Nhà hát Hồ Gươm: Thánh đường nghệ thuật trong trái tim Hà Nội
VHO - Nhà hát Hồ Gươm sau khai trương được kỳ vọng sẽ sớm trở thành cầu nối nghệ thuật giữa truyền thống và hiện đại. Thánh đường nghệ thuật trong trái tim Hà Nội sẽ không chỉ là niềm tự hào mà còn mang tới niềm hi vọng rằng nơi đây sẽ trở thành một di sản cho đời sau, giống như cách mà thánh đường nghệ thuật Nhà hát Lớn đã ghi dấu ấn trong lòng Hà Nội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các Bộ, ngành, TP. Hà Nội tại lễ khánh thành Nhà hát Hồ Gươm
Thánh đường nghệ thuật- Di sản cho đời sau
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Nhà hát Hồ Gươm là một thiết chế văn hoá với không gian văn hoá nghệ thuật hiện đại xen lẫn truyền thống, có cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại kết nối với công trình văn hoá lịch sử, cảnh quan kiến trúc quanh Hồ Gươm tạo thành một quần thể văn hoá của thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại và hoà bình. Có thể nói, đây là một trong những công trình kiến trúc văn hoá mang tính biểu tượng của lực lượng công an nhân dân, góp phần tô thắm biểu tượng của thành phố Hà Nội.
“Chúng ta thấy có sự kết hợp giữa tính dân tộc với sự hội nhập quốc tế, truyền thống dân tộc với tinh hoa nhân loại trong quá trình thiết kế, xây dựng, thi công, đặc biệt là kết hợp giữa âm thanh, ánh sáng, kiến trúc, hội hoạ…”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định.
Chia sẻ về công trình mang tính biểu tượng của Thủ đô này, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, kể từ khi xây dựng Nhà hát Lớn năm 1911 đến nay, Hà Nội chưa có thêm một nhà hát tầm cỡ thành phố nào. Dù Thủ đô đã có thêm nhiều không gian biểu diễn khác nhau nhưng thực tế, các địa điểm biểu diễn vẫn còn hạn chế về vị trí cũng như hạ tầng kỹ thuật chuyên dụng dành riêng cho Nhà hát.
Nhà hát Hồ Gươm ngoài việc đầu tư cho phần “vỏ” kiến trúc thì phần “lõi” cũng được chú trọng đặc biệt để đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe, tiêu chuẩn ngày càng cao của âm nhạc hiện đại. Trong đó, vấn đề công nghệ là một yếu tố quan trọng, giúp chúng ta bắt kịp và hội nhập với trình độ âm nhạc tiên tiến của thế giới.
Tiết mục biểu diễn tại lễ khánh thành Nhà hát Hồ Gươm
“Có thể nói, sau hơn 100 năm xây dựng Nhà hát Lớn, đến nay chúng ta mới lại thấy có thêm một Nhà hát vừa hiện đại vừa cổ điển, vừa ghi dấu ấn lịch sử Việt Nam, lại vừa kể được câu chuyện của hiện tại. Công trình này được xây dựng ngay trong không gian đậm văn hóa lịch sử, tạo nên sự hài hòa cho không gian quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, kết nối chặt chẽ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Chúng ta có quyền hi vọng rằng Nhà hát Hồ Gươm sẽ trở thành một di sản cho đời sau, giống như cách mà thành đường nghệ thuật Nhà hát Lớn đã ghi dấu ấn trong lòng Hà Nội vậy”, nhà sử học Dương Trung Quốc bộc bạch.
Khẳng định niềm tự hào khi dự lễ khánh thành Nhà hát Hồ Gươm, nghệ sĩ Piano Bùi Công Duy chia sẻ, bước vào Nhà hát, anh cảm nhận đây là một không gian thấm đẫm chất văn hóa, là niềm tự hào lớn của Hà Nội cũng như của quốc gia. “Tôi nghĩ Nhà hát Hồ Gươm sẽ là một biểu tượng của Thủ đô Hà Nội và Việt Nam, mang tầm quốc tế. Đây cũng là một sân khấu lớn, đẳng cấp dành cho các nghệ sĩ trong nước và quốc tế thể hiện tài năng…”, Bùi Công Duy bày tỏ.
Tiết mục biểu diễn tại lễ khánh thành Nhà hát Hồ Gươm
Gọi tên Nhà hát Hồ Gươm là Thánh đường nghệ thuật, diễn viên Bảo Thanh đến từ Diễn viên Nhà hát Công an nhân dân hào hứng: “Tôi hi vọng mong muốn một ngày sớm nhất sẽ được biểu diễn ở đây, chính tại Nhà hát Hồ Gươm để có thể thỏa sức sáng tạo trên thánh đường nghệ thuật này”.
Điểm đến thúc đẩy hợp tác quốc tế, phát triển du lịch
NSƯT Trần Ly Ly, Q. Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) vui mừng, chúng ta sẽ có thêm một thiết chế hiện đại để hoạt động văn hoá nghệ thuật tại Hà Nội. Bên cạnh những thiết chế cổ kính, đã tạo nên những giá trị về lịch sử văn hoá thì hiện nay cũng cần có những thiết chế mới để đáp ứng nhu cầu biểu diễn khác biệt cho công chúng. NSƯT Trần Ly Ly cũng cho rằng, sự ra đời Nhà hát Hồ Gươm sẽ góp phần thúc đẩy văn hoá và du lịch cũng như những nội hàm của nghệ thuật biểu diễn. Đến với Hà Nội, bên cạnh việc đến thăm các quần thể, di tích cổ kính, du khách cũng có cơ hội thưởng thức những giá trị văn hoá nghệ thuật khác.
Q.Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cũng bày tỏ sự quan tâm Nhà hát Hồ Gươm sẽ sáng đèn như thế nào, nội hàm ra sao để tạo nên sự liên kết văn hoá giữa Việt Nam và quốc tế.
Tiết mục biểu diễn tại lễ khánh thành Nhà hát
Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) Lương Đức Thắng cũng bộc bạch, Nhà hát Hồ Gươm hội đủ yếu tố để có thể đón các đoàn nghệ thuật lớn trên thế giới đến biểu diễn. Cũng như, đây sẽ là nơi đáp ứng các điều kiện tổ chức các sự kiện lớn của đất nước, của thủ đô.
Nghệ sĩ Bùi Công Duy cho rằng, những phòng hòa nhạc được xây dựng quy mô lớn là niềm hạnh phúc với các nghệ sĩ. Trước đây, các nghệ sĩ mơ sang Nhật, châu Âu để có những phòng hòa nhạc đạt chuẩn quốc tế thì hiện nay Việt Nam cũng đã có những phòng hòa nhạc như vậy. Trả lời câu hỏi làm sao để Nhà hát Hồ Gươm thành điểm du lịch gần gũi với người dân, nghệ sĩ Bùi Công Duy nhìn nhận, đây là công trình đáp ứng được khá toàn diện các tiêu chí, là sự kết hợp tổng thể giữa phòng hòa nhạc và nhà hát. Nhà hát Hồ Gươm ra đời là sự chuẩn bị rất logic, hợp lý, cần thiết trong đời sống văn hoá tinh thần của Thủ đô hiện nay.
Kiến trúc ấn tượng của Nhà hát Hồ Gươm
Nhạc trưởng Olivier Ochanine của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời SSO nói, đây quả thực là một thời khắc đặc biệt cho nền nghệ thuật biểu diễn tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Nhà hát Hồ Gươm mang tiềm năng trở thành một khán phòng hoà nhạc với hệ thống âm thanh mộc chất lượng tốt nhất tại Việt Nam, đáp ứng tất cả các loại hình biểu diễn từ nhạc rock đến nhạc giao hưởng. “Ngày nay trên toàn thế giới, sự xuất hiện của một phòng hoà nhạc mới là một sự kiện đặc biệt và hiếm. Đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Nhà hát Hồ Gươm đánh dấu mốc lớn trong lịch sử nghệ thuật biểu diễn tại Việt Nam...”, nhạc trưởng người Pháp bày tỏ.
NSND Trần Thị Mơ, nhạc công đàn cello Dàn nhạc SSO ngỡ ngàng trước vẻ đẹp huy hoàng của một công trình Nhà hát mới tinh, toạ lạc ngay tại trung tâm Hà Nội. “Trước đây nếu muốn trình diễn nhạc cổ điển thì gần như chỉ có mỗi Nhà hát Lớn. Chúng tôi phải xếp hàng chờ tập luyện ở Nhà hát Lớn, thậm chí phải đăng ký trước hàng năm. Nhưng bây giờ có Nhà hát Hồ Gươm, rất nhiều dàn nhạc và nghệ sĩ từ các nước khác khi đến Việt Nam sẽ có một nơi biểu diễn đẹp, chất lượng cao để phục vụ đông đảo công chúng. Tôi nghĩ rằng không chỉ riêng các dàn nhạc quốc tế mà ngay những dàn nhạc trong nước cũng sẽ làm được nhiều điều ‘hay ho” ở đây cho nền âm nhạc nước nhà…”, NSND Trần Thị Mơ tâm sự.
Ký kết hợp tác Nhà hát Hồ Gươm - Nhà hát Vesailles mở ra nhiều kỳ vọng về thúc đẩy hợp tác, giao lưu quốc tế
Kỳ vọng Nhà hát Hồ Gươm sớm trở thành điểm đến thúc đẩy hợp tác quốc tế được hồi đáp tích cực khi ông Nguyễn Công Bẩy, Giám đốc Nhà hát Hồ Gươm thông tin về việc hợp tác với Nhà hát Versailles: “Khi khánh thành Nhà hát Hồ Gươm, chúng tôi rất vinh dự được Nhà hát Versailles của Pháp đồng ý ký bản ghi nhớ hợp tác. Chúng tôi sẽ trao đổi, giao lưu với nhau về văn hóa, về chương trình của hai Nhà hát. Bên cạnh đó, xây dựng các chương trình nghệ thuật và những vở diễn hàn lâm của Pháp. Như vậy, tới đây, những vở diễn của Pháp chúng ta có thể xem tại Việt Nam, tại Nhà hát của chúng ta".
Giám đốc Nhà hát Hồ Gươm cũng cho biết: “Chúng tôi vui mừng khi được ký kết với một Nhà hát của cung điện hoàng gia của Pháp. Đây là nhà hát chính thống và lâu đời của Pháp. Họ chưa từng ký kết với Nhà hát nào trên thế giới. Lần đầu tiên ký kết với chúng tôi - Nhà hát Hồ Gươm, họ mong muốn những gì tinh hoa nhất của Nhà hát Versailles sẽ được trình diễn trong thời gian tới và những năm sau này. Phía Nhà hát Hồ Gươm cũng sẽ có chương trình để sang biểu diễn tại Versailles, tăng cường giao lưu giữa hai nước”.
PHƯƠNG MY; ảnh: BTC cung cấp