kịp giao cho khách hàng ở xa. Cả tháng nay, mẹ con chị Nguyễn Đặng Thái Hoà (xã Hoà Phong, huyện Hoà Vang) phải dậy từ 2 giờ sáng để xay bột, nhóm lò, tráng bánh...
Chị Hòa chia sẻ: “Để chiếc bánh được thơm ngon thì nguyên liệu chính phải là gạo xiệc, loại gạo quê chính gốc xứ Quảng, thêm gia vị đặc trưng như gừng, tỏi, nước mắm và đường; tuyệt đối không phơi nắng mà phải sấy trên bếp than hồng. Giá sản phẩm là 220.000 đồng/chục. Dịp Tết này có khách đặt nhiều, do vậy gia đình tôi tăng sản lượng bánh nhiều hơn mấy năm trước, chúng tôi phải thuê thêm người làm mới kiph tiến độ để giao đúng hẹn cho khác. Tuy giá có tăng hơn năm ngoái nhưng làm đến đâu chúng tôi bán hết đến đấy nên rất phấn khởi và có động lực giữ nghề”.
Vụ bánh tráng mùa tết đã được gia đình chị chuẩn bị kỹ càng từ tháng 8 hàng năm, nhờ chất lượng luôn được đảm bảo nên nhiều năm nay gia đình chị cũng ổn định hơn nhờ làm nghề bánh tráng nghề truyền thống.
Những ngày giáp tết, hàng nghìn chai nước mắm Nam Ô đang “chạy đua” cùng thời gian để cung cấp cho thị trường lớn như Hà Nội, Sài Gòn, xa hơn nữa là xuất khẩu sang Nhật Bản, Thái Lan... Hiện toàn Nam Ô có trên dưới 40 lò nước mắm truyền thống, mỗi năm đưa ra thị trường hàng chục ngàn lít. Theo các chủ cơ sở sản xuất nước mắm Nam Ô, trong dịp Tết bà con phải ủ chiết hàng nghìn lít nước mắm mới đủ cung cấp cho thị trường, trong khi những tháng bình thường trong năm chỉ khoảng vài trăm lít.
Không chỉ bán theo kênh truyền thống ở các chợ, nước mắm Nam Ô còn dần xuất hiện với tần suất liên tục tại các siêu thị, hội chợ quy mô, đặc biệt hơn, vào dịp Tết, nước mắm Nam Ô chủ yếu được người tiêu dùng mua làm quà tặng dưới mẫu mã được trang trí đẹp đẽ.
Tại thành phố Đà Nẵng có khoảng 16 làng nghề truyền thống, nổi tiếng là làng nghề truyền thống như làng Đá Non Nước, làng bánh tráng Hoà Phong, làng bánh khô mè Bà Liễu Mẹ. Đứng trước nguy cơ những nghề truyền thống bị mai một theo thời gian, những năm qua, các ngành chức năng thành phố Đà Nẵng luôn đồng hành hỗ trợ thiết bị máy móc, vay vốn ưu đãi vốn, hỗ trợ kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm giúp họ yên tâm sản xuất.
Ông Nguyễn Hữu Thiết, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng thông tin: “Chủ trương của Hội Nông dân TP là đang chỉ đạo các quận, huyện Hội tham mưu cho cấp uỷ Đảng và chính quyền khôi phục các làng nghề truyền thống và sản phẩm của họ tiếp cận được thị trường. Dần dần khôi phục các làng nghề truyền thống gắn với du lịch sinh thái. Hội Nông dân thành phố tổ sẽ tổ chức nhiều phiên chợ giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP, đặc biệt hỗ trợ quảng bá tiêu thụ sản phẩm cho các làng nghề”.
Để giữ nghề và sản phẩm truyền thống được tiến xa hơn nữa, không chỉ cần đôi bàn tay khéo léo, niềm đam mê mà người dân cần được tạo điều kiện hỗ trợ thêm về vốn, kết nối thị trường để tạo đà phát triển mạnh hơn nữa trong tương lai.
MINH CHÂU