Nhấn mạnh giá trị, đóng góp của các ngành công nghiệp văn hoá cho phát triển kinh tế - xã hội

ĐÌNH TOÁN

VHO - Chiều 14.10 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong đã chủ trì buổi làm việc của Ban soạn thảo, Tổ biên tập Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cùng dự có đại diện các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL; các Bộ, ngành liên quan.

Nhấn mạnh giá trị, đóng góp của các ngành công nghiệp văn hoá cho phát triển kinh tế - xã hội - ảnh 1
Thứ trưởng Hồ An Phong phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Theo đó, Chiến lược xác định mục tiêu và định hướng phát triển các ngành công nghiệp văn hoá (CNVH) Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đề xuất các mục tiêu cụ thể của các ngành CNVH đạt được đến năm 2030 trên cơ sở thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chung, giải pháp cụ thể phù hợp, khả thi trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Xác định vai trò và đề xuất nhiệm vụ cụ thể của các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương trong việc phát triển các ngành CNVH.

Chiến lược cũng nhấn mạnh việc phát triển các ngành CNVH để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mang giá trị văn hoá Việt Nam; đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ văn hoá của người dân; góp phần thúc đẩy kinh tế và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, định vị thương hiệu và vị trí quốc gia trên trường quốc tế.

Nhấn mạnh giá trị, đóng góp của các ngành công nghiệp văn hoá cho phát triển kinh tế - xã hội - ảnh 2
Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng trình bày báo cáo

Xây dựng Chiến lược trong giai đoạn mới nhằm đưa các ngành CNVH của Việt Nam phát triển theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu, xác lập thương hiệu cho sản phẩm, dịch vụ CNVH trên thị trường quốc tế.

Theo Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) Trần Hoàng, quan điểm của Chiến lược là sẽ thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, dựa trên đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người Việt Nam; tạo nên sức mạnh nội sinh, trở thành động lực quan trọng, quyết định phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Phát triển các ngành CNVH theo hướng chuyên nghiệp, có tính chuyên môn cao và đồng bộ; theo đúng quy luật phát triển của CNVH trên thế giới và phù hợp với các quy luật của kinh tế thị trường, luật pháp trong nước và quốc tế.

Nhấn mạnh giá trị, đóng góp của các ngành công nghiệp văn hoá cho phát triển kinh tế - xã hội - ảnh 3
Nhấn mạnh giá trị, đóng góp của các ngành công nghiệp văn hoá cho phát triển kinh tế - xã hội - ảnh 4

Cùng với đó, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và khai thác, phát huy tối đa các giá trị văn hóa truyền thống, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở các vùng miền, địa phương; xử lý cân đối, hài hòa giữa lợi ích kinh tế, kinh doanh với mục đích văn hóa, giáo dục.

Với những ý nghĩa quan trọng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng mong muốn trong quá trình xây dựng dự thảo Chiến lược, các thành viên của Ban soạn thảo, Tổ biên tập sẽ nhận được những ý kiến đóng góp; giúp Chiến lược đảm bảo yếu tố khoa học, phù hợp với tình hình thực tế, thúc đẩy sự phát triển của các ngành CNVH theo hướng đồng bộ và hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Ngoài ra, quảng bá được sự đa dạng của văn hoá Việt Nam, tiếp tục phát huy nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã cho ý kiến đóng góp về dự thảo đề cương báo cáo xây dựng Chiến lược.

Nhấn mạnh giá trị, đóng góp của các ngành công nghiệp văn hoá cho phát triển kinh tế - xã hội - ảnh 5
Nhấn mạnh giá trị, đóng góp của các ngành công nghiệp văn hoá cho phát triển kinh tế - xã hội - ảnh 6
Các đại biểu cho ý kiến về dự thảo đề cương báo cáo xây dựng Chiến lược

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong đánh giá cao nỗ lực của Cục Bản quyền tác giả trong xây dựng dự thảo đề cương báo cáo xây dựng Chiến lược.

Thứ trưởng Hồ An Phong cho biết, việc xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm đưa ra những giải pháp, chiến lược cụ thể để tạo “sức bật” cho các ngành CNVH của nước ta trong thời gian tới.

Thứ trưởng đánh giá, việc xây dựng Chiến lược là công việc khó, có tính chuyên môn cao. CNVH là lĩnh vực rộng, có sự liên quan đến nhiều Bộ, ngành.

Do đó, Thứ trưởng đề nghị Cục Bản quyền tác giả chủ động phối hợp với đơn vị thuộc Bộ VHTTDL, các Bộ, ngành liên quan trong quá trình xây dựng Chiến lược.

Nhấn mạnh giá trị, đóng góp của các ngành công nghiệp văn hoá cho phát triển kinh tế - xã hội - ảnh 7
Toàn cảnh buổi làm việc

Các nội dung trong Chiến lược phải có sự nghiên cứu kỹ; có đánh giá, phân tích cụ thể dựa trên tình hình thực tế; kế thừa những kết quả đã làm được trong giai đoạn trước và nghiên cứu bài học quốc tế; chú trọng yếu tố tăng cường hợp tác quốc tế.

Đặc biệt, phải theo đúng những chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về phát triển các ngành CNVH. Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu được, biến đây trở thành chiến lược cụ thể. Đồng thời, lựa chọn được những lĩnh vực trọng tâm của CNVH để phát triển.

Thứ trưởng cũng nêu rõ, Chiến lược phải khẳng định được tiềm năng, giá trị, đóng góp của các ngành CNVH trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Với những ý kiến đóng góp tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hồ An Phong đề nghị Ban soạn thảo, Tổ biên tập nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc; đảm bảo tiến độ, chất lượng xây dựng dự thảo Chiến lược.