Phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến

MINH NGỌC, ảnh: TRẦN HUẤN, XUÂN TRƯỜNG

VHO - Nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng ngành VHTTDL năm 2024, mới đây, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị Tập huấn về nội dung công tác này.

Phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến - ảnh 1
Tại Hội nghị tuyên dương Gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023

Hội nghị Tập huấn được triển khai trong bối cảnh một loạt các văn bản quy định pháp luật mới liên quan đến thi đua, khen thưởng được ban hành như Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2022; Nghị định số 98/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng; Thông tư số 01/2024/TT- BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ…

Các văn bản pháp quy này cần được quán triệt nhằm nâng cao hiểu biết, cập nhật thêm những kiến thức mới, nhận thức mới để triển khai thực hiện, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khách quan minh bạch, các nguyên tắc trong thi đua khen thưởng của toàn ngành. Qua đó khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện công tác chuyên môn.

Một số nội dung mới tại Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 là nội dung quan trọng được chuyển tải tới các học viên lớp Tập huấn gồm các lãnh đạo, đại diện các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL; các Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Một trong những điểm mới của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 là thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong công tác thi đua, khen thưởng.  Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2022 quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả công tác thi đua, khen thưởng; phát hiện cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích để khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng; nhân rộng điển hình tiên tiến; đánh giá thành tích; chịu  trách nhiệm về quyết định khen thưởng và việc trình cấp trên khen thưởng. 

Phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến - ảnh 2
Hội nghị Tập huấn nghiệp vụ công tác thi đua, khen thưởng ngành VHTTDL

 Người đứng đầu cơ quan, tổ chức tham mưu, giúp việc về công tác thi đua, khen thưởng có trách nhiệm phát hiện cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc, tiêu biểu để đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng (khoản 6, Điều 83). Cơ quan báo chí tích cực tham gia phát hiện cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích xuất sắc (khoản 4 Điều 13). 

Luật Phân cấp cho Bộ, ban, ngành, tỉnh theo hướng Luật quy định tiêu chuẩn chung đối với các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; đồng thời giao Bộ, ban, ngành, tỉnh trên cơ sở quy định chung của Luật, căn cứ đặc điểm, tình hình của từng đối tượng, lĩnh vực, ngành nghề để quy định cụ thể một số nội dung được giao trong Luật, phù hợp với từng vùng miền, ngành nghề lĩnh vực.  

Thể hiện rõ nguyên tắc thành tích đến đâu, khen đến đó, đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được để khắc phục tình trạng khen thưởng “tích lũy thành tích, cộng dồn thành tích” trước đây. 

Nguyên tắc “thành tích đến đâu khen thưởng đến đó”  được thể hiện trong các điều, khoản của từng hình thức khen thưởng được quy định trong Luật về tiêu chuẩn, thành tích đạt được và điều kiện, hoàn cảnh cụ thể lập được thành tích. Đặc biệt, Luật đã bổ sung quy định “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” là tiêu chuẩn có thể thay thế nếu không có sáng kiến, đề tài, đề án.  

Đáng chú ý là nội dung đưa phong trào thi đua hướng về cơ sở, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, thiết thực, gắn với lợi ích của người trực tiếp tham gia thi đua, hạn chế tính hình thức trong thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở 4 khâu: phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến.

(Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện)