Phở Hà Nội được ghi danh trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

MINH NGỌC, ảnh: T.L

VHO - Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng vừa ký quyết định ghi danh Phở Hà Nội vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Phở Hà Nội được ghi danh trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - ảnh 1
Trên địa bàn Hà Nội có gần 700 cửa hàng phở, trải rộng trên 30/30 quận, huyện, thị xã.

Theo thống kê, đến năm 2023 trên địa bàn Hà Nội có gần 700 cửa hàng phở, trải rộng trên 30/30 quận, huyện, thị xã. Nhiều thương hiệu phở gia truyền, tập trung chủ yếu trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, quận Ba Đình, quận Hai Bà Trưng.

Theo nhiều sử liệu ghi chép, món “Phở” tại Hà Nội ra đời vào đầu thế kỉ XX. Thủa ban đầu phở vốn là một loại quà rong, được gánh đi rong và rao bán khắp phố phường tại Hà Nội vào những năm 1907-1910.

Về nguồn gốc ra đời của món phở đến nay còn nhiều quan điểm điểm khác nhau với 3 giả thuyết phổ biến: Phở bắt nguồn từ món pot-au-feu của Pháp; Phở có nguồn gốc từ món Ngưu nhục phấn của người Hoa và phở có nguồn gốc từ món bún xáo trâu của người Việt.

Lịch sử của hình thành và phát triển của món Phở gắn với với lịch sử thăng trầm của Thủ đô, ký ức của nhiều người Hà Nội. Phở đã nương theo những biến động lịch sử trong nửa cuối thế kỷ XX của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, phát triển rất sôi động với tốc độ nhanh và mở rộng địa bàn, trở thành món ăn phổ biến được ưa chuộng tại Hà Nội.

 Đằng sau mỗi quán phở lại có một châu chuyện lịch sử riêng tạo thành những mảnh ghép để hiểu hơn ẩm thực và con người Hà Nội.

Phở Hà Nội được ghi danh trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - ảnh 2

Quy trình chế biến và thưởng thức Phở chứa đựng tinh hoa đất Kinh kỳ, chứa đựng chiều dài văn hóa, sự khéo léo và tinh tế của người Hà Nội. Giai đoạn mới hình thành, phở xuất phát từ món ăn dân dã hàng ngày, từ món quà vặt rồi đến nay xuất hiện khắp các con đường, ngõ phố ở Hà Nội đến những nhà hàng, khách sạn sang trọng.

Người Hà Nội vốn sành ăn, sành mặc, thanh lịch, tao nhã trong lối sống nên quá trình hình thành Phở Hà Nội vì thế cũng ảnh hưởng theo phong cách đó. Phở Hà Nội có cái ngọt chân chất của xương ninh, cái thơm của thịt vừa chín đến độ để vẫn dẻo mà lại không dai, nước phở màu trong, bánh phở mỏng và mềm, được trang trí bằng các cọng hành, rau thơm bắt mắt phản ánh cái chất sành điệu, kỹ càng trong ăn uống của người Hà Nội.

Qua việc kết hợp các loại nguyên liệu, gia vị mang tính bình, hàn trong chế biến phở đã thể hiện ý thức của con người về việc tạo nên sự cân bằng giữa con người và điều kiện môi trường tự nhiên.

Quá trình hình thành món phở là biểu hiện của quá trình giao thoa, tiếp biến văn hóa bản địa của người Việt với người Hoa, người Pháp sinh sống tại Việt Nam thế kỷ XX. Phở là một món ăn được chế biến trên những nguyên liệu bản địa sẵn có như bánh phở làm từ gạo, thịt bò, thịt gà và các gia vị sẵn có của người Việt; do ảnh hưởng thói quen ăn thịt bò của người Pháp, và một số món ăn của người Pháp từ thịt bò đã được cải biên phù hợp với khẩu vị của người Việt, rõ nét nhất là món phở bò sốt vang.

Phở Hà Nội được ghi danh trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - ảnh 3

 Hay người Hoa vốn nối tiểng với sự tinh tế khéo léo trong chế biến các món ăn, nhất là các món nước bán phổ biến tại Hà Nội ngày ấy là mỳ vằn thắn, với những tri thức và kỹ năng ẩm thực họ đã góp phần vào quá trình hoàn thiện món phở, nhất là khâu đoạn trong việc phối hợp các nguyên liệu để nấu nước dùng ngon. Sau đó, rất nhiều người Việt làm thuê cho những nhà hàng người Hoa đã học được bí quyết sau đó đã mở quán phở.

Phở không những là món ăn tồn tại trong tâm thức của người Hà Nội nói riêng mà giờ đây đã gần như trở thành một biểu tượng cho nền ẩm thực phong phú của người Việt Nam nói chung, vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam vươn tầm ẩm thực thế giới.

Phở Hà Nội đã góp phần làm phong phú thêm Phở của người Việt Nam nói chung, Phở đã trở thành danh từ riêng trong hàng loạt từ điển danh tiếng trên thế giới và hiện diện ở trên 50 quốc gia trên thế giới.

Theo bình chọn từ trang Lonely, Việt Nam là một trong những quốc gia có 7 món ăn được phục vụ trong bát mang tới trải nghiệm tốt nhất trên thế giới. Danh sách này được đề ra dựa trên tiêu chí món ăn phải vừa ngon miệng, lại vừa tạo cảm giác thoải mái khi phục vụ lẫn thưởng thức.

Phở Hà Nội được ghi danh trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - ảnh 4

Thậm chí, trang này còn ghi rằng nếu đã đến Việt Nam, các thực khách nhất định phải thử phở, nếu không sẽ là một thiếu sót rất lớn. Phở Việt còn được Tạp chí nổi tiếng Business Insider bình chọn là một trong những món phải ăn thử một lần trong đời đối với những người thích đi lịch trên thế giới. Tờ báo TheTravel chuyên trang du lịch đã công bố danh sách 10 quốc gia có thức ăn ngon nhất thế giới, trong đó có món phở của Việt Nam.

Cùng đợt này, Bộ trưởng Bộ VHTTDL cũng có quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình tri thức dân gian phở Nam Định (tỉnh Nam Định). Theo số liệu thống kê, địa bàn tỉnh Nam Định hiện có khoảng 300 cửa hàng phở. Phở Nam Định còn được đưa đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước và thậm chí cả nước ngoài.

Nhiều di sản của các địa phương cũng được ghi danh trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đợt này như: Lễ hội bơi chải làng Tiếu Mai (Bắc Giang); Lễ hội đền thờ đức vua Trần Minh Tông (Bắc Giang), Nghề làm trà sen Quảng An (Hà Nội), Tri thức may, mặc áo dài Huế (Thừa Thiên Huế), Hát ru của người Mường (Phú Thọ), Lễ hội Gầu tào của người Mông (Yên Bái)…

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc