Hát Bả trạo Hội An:

Nghệ thuật truyền thống trong không gian du lịch bền vững

THU HOÀI

VHO - Nghệ thuật hát Bả trạo là biểu tượng gắn kết giữa con người và biển cả, thể hiện rõ nét trong các lễ hội Cầu ngư và tục thờ Cá Ông của ngư dân làng biển. Được xây dựng trên nền tảng Âm linh Bả trạo ca và Long thần Bả trạo ca, kết hợp giữa diễn tuồng, hò, dân ca và múa, nghệ thuật này không chỉ là di sản văn hóa sống động mà còn có tiềm năng phát triển thành sản phẩm du lịch độc đáo, làm phong phú thêm trải nghiệm văn hóa tại Hội An (Quảng Nam).

Nghệ thuật truyền thống trong không gian du lịch bền vững - ảnh 1
Trình diễn nghệ thuật hát Bả trạo tại lễ hội ở vùng biển Cẩm An (Hội An)

Di sản văn hóa đậm đà bản sắc

Chữ “bả” trong hát Bả trạo có nghĩa là “cầm”, còn “trạo” là “tay chèo”. Hình ảnh người cầm chắc tay chèo, đưa thuyền ra khơi vừa thể hiện hoạt động mưu sinh của ngư dân, vừa là biểu tượng của sự kết nối sâu sắc giữa con người và vũ trụ, với mong muốn tìm kiếm nguồn sống giữa biển khơi bao la.

Nghệ thuật hát Bả trạo không chỉ là phương thức giải trí mà là tổng thể nghệ thuật, nơi mà các yếu tố âm nhạc, diễn xướng và múa được hòa quyện một cách nhuần nhuyễn.

Những điệu múa trong hát Bả trạo tượng trưng cho những nhịp chèo, vừa thể hiện khát vọng sinh tồn của cộng đồng ngư dân, vừa là nghi thức tín ngưỡng hướng tới sự bảo vệ, che chở của biển cả.

Theo các nghiên cứu, nghệ thuật hát Bả trạo, hay còn được gọi là hò Bả trạo, chèo Bả trạo hay hò Đưa linh, đã xuất hiện từ rất sớm tại Hội An. Cho đến ngày nay, nghệ thuật này vẫn được duy trì và phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng ngư dân tại các vùng biển Cẩm An, Cù Lao Chàm, Cửa Đại, Cẩm Nam, Cẩm Thanh...

Ở Hội An, hát Bả trạo không chỉ là hình thức nghệ thuật dân gian mà còn là một phần không thể thiếu trong các lễ hội, như tế lễ Cá Ông, đua ghe đảo thủy đầu xuân, lễ tế linh…

Đây là dịp cộng đồng ngư dân thể hiện sự tri ân đối với biển cả, cầu mong một mùa vụ bội thu và an lành. Đội hình hát Bả trạo thường có từ 12-18 người, số lượng phải là số chẵn, được gọi là con trạo, chia đều thành hai bên.

Ở giữa là ba ông tổng: Tổng khoang, tổng lái và tổng mũi - những người mang trang phục rực rỡ, tay cầm gàu tát nước hoặc cần câu, tượng trưng cho vai trò quan trọng của họ trong hành trình chinh phục biển khơi.

Các buổi diễn xướng thường diễn ra trên thuyền hoặc tại lăng thờ Cá Ông. Nội dung của lễ hội hát Bả trạo gồm ba phần chính, được thể hiện qua các làn điệu dân ca, xen kẽ là những đoạn “hát - nói - kể”, kết hợp với động tác mô phỏng và cách điệu “chèo thuyền” đều đặn, nhịp nhàng theo âm nhạc.

Các con trạo cùng thể hiện vũ điệu mang đậm dấu ấn nghệ thuật tuồng truyền thống, với những động tác uyển chuyển, mạnh mẽ của ông tổng, nhằm chuyển tải thông điệp nhân văn đến với công chúng.

Ông Nguyễn Văn Triều, một nghệ nhân tham gia các đội hát múa Bả trạo tại Hội An, chia sẻ: “Người dân đóng vai trò then chốt trong việc giữ gìn và truyền dạy hình thức diễn xướng này.

Không gian sống, văn hóa làng biển, phong tục, tập quán và tín ngưỡng của cộng đồng ngư dân chính là yếu tố quyết định để di sản được bảo tồn và phát huy qua nhiều thế hệ. Sự gắn kết chặt chẽ giữa cộng đồng và biển cả là linh hồn của nghệ thuật hát Bả trạo, mang lại sức sống bền vững cho di sản”.

Phát huy nghệ thuật dân gian trong phát triển du lịch bền vững

Với những giá trị văn hóa đặc sắc và chiều sâu nhân văn, nghệ thuật hát Bả trạo ngày càng thu hút sự quan tâm của cộng đồng và du khách. TP Hội An hiện đang triển khai nhiều giải pháp thiết thực để bảo tồn và phát triển hình thức nghệ thuật này, đặc biệt trong bối cảnh Hội An gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian.

Trong các lễ hội Cầu ngư truyền thống, lễ hội văn hóa - du lịch và các sự kiện miền biển, nghệ thuật hát Bả trạo đã được lồng ghép khéo léo vào các chương trình tham quan, tái hiện đời sống ngư dân ở Hội An.

Du khách đến dự lễ hội Bả trạo và tham gia các nghi lễ trong lễ hội Cầu ngư sẽ cảm nhận được một không gian nghệ thuật đậm chất truyền thống, nơi mà âm nhạc, múa và hò hát hòa quyện với nhau, tạo nên những ấn tượng khó quên.

Hơn nữa, trong các chương trình nghệ thuật chuyên đề về văn hóa dân gian, Hội An cũng luôn lồng ghép tinh tế nghệ thuật hát Bả trạo vào tổng thể chương trình.

Những trích đoạn mới, động tác múa, lời hát vui nhộn với ca từ nhẹ nhàng, yêu đời, hòa quyện với không gian biển khơi huyền bí và đầy thử thách… đã tạo nên một bức tranh sống động về đời sống ngư dân.

Ông Tôn Thất Hướng, chuyên gia nghiên cứu văn hóa và nguyên Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VHTTDL Quảng Nam) đã đưa ra những gợi ý quan trọng về việc phát huy giá trị của lễ hội Bả trạo trong du lịch Quảng Nam. Theo ông, hát Bả trạo là phần không thể thiếu trong lễ hội Cầu ngư.

Lễ hội này không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh của cộng đồng mà còn là nơi chuyển tải và trao truyền những giá trị văn hóa qua phương thức diễn xướng dân gian. Những giá trị này mang đến bài học về chân - thiện - mỹ, hướng đến sự phát triển bền vững của cộng đồng và mỗi cá nhân.

Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An chia sẻ: Trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ, việc bảo tồn các giá trị văn hóa biển là vô cùng quan trọng. Thành phố Hội An đã định hướng lồng ghép văn hóa biển vào phát triển du lịch, kết hợp hài hòa giữa việc bảo tồn không gian biển, làng biển và hình thành các làng du lịch gắn liền với ẩm thực, vui chơi, giải trí, sinh hoạt làng biển.

Cộng đồng ngư dân chính là yếu tố then chốt trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, góp phần tạo dựng một Hội An không chỉ nổi bật về vẻ đẹp lịch sử mà còn về sự duy trì và phát triển bền vững những giá trị văn hóa đặc sắc.

Tại các làng biển An Bàng, Tân Thành, Cửa Đại của Hội An, một mô hình du lịch độc đáo đang ngày càng phát triển, nơi cộng đồng ngư dân kết hợp cùng các doanh nghiệp để tạo ra không gian sáng tạo, giới thiệu nghề truyền thống và văn hóa đặc sắc của làng biển.

Các chợ phiên vào cuối tuần, không gian mỹ thuật và các hoạt động nghệ thuật được tổ chức để thu hút du khách, đồng thời mang đến cơ hội cho du khách trải nghiệm sinh hoạt, lễ hội, phong tục tập quán cùng ngư dân, khám phá đời sống biển cả qua chính các homestay do ngư dân đầu tư…

Những định hướng này đang dần lan tỏa, mở ra cơ hội khai thác tiềm năng du lịch biển một cách hài hòa, đồng thời bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật dân gian đặc sắc.

Qua đó, chúng không chỉ góp phần bảo tồn không gian sinh tồn mà còn duy trì các nếp sống truyền thống của cộng đồng, bảo vệ sự bền vững của di sản văn hóa.

Nhờ đó, sự phát triển du lịch không chỉ hướng đến lợi ích kinh tế mà còn gắn kết chặt chẽ với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật vô giá của làng biển Hội An.