Những miền nhớ trong “Ký ức Hà Nội”

BẢO NGÂN

VHO - Ngày 24.10, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt phối hợp với Sở TTTT Hà Nội tổ chức lễ trao giải cuộc thi viết "Ký ức Hà Nội" lần thứ III. Những câu chuyện không chỉ nhắc nhớ về ký ức, nét sinh hoạt đặc trưng của Hà Nội mà còn khắc họa những giá trị văn hóa lịch sử, cảnh quan, kiến trúc và di sản quý giá… của thành phố ngàn năm văn hiến.

Những miền nhớ trong “Ký ức Hà Nội” - ảnh 1
Tác giả Nguyễn Thị Thanh Hương, người đoạt giải Nhất cuộc thi với tác phẩm "Câu chuyện nạn đói năm 1945 và giây phút chạm má vào huy chương ngày Giải phóng Thủ đô"

Cuộc thi viết "Ký ức Hà Nội" lần thứ III được phát động từ tháng 7.2024, hướng đến Kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10.10.1954 – 10.10.2024).

Cuộc thi viết "Ký ức Hà Nội" lần thứ III tiếp tục thu hút sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước, với số lượng tác phẩm đa dạng, có chất lượng.

Sau hơn 3 tháng phát động, BTC đã tiếp nhận hơn 700 tác phẩm dự thi,  nhiều tác phẩm chất lượng, có chiều sâu, góc nhìn, tư liệu quý về lịch sử, quá trình phát triển của Thủ đô Hà Nội.

Trong đó, tác giả nữ chiếm 55% tổng số tác giả gửi bài dự thi. Tác giả cao tuổi nhất là PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thị Thanh Hương, nguyên giảng viên cao cấp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Những miền nhớ trong “Ký ức Hà Nội” - ảnh 2
Nhà báo Nguyễn Văn Hoài, Tổng biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, Trưởng BTC phát biểu tại lễ trao giải

Tác giả nhỏ tuổi nhất gửi bài là Phạm Gia Nhi, học sinh lớp 10B1, Trường THPT Mai Sơn, huyện Mai Sơn, Sơn La.

 Người gửi nhiều bài dự thi nhất là tác giả Đinh Thành Trung, với 20 bài viết. Cuộc thi nhận được bài viết của các tác giả ở Đức, Anh, Nhật, Hàn Quốc...

Nhà báo Nguyễn Văn Hoài, Tổng biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, Trưởng BTC cho biết: "Một trong những nét mới của cuộc thi năm nay là sự tham gia đông đảo của các bạn trẻ, những người tâm huyết với ký ức cũng như sự phát triển của Thủ đô".

Có rất nhiều tác phẩm, nhiều bài viết về ký ức Hà Nội trong những ngày kháng chiến, những ngày giải phóng Thủ đô, qua đó, thấy được sự quan tâm của các bạn trẻ dành cho Hà Nội.

Điều này cũng khẳng định, cuộc thi đã góp phần giá trị trong việc vun đắp tâm hồn của người trẻ, để họ hiểu về Hà Nội, thêm yêu và tự hào về Hà Nội.

Những miền nhớ trong “Ký ức Hà Nội” - ảnh 3
BTC trao giải Nhì cho các tác giả

Cuộc thi đã tuyển chọn 23 bài dự thi qua vòng sơ loại để lựa chọn ra 11 tác phẩm chất lượng để trao giải. Trong đó, giải nhất được trao tác giả Nguyễn Thị Thanh Hương với tác phẩm "Câu chuyện nạn đói năm 1945 và giây phút chạm má vào huy chương ngày Giải phóng Thủ đô". 

Ngoài ra có 2 giải nhì, 3 giải ba và 5 giải khuyến khích.

 Trưởng BGK, nhà thơ Trần Đăng Khoa đánh giá, các bài dự thi năm nay có nhiều bài viết chất lượng tốt, mặt bằng đồng đều hơn, ghi lại vẻ đẹp của Hà Nội ở nhiều góc cạnh khác nhau.

Có thể kể đến các tác phẩm như "Câu chuyện nạn đói năm 1945 và giây phút chạm má vào huy chương ngày Giải phóng Thủ đô"; "Lòng hiếu khách của người Tràng An"; "Lược sử nghìn năm của Thủ đô viết qua tên phố"; "Phố B52" mùa đông năm 1972, lời dặn và bức thư của bố".

"Các tác phẩm tham dự cuộc thi là những nét bút chớp nhanh, ghi lại những vẻ đẹp mong manh, dễ hòa tan của Hà Nội để giữ lại, đặc biệt là những ký ức Giải phóng Thủ đô Hà Nội. Trong đó, tác phẩm dành được điểm cao nhất có những chi tiết đắt giá mà nếu không phải người trong cuộc sẽ không biết được…", nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.

Những ký ức giản dị đó đã khắc tạo nên những miền nhớ sâu thẳm đối với mỗi con người đã từng sống và gắn bó với Hà Nội. Như KTS Nguyễn Trần Đức Anh, tác giả đoạt giải Ba với tác phẩm “Ngã ba cầu thang chung cư tập thể thời bao cấp, nơi chẳng của riêng ai” đã khắc họa lại một không gian đậm chất Hà Nội.

Những miền nhớ trong “Ký ức Hà Nội” - ảnh 4
Trao giải Ba cho các tác giả

Tác phẩm không chỉ đơn thuần mô tả cầu thang chung cư như một nơi sinh hoạt mà còn là không gian sẻ chia, nơi hội tụ những mảnh ghép cuộc sống trong thời kỳ bao cấp đầy khó khăn.

“Ngã ba hành lang  như một không gian cộng đồng thân thiết, là sân chơi cuốn hút của những đứa trẻ như tôi thời ấy. Hình ảnh đó vẫn luôn sống động và là những kỷ niệm quý giá trong ký ức của tôi”, KTS  Nguyễn Trần Đức chia sẻ.

Á hậu Nguyễn Trần Huyền My, chủ nhân tác phẩm “Ngõ nhỏ cổ kính len lỏi trong phố cổ Hà thành”, đoạt giải Khuyến khích, chia sẻ: “Là một người đam mê ẩm thực, tôi tin rằng con đường ẩm thực là một trong những cách nhanh nhất để chạm đến trái tim mọi người. Chính vì vậy, tôi đã chọn viết về phở, món ăn biểu tượng của Hà Nội”.

Cuộc thi viết "Ký ức Hà Nội" không chỉ là một sân chơi sáng tạo cho các tác giả mà còn là nơi để những ký ức về Thủ đô được lưu giữ và lan tỏa, góp phần xây dựng hình ảnh Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc