Nghề ướp trà sen Quảng An được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

MINH NGỌC, ảnh: T.L

VHO - Trà sen được coi là một loại danh trà công phu bậc nhất trong dòng trà ướp hương. Nghề làm trà sen ở Quảng An có lịch sử lâu đời, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử và minh chứng cho quá trình khai phá, tận dụng lợi thế của tự nhiên của con người nơi đây với giống sen bách diệp và biến nó trở thành danh trà của người Việt.

Nghề ướp trà sen Quảng An được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - ảnh 1
Đặc sắc Nghề ướp Trà sen Quảng An

Tại Quyết định số 2316/QĐ- BVHTTDL do Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng ký ban hành, Nghề ướp Trà sen Quảng An (phường Quảng An, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội)  được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 

Phường Quảng An với ưu thế 3 mặt giáp hồ Tây, có 157 ha mặt nước hồ Tây với 11 ao, hồ, đầm có thổ nhưỡng tốt, lớp bùn dày rất phù hợp cho sen bách diệp phát triển nên từ xa xưa, đây là nơi trồng sen và làm trà sen nổi tiếng.

Trà sen từ xưa đã là một phẩm trà quý, thấm đẫm hồn Việt, chinh phục, mê hoặc biết bao thế hệ trà nhân Việt. Hoa sen có ý nghĩa sâu sắc trong văn hóa và tôn giáo của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Việt Nam. Hương sen vừa lạ vừa quen, vừa gần gũi vừa cao sang, thanh khiết khiến tâm người thanh tịnh. 

Sen kết hợp với trà tạo nên một sự đồng điệu, sen nhập vào trà kéo trà lên, trà đưa sen lên đỉnh cao của hương vị. Trà sen không còn mang hương mộc của trà nữa mà khi đó hương sen đã nhập vào trà. Hương sen là cái thần của trà sen. Trà sen mang lại cho người thưởng thức cảm giác thư thái, tĩnh tâm. 

Mảnh đất Quảng An nằm cạnh hồ Tây xưa kia là một vùng sen rộng lớn của Hà Nội và đây cũng chính là cái nôi của nghề ướp trà sen nổi tiếng. Quảng An xưa có tên gọi là xóm Mẩu, là một vòm đất nhỏ nhô ra phía hồ Tây, bao quanh là đầm, ao, hồ. Do khí hậu, nguồn nước và đặc biệt là thổ nhưỡng, hồ Tây nổi tiếng với giống sen quý cánh kép, hương thơm ngào ngạt, còn được gọi là sen bách diệp. 

Loại sen này “khi nở to như hai bàn tay, có trăm cánh, xếp lớp bao bọc lấy nhụy, đài và gạo sen, giữ cho sen một mùi thơm thuần khiết, ngát đượm”. Chẳng phải ngẫu nhiên sen hồ Tây ở vị trí thượng đẳng mà sen các vùng khác khó sánh bằng, sen hồ Tây được nuôi dưỡng bằng lớp bùn tích tụ suốt hàng thiên niên kỷ nên dày từ 0,7 đến 1,2 m - điều mà hiếm đầm nào có được.

Từ xa xưa, người Quảng An đã sử dụng sen bách diệp để sáng tạo nên sản phẩm trà sen và những tri thức làm trà sen đã được bao đời trao truyền, gìn giữ đến ngày nay. 

Người làm trà sen hiện nay hầu hết sử dụng trà Thái Nguyên để ướp. Hai vùng trà được lựa chọn nhiều nhất là La Bằng (xã La Bằng, huyện Đại Từ) và Tân Cương (xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên). 

Nghề ướp trà sen Quảng An được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - ảnh 2
Phường Quảng An với ưu thế 3 mặt giáp hồ Tây, có 157 ha mặt nước hồ Tây với 11 ao, hồ, đầm có thổ nhưỡng tốt, lớp bùn dày rất phù hợp cho sen bách diệp phát triển nên từ xa xưa, đây là nơi trồng sen và làm trà sen nổi tiếng

Người Quảng An sử dụng trà mộc và loại trà cánh to dễ hấp thụ hương sen. Trà nõn tôm là loại trà được người làm trà sen ưa dùng nhất vì đặc tính hút hương tốt, được nước, được vị. Trà nõn tôm gặp ẩm dễ mở cánh, ngậm hương tốt. 

Rửa trà là công đoạn tạo độ ẩm để làm mềm cánh trà, giúp cho trà dễ hút hương khi ướp với gạo sen. Người Quảng An dùng lớp cánh sen con bên trong của bông hoa bách diệp vừa sạch, vừa vương vấn chút hương thơm để rửa trà. Trước khi rửa trà, họ sàng qua trà để loại bỏ trà cám. Cứ mỗi lớp trà họ lại rải lên một lớp cánh sen.

 Khâu tách gạo sen được thực hiện càng nhanh thì càng giữ được hương. Tách gạo sen là công đoạn đòi hỏi sự nhanh nhẹn, khéo tay để thực hiện công việc nhanh chóng, đồng thời giữ gạo sen được nguyên vẹn. Gạo sau khi tách xong được sàng lại để loại bỏ tua và cánh sen bị lẫn vào. Phần gạo thu được phải sạch và không vướng tạp chất.

Sau khi công đoạn tách gạo sen hoàn tất, người làm trà sen nhanh chóng thực hiện khâu ướp trà. Ướp trà là công đoạn cho gạo sen vào trà và để trong 3 ngày (khoảng 45- 50 giờ) để trà hấp thụ hương sen. 

Nghề ướp trà sen Quảng An được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - ảnh 3
Khâu tách gạo sen được thực hiện càng nhanh thì càng giữ được hương

Trà sen khô phải trải qua nhiều lần ướp. Trước đây, trà sen khô thường được ướp đủ 7 lần (khoảng 21 ngày). Để tạo ra một kg trà sen khô phải sử dụng khoảng 1 kg gạo sen (tương đương với 1.200 đến 1.500 bông sen) chia cho 7 lần ướp. 

 Sấy là công đoạn làm khô trà sau mỗi lần ướp. Đây là công đoạn quyết định thành công của mẻ trà sen nên chỉ được thực hiện bởi những người có kinh nghiệm lâu năm. Hiện nay, người làm trà sen ở Quảng An đang sử dụng ba phương pháp sấy: sấy bằng than hoa, sấy bằng nước nóng và sấy bằng bếp điện.

 Khi mẻ sấy cuối cùng kết thúc và trà đã nguội hẳn cũng là lúc tiến hành đóng gói để bảo quản trà. Người làm trà có bí quyết riêng trong việc đóng gói để trà sen được bảo quản tốt và giữ được hương. Do đặc tính hút ẩm rất nhanh và dễ bị thoát hương của trà sen khi ở môi trường bên ngoài nên việc đóng gói cần diễn ra càng nhanh càng tốt.

Quy trình làm trà sen bông tuy bớt cầu kỳ hơn so với trà sen khô, nhưng để có được trà ngon và đượm hương, người làm trà có những bí quyết, kỹ năng riêng. Trà nguyên liệu dùng để ướp sen bông thường là trà nõn tôm. Sau khi được ướp một lần với gạo sen, trà được cho vào bông sen với định lượng mỗi bông khoảng 15 gram. 

Công việc này đòi hỏi kỹ năng khéo léo, tỉ mỉ. Phải tách nhẹ cánh hoa để không làm gãy, dập cánh và khéo léo cho trà vào giữa bông hoa. Sau đó, vuốt cánh hoa lại để bọc lấy trà. Lạt tre đã ngâm nước được dùng để buộc cánh sen, vừa giữ chắc vừa không làm dập cánh. Để giữ cho hương không thoát ra, người làm trà còn bọc thêm một lớp lá sen ngoài cùng.

Bên cạnh những giá trị đặc biệt, Nghề ướp trà sen Quảng An hiện cũng đang đối diện nhiều khó khăn, thách thức như diện tích trồng sen bị thu hẹp; ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của sen- vấn đề nhức nhối nhất của những người trồng sen ở các hồ đầm xung quanh hồ Tây. 

Bên cạnh đó, trà sen bông dần lấn át trà sen khô. Quy trình làm trà sen khô hoàn toàn bằng thủ công, tất cả đều dựa vào bàn tay và kinh nghiệm của mỗi người, tốn rất nhiều thời gian và công sức, năng suất thấp. Làm trà sen bông với những ưu điểm về giá rẻ hơn nên thị trường tiêu thụ rộng rãi, quy trình ướp trà đơn giản, có thể làm với số lượng lớn và lãi suất cao hơn nên hiện nay, phần lớn các gia đình làm trà sen ở Quảng An đều làm trà sen bông còn ướp trà sen tuyền thống chỉ còn ở một số gia đình.

Nghề ướp trà sen Quảng An được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - ảnh 4
Trà sen được coi là một loại danh trà công phu bậc nhất trong dòng trà ướp hương

Hiện nay, giới trẻ ít quan tâm về trà và không thích uống trà. Nhiều người  chưa hiểu, trân trọng các giá trị, lợi ích văn hóa, tinh thần và thể chất của việc thưởng trà nói chung, trà ướp sen nói riêng. Bên cạnh đó, trong trà có chứa hoạt chất cafein là nguyên nhân dẫn dến khó ngủ, mất ngủ, khiến nhiều người hạn chế sử dụng trà.

Thời gian qua, đã có nhiều biện pháp bảo vệ di sản được thực hiện.  Năm 2015, di sản văn hóa phi vật thể nghề làm trà sen Quảng An đã được Sở VHTT TP. Hà Nội kiểm kê và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể ưu tiên bảo vệ.

Năm 2020, Quận ủy Tây Hồ có Chương trình 02-CTr/QU về “Tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế; chú trọng phát triển ngành dịch vụ du lịch gắn với các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, các làng nghề truyền thống của quận” trong đó có các Đề án phát triển trồng hoa sen tại các ao, hồ trên địa bàn quận. 

Đặc biệt, duy trì, thực hành, trao truyền nghề làm trà sen là biện pháp quan trọng để bảo vệ di sản. Từ xưa đến nay, nghề làm trà sen vẫn được người Quảng An thực hành mỗi khi mùa sen đến và không bị gián đoạn. Việc thực hành nghề làm trà sen hàng năm là biện pháp bảo vệ di sản quan trọng mà người dân nơi đây đang thực hiện.

Mặt khác, do diện tích đất trồng sen tại các hồ đầm xung quanh hồ Tây ngày càng bị thu hẹp, người Quảng An phải đi đến các vùng ngoại thành Hà Nội thuê đầm trồng sen như quận Bắc Từ Liêm, huyện Phú Xuyên, huyện Đông Anh, huyện Sóc Sơn...

Một số đầm sen đã được trồng gần 10 năm, già sen nên cho chất lượng sen ổn định. Tuy nhiên, nếu so với sen hồ Tây thì chất lượng sen trồng ở các vùng khác chỉ đạt khoảng 80%.

Trà sen được coi là một loại danh trà công phu bậc nhất trong dòng trà ướp hương. Nghề làm trà sen ở Quảng An có lịch sử lâu đời, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử và minh chứng cho quá trình khai phá, tận dụng lợi thế của tự nhiên của con người nơi đây với giống sen bách diệp và biến nó trở thành danh trà của người Việt. 

Nghề làm trà sen của người Quảng An được sáng tạo, trao truyền từ đời này sang đời khác. Những kinh nghiệm, bí quyết hàng ngày được đúc kết, trao truyền lại cho nhiều thế hệ sau. 

Ướp trà sen ở Quảng An đã và đang trở thành một nghề thủ công quan trọng của người dân nơi đây. Bằng bí quyết, kinh nghiệm ướp trà sen được bao đời truyền lại, người Quảng An đã tạo ra một phẩm trà quý, được mọi người đón nhận, có giá trị kinh tế cao. 

Nghề làm trà sen Quảng An góp phần tạo ra nguồn thu nhập ổn định, trở thành một sinh kế của gia đình và cộng đồng. Dựa vào kinh nghiệm của mình, người Quảng An đã tạo nên những đầm sen cho hoa thơm ngát ít nơi sánh kịp. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc