Động lực phát triển từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa (Bài 2):

Nguồn lực cho “sức mạnh mềm” văn hóa

NHÓM PHÓNG VIÊN

VHO - Khẳng định tính cấp bách và tầm nhìn của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa trong giai đoạn mới, nhiều chuyên gia, nhà quản lý, chính quyền nhiều địa phương cho rằng, chủ trương đầu tư Chương trình cần được hiện thực hóa để sớm tạo dấu ấn và nguồn lực giá trị cho sự phát triển của “sức mạnh mềm” văn hóa.

 Nguồn lực cho “sức mạnh mềm” văn hóa - ảnh 1

 Nhờ có nguồn kinh phí kịp thời, di tích đình Vĩnh Phệ (Ba Vì, Hà Nội) đã được tu bổ khang trang, vững chãi

Thời cơ để khôi phục vị thế một trung tâm văn hóa

Quốc hội có chủ trương xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa là điều rất mừng và vô cùng thiết thực với thực trạng hiện nay. Các hoạt động văn hóa lâu nay chỉ được bố trí như một loại hình hoạt động nghiệp vụ. Khi có Chương trình này sẽ tập trung nguồn lực quốc gia vào một số lĩnh vực đặc trưng để phát triển văn hóa. Điều đó rất cần thiết và mang lại nhiều giá trị và ý nghĩa.

Đối với Thừa Thiên Huế, những nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa lần này là thời cơ lớn để khôi phục vị thế một trung tâm văn hóa hàng đầu đất nước. Các nội dung về xây dựng cảnh quan văn hóa; bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa dân tộc; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa..., Huế có điều kiện thuận lợi để triển khai hiệu quả. Tuy “giàu có” về di sản văn hóa, giá trị truyền thống nhưng hạn chế của Thừa Thiên Huế là thiếu nguồn lực phát triển. Hệ thống thiết chế văn hóa của Huế cũ kỹ, lạc hậu nhưng chưa được đầu tư. Trên địa bàn tỉnh chưa có bảo tàng nào “ra hồn”. Hệ thống nhà hát không đáp ứng được nhu cầu, tiêu chuẩn. Huế được xác định phát triển thành Thành phố Festival của Việt Nam thì phải có các thiết chế cần thiết, nhưng lại không có nhà hát ngoài trời, mỗi lần có sự kiện của Festival là phải tổ chức lắp ráp, dựng sân khấu.

Hệ thống giá trị di sản văn hóa phát triển mạnh trong thời kỳ Huế là kinh đô của đất nước, có nguồn lực của cả nước tập trung về, nhưng khi không còn là kinh đô, Huế chỉ là kinh tế địa phương, không đủ nguồn lực khi gắn với hệ thống di sản đồ sộ… Có Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa sẽ là nguồn lực bổ sung để Thừa Thiên Huế làm tốt nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa thời đại. Quan trọng là địa phương phải xây dựng các chương trình, đề án để tiếp nhận nguồn lực này, triển khai có hiệu quả.

(Nhà nghiên cứu NGUYỄN XUÂN HOA)

Lúng túng tu bổ di tích vì ngân sách không có

Long An hiện có 21 di tích cấp quốc gia với các loại hình khảo cổ, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật. Trước đây, Long An cũng được thụ hưởng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, trong đó cũng có một phần kinh phí từ Trung ương hỗ trợ trùng tu, tôn tạo một số di tích, chủ yếu di tích kiến trúc nghệ thuật. Thời gian qua, tỉnh đã tu bổ được nhiều di tích, nhưng so với nhu cầu lại chưa đáp ứng được…

Thực hiện phân cấp quản lý về cho các huyện, có nơi phát huy được vì tranh thủ nguồn xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo di tích, nhưng có những huyện khó khăn, không có được thế mạnh đó thì gặp nhiều lúng túng trong tu bổ do kinh phí không có. Vì vậy, tỉnh Long An rất thiết tha mong muốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa sớm được cấp thẩm quyền thông qua. Thực tế cho thấy, đối với những di tích đã xếp hạng nhưng không có được nguồn lực tu bổ thì áp lực rất lớn. Nếu được tu bổ, kết hợp với quảng bá du lịch sẽ phát huy được hiệu quả. Bởi lẽ di tích là sản phẩm văn hóa, cũng là một sản phẩm của du lịch, di tích không được trọn vẹn thì không thể trở thành sản phẩm du lịch, cũng không thể phát huy giá trị giáo dục truyền thống. Đơn cử trường hợp di tích quốc gia khảo cổ học Bình Tả.

Đây là cụm di tích khảo cổ học quy mô lớn thuộc văn hóa Óc Eo. Đặc biệt, tại di tích này các nhà khoa học đã phát hiện được bảo vật quốc gia là bộ sưu tập bằng vàng, trong đó có một bảng minh văn, di vật có chữ viết, ngôn ngữ của nền văn minh này, chỉ duy nhất có tại khu di tích Bình Tả. Tuy nhiên đối với di tích này, phần phục hồi, tu bổ đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn mà chỉ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa mới hỗ trợ giúp địa phương, chứ ngân sách tỉnh không có để thực hiện…

(Ông NGUYỄN TẤN QUỐC, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Long An)

 Nguồn lực cho “sức mạnh mềm” văn hóa - ảnh 2

Ngoài hạng mục cổng và nhà đón tiếp, di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Cái Chanh hiện đang xuống cấp, chưa có kinh phí trùng tu

Chương trình mục tiêu sẽ cứu nguy di sản

Đa số di tích ở Bạc Liêu hiện đang xuống cấp, có những di tích xuống cấp rất trầm trọng, trong số này có di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Cái Chanh (huyện Hồng Dân). Hiện nguồn kinh phí tỉnh còn rất eo hẹp nên cũng chưa xử lý được. Cạnh đó là di tích quốc gia Đình An Trạch của người Việt, ở TP Bạc Liêu, cũng đang xuống cấp trầm trọng nhiều năm qua, nhưng không có kinh phí để tu bổ. Hiện nay Bạc Liêu cũng đang cố gắng phân nguồn để làm, nhưng tới thời điểm này rất khó khăn về vốn. Ngoài ra còn có di tích quốc gia Tháp Vĩnh Hưng. Đây là một trong số các kiến trúc tháp thuộc nền văn hóa Óc Eo còn sót lại tại Nam Bộ. Di tích này đang xuống cấp và ngập nước, cũng đang cần thiết để đầu tư. Hiện, hồ sơ di tích Tháp Vĩnh Hưng đang trình Thủ tướng đề nghị công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.

Thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu cũng rất quan tâm, đầu tư cho di tích trong đó có một số công trình như di tích lịch sử quốc gia Nọc Nạng (trên 7 tỉ đồng); nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu (gần 2 tỉ đồng); cùng với đó là bổ sung hệ thống cây xanh bên cạnh Đền thờ Bác Hồ ở huyện Châu Thới, 1,5 tỉ đồng. Hằng năm, tỉnh cũng đã ưu tiên nhiều nguồn để hỗ trợ, nhưng do không có nhiều nên buộc phải sửa chữa từ từ. Nếu tiếp cận được nguồn vốn từ Trung ương thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa để cải tạo một lần thì rất tốt, hiệu quả. Cứ như hiện nay, hư hỏng, xuống cấp đến đâu sửa tới đó, không mang tính tu bổ lớn nên dẫn đến tình trạng vừa tu bổ chỗ này, chỗ khác đã xuống cấp… Trước đây có nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã hỗ trợ rất tốt cho công tác tu bổ, chống xuống cấp di tích. Từ ngày không còn nguồn vốn này, địa phương bị hụt hẫng rất nhiều vì điều kiện của Bạc Liêu còn rất khó khăn. Do đó, nếu Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn này sớm thông qua, nhiều địa phương trong đó có Bạc Liêu sẽ vô cùng vui mừng vì sẽ có nguồn kinh phí đáp ứng tu bổ di tích, xây dựng thiết chế văn hóa để giáo dục truyền thống, phát triển du lịch.

(Ông NGUYỄN VĂN QUANG, Trưởng BQL Di tích, Sở VHTTDL tỉnh Bạc Liêu)

Nguồn kinh phí sẽ hỗ trợ “hồi sinh” nhiều di sản

Ba Vì là một trong những địa phương có số lượng di tích lớn nhất trong 30 quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội, với tổng số 397 di tích trong danh mục kiểm kê, trong đó có 133 di tích đã xếp hạng. Nhiều di tích có niên đại khởi dựng rất sớm và có giá trị lịch sử văn hóa, nghệ thuật lớn, độc đáo như đình Tây Đằng, đình Chu Quyến, đình Thụy Phiêu… cùng với hàng trăm lễ hội lớn nhỏ từ cấp thôn làng đến cấp huyện.

Từ năm 2020 trở về trước, dù chính quyền địa phương rất quan tâm nhưng số lượng di tích xuống cấp rất nhiều, nguồn lực, kinh phí dành cho công tác đầu tư tu bổ, tôn tạo huyện Ba Vì không thể đáp ứng. Năm 2021-2022 trở lại đây, xác định di tích lịch sử văn hóa là di sản quý báu, Đảng bộ và chính quyền TP Hà Nội quan tâm, chỉ đạo ban hành Nghị quyết cấp ủy và HĐND thành phố để chỉ đạo rà soát, khảo sát các di tích xuống cấp nghiêm trọng lập kế hoạch tu bổ, tôn tạo phát huy giá trị di tích. Thực hiện Nghị quyết, số dự án tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn huyện được đưa vào danh mục đầu tư giai đoạn 2021-2025 là 73 di tích, gồm 1 di tích quốc gia đặc biệt, 1 di tích cách mạng kháng chiến, 25 di tích quốc gia, 46 di tích cấp thành phố. Phân loại theo nội dung có 38 di tích xuống cấp nghiêm trọng; xuống cấp hạng mục gốc là 25; phát huy điểm đến là 10.

Như vậy, đến hết năm 2023, hầu hết các di tích có niên đại lâu đời, kiến trúc nghệ thuật độc đáo và có giá trị lịch sử văn hóa đã được quan tâm tu bổ tôn tạo. Nhiều di tích xuống cấp đặc biệt nghiêm trọng như đình Vĩnh Phệ, đình Cam Đà, đình Yên Bồ, đình Phương Khê đã được “cứu nguy” khẩn cấp, mang lại niềm vui, tự hào cho nhân dân địa phương. Hà Nội hiện đang tiếp tục chỉ đạo rà soát, bổ sung những di tích xuống cấp chưa có trong danh mục kế hoạch của thành phố. Để gìn giữ những di sản có giá trị, tạo động lực cho sự phát triển đời sống văn hóa, cùng với sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của chính quyền để kịp thời “cứu nguy” cho di tích trong diện nguy cơ thì những nguồn kinh phí hỗ trợ, giúp các địa phương chủ động khắc phục khó khăn trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích có ý nghĩa rất quan trọng.

Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn trước đây đã hoàn thành sứ mệnh quan trọng đó. Trong bối cảnh hiện nay, rất nhiều địa phương mong mỏi tiếp tục có được nguồn kinh phí hỗ trợ hiệu quả thiết thực từ Chương trình.

 (Ông NGUYỄN KHẮC NHU,Trưởng phòng VHTT huyện Ba Vì, TP Hà Nội

 (Còn tiếp)

Ý kiến bạn đọc