Kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 – 27.7.2024):

“Màu ký ức” tưởng nhớ, tri ân 512 nhà báo liệt sĩ

PHƯƠNG ANH, ảnh: TRẦN HUẤN

VHO - Sáng 19.7 tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Liên Chi hội Nhà báo Bộ VHTTDL phối hợp cùng Bảo tàng Báo chí Việt Nam (Hội Nhà báo Việt Nam) tổ chức chương trình Giao lưu, Tọa đàm, tri ân các nhà báo liệt sĩ với chủ đề “Màu ký ức”.

“Màu ký ức” tưởng nhớ, tri ân 512 nhà báo liệt sĩ - ảnh 1

Các đại biểu, khách mời và các nhà báo, phóng viên đã trang trọng dâng hoa tưởng niệm 512 nhà báo liệt sĩ ghi danh tại khu tưởng niệm trong Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Hành trình đi tìm dấu chân hàng trăm nhà báo liệt sĩ, những khúc tri ân lắng đọng trước sự tận hiến quên mình, vì Tổ quốc, vì nền báo chí cách mạng Việt Nam đã được các diễn giả chia sẻ trong chương trình, mang đến cho người nghe xúc cảm sâu sắc.

Nhành hoa tri ân

“Màu ký ức” là chương trình được tổ chức nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27.7.1947- 27.7.2024), hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.1925- 21.6.2025).

Các đại biểu, khách mời và các nhà báo, phóng viên tham dự đã trang trọng dâng hoa tưởng niệm 512 nhà báo liệt sĩ ghi danh tại khu tưởng niệm trong Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

“Màu ký ức” tưởng nhớ, tri ân 512 nhà báo liệt sĩ - ảnh 2

Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Bộ VHTTDL, Phó Tổng Biên tập Báo Văn hóa Phan Thanh Nam phát biểu khai mạc chương trình

Mang đến chương trình những câu chuyện, những day dứt và khoảnh khắc sâu lắng là các diễn giả: nhà báo Trần Văn Hiền, nguyên Phó TBT Báo Nghệ An, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Nghệ An; nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam; PGS. TS Phan Tam Đồng, anh trai nhà báo liệt sĩ Phan Tứ Kỷ.

“Màu ký ức” tưởng nhớ, tri ân 512 nhà báo liệt sĩ - ảnh 3

Nhà báo Trần Văn Hiền, nguyên Phó TBT Báo Nghệ An, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Nghệ An chia sẻ về hành trình đi tìm dấu chân các nhà báo liệt sĩ

Phát biểu khai mạc chương trình, Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Bộ VHTTDL, Phó Tổng Biên tập Báo Văn hóa Phan Thanh Nam nhấn mạnh, với vai trò là những thư ký của thời đại, trong gần một thế kỷ qua, các thế hệ người làm báo Việt Nam đã cùng nhau viết nên những trang sử đầy tự hào của nền báo chí cách mạng nước nhà.

“Màu ký ức” tưởng nhớ, tri ân 512 nhà báo liệt sĩ - ảnh 4
Nhà báo Hồ Quang Lợi với những câu chuyện xúc động về các tấm gương nhà báo liệt sĩ

Bảo tàng Báo chí Việt Nam- ngôi nhà di sản của các thế hệ người làm báo, nơi lưu giữ và trưng bày trên 35 ngàn tài liệu, hiện vật qua các thời kỳ của nền báo chí Việt Nam, kể từ khi thành lập đến nay đã trở thành điểm đến có sức thu hút với nhiều cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, của đông đảo các thế hệ người làm báo nước nhà.

“Trong số trên 35 ngàn tài liệu, hiện vật tại Bảo tàng, có những tài liệu, hiện vật  dẫu đã nhuốm màu thời gian nhưng là ký ức vĩnh cửu về những thế hệ nhà báo đầu tiên của nền báo chí Việt Nam.

“Màu ký ức” tưởng nhớ, tri ân 512 nhà báo liệt sĩ - ảnh 5

 PGS. TS Phan Tam Đồng chia sẻ những ký ức về em trai mình- nhà báo liệt sĩ Phan Tứ Kỷ hy sinh tại Quảng Trị

Đặc biệt, có nhiều tài liệu, hiện vật vô giá của những nhà báo- chiến sĩ đã từng xông pha trên chiến trường, giữa mưa bom bão đạn, nhiều người đã đổ máu, đã hi sinh trên con đường đưa thông tin, hình ảnh đến với độc giả…”, Phó Tổng Biên tập Báo Văn Hóa Phan Thanh Nam phát biểu.

Đó không chỉ là những tài sản có giá trị không gì đong đếm được mà Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã dầy công sưu tầm, bảo quản, trưng bày mà còn là những thông điệp đắt giá, là tấm gương để các thế hệ làm báo hôm nay tri ân, soi chiếu và nhắc nhở chính mình trên hành trình tác nghiệp.

“Màu ký ức” tưởng nhớ, tri ân 512 nhà báo liệt sĩ - ảnh 6
Nhà báo Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam với những chia sẻ xúc động trong chương trình

Để có được những tài liệu, hiện vật vô giá đó, các cán bộ của Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã trải qua hành trình gian nan, nhiều khi là những cuộc chạy đua với thời gian. Hơn ai hết, mỗi cán bộ Bảo tàng đều thấm thía rằng, gia tài vô giá mà các thế hệ làm báo đi trước để lại đang mai một từng ngày, nếu không kịp thời, chúng ta sẽ không thể tìm lại.

Để có được những bài báo, cây bút, cuốn sổ hay chiếc máy ảnh, máy quay… là kỷ vật để lại của những nhà báo- liệt sĩ, các cán bộ của Bảo tàng đã không quản ngại khó khăn, vất vả, sẵn sàng lên đường ngay khi có thông tin về hiện vật.

“Màu ký ức” tưởng nhớ, tri ân 512 nhà báo liệt sĩ - ảnh 7
“Màu ký ức” tưởng nhớ, tri ân 512 nhà báo liệt sĩ - ảnh 8
“Màu ký ức” tưởng nhớ, tri ân 512 nhà báo liệt sĩ - ảnh 9
Những khoảnh khắc giao lưu trong chương trình Màu ký ức

Điểm nhấn đặc biệt trong không gian trưng bày của Bảo tàng chính là khu tưởng niệm các nhà báo liệt sĩ, nơi chúng ta trân trọng tri ân và tưởng nhớ những cây bút dũng cảm đã không tiếc máu xương, chẳng quản ngại hi sinh để dấn thân và cống hiến, góp phần tạo nên nền tảng vững chắc, tự hào cho sự phát triển của nền báo chí dân tộc.

Khu tưởng niệm được thiết kế với các vách kính ghép lại với nhau cùng tông màu đỏ chủ đạo, có khắc tên và cơ quan của các nhà báo liệt sĩ từ trước năm 1945 đến nay.

“Màu ký ức” tưởng nhớ, tri ân 512 nhà báo liệt sĩ - ảnh 10
“Màu ký ức” tưởng nhớ, tri ân 512 nhà báo liệt sĩ - ảnh 11
“Màu ký ức” tưởng nhớ, tri ân 512 nhà báo liệt sĩ - ảnh 12

Theo ông Phan Thanh Nam, với chủ đề “Màu ký ức”, chương trình là lời tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay với những nhà báo- liệt sĩ nhân kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ  27.7. Đồng thời, mong muốn gửi gắm thông điệp ý nghĩa tới thế hệ những người cầm bút hôm nay. 

“Màu ký ức có sắc đỏ của máu cha ông đã hi sinh và cống hiến. Màu ký ức có màu xanh hi vọng, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho thế hệ trẻ, trong đó có những người làm báo đương đại. Màu ký ức cũng là sự tôn vinh những hi sinh bất khuất của các nhà báo, phóng viên chiến trường đã tận hiến cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam”, Phó Tổng Biên tập Phan Thanh Nam bày tỏ.

Hành trình đi tìm dấu chân các nhà báo liệt sĩ

Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam Trần Kim Hoa chia sẻ, với niềm biết ơn to lớn những nhà báo đã ngã xuống trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, trong thời kỳ đổi mới, xây dựng Tổ quốc, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã nỗ lực sưu tầm tài liệu, lập hồ sơ 512 nhà báo đã hi sinh và in trang trọng trên bức vách màu đỏ đặt tại khu vực tưởng niệm của Bảo tàng. 

“Màu ký ức” tưởng nhớ, tri ân 512 nhà báo liệt sĩ - ảnh 13
“Màu ký ức” tưởng nhớ, tri ân 512 nhà báo liệt sĩ - ảnh 14
“Màu ký ức” tưởng nhớ, tri ân 512 nhà báo liệt sĩ - ảnh 15
Các đại biểu, khách mời tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Đó là những cây bút ưu tú, tinh thông nghiệp vụ, những cán bộ, nhân viên dũng cảm thuộc nhiều cơ quan báo chí của cả nước như: TTXVN, ĐTNVN, Điện ảnh QĐND, Báo QĐND, Nhân Dân, Cứu quốc, Giải phóng…

“Trong không gian của Bảo tàng Báo chí Việt Nam hôm nay, chúng ta cùng nhau tưởng niệm, tri ân 512 nhà báo liệt sĩ, những tấm gương đã không tiếc máu xương, tuổi trẻ, sẵn sàng hi sinh vì nền báo chí cách mạng Việt Nam”, bà Hoa nhấn mạnh.

“Màu ký ức” tưởng nhớ, tri ân 512 nhà báo liệt sĩ - ảnh 16
“Màu ký ức” tưởng nhớ, tri ân 512 nhà báo liệt sĩ - ảnh 17
Những không gian trưng bày ấn tượng tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Những câu chuyện mang màu ký ức đẹp đẽ, xúc động và tự hào đã nhà báo Trần Văn Hiền, nguyên Phó TBT Báo Nghệ An, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Nghệ An mang đến không gian “Màu ký ức”.

Nhà báo Trần Văn Hiền cũng là người đã miệt mài dành gần 20 năm tìm danh tính hơn 500 đồng nghiệp là liệt sĩ. Day dứt và đau đáu, trải qua hành trình đi tìm dấu chân các nhà báo liệt sĩ, nhà báo Trần Văn Hiền cũng được nhiều người biết đến với bài thơ "Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh". 

“Màu ký ức” tưởng nhớ, tri ân 512 nhà báo liệt sĩ - ảnh 18
“Màu ký ức” tưởng nhớ, tri ân 512 nhà báo liệt sĩ - ảnh 19
“Màu ký ức” tưởng nhớ, tri ân 512 nhà báo liệt sĩ - ảnh 20
Nhiều hiện vật đặc biệt khắc họa lịch sử, ký ức của nền báo chí cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ

Nhà báo Trần Văn Hiền kể, ông có 2 người bạn trong khóa 2, năm 1974 – 1976 ở Đại học báo chí Hà Nội (Học viện Báo chí & Tuyên truyền) là Lang Văn Mẫu (SN 1947, làm báo Hoàng Liên Sơn), người dân tộc Nùng, quê tỉnh Cao Bằng và Vũ Hiến (SN 1947, làm báo Quân chủng Hải quân), quê huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Cả hai người bạn học của ông Hiền đều hy sinh năm 1979, trong lúc tác nghiệp ở biên giới phía Bắc và phía Nam của đất nước.

“Những day dứt, đau đáu về họ thôi thúc tôi phải viết về những nhà báo- liệt sĩ đã tận hiến, dành cả cuộc đời cho Tổ quốc”, nhà báo Trần Văn Hiền xúc động. 

“Màu ký ức” tưởng nhớ, tri ân 512 nhà báo liệt sĩ - ảnh 21
Tập san Văn hóa, tiền thân của Báo Văn Hóa

Trên hành trình miệt mài đi tìm danh tính hơn 500 nhà báo liệt sĩ, nhà báo Trần Văn Hiền chia sẻ, có những ký ức khiến ông không thể nào quên. Những hi sinh quên mình của các nhà báo- liệt sĩ đã  góp phần viết nên trang sử tự hào của nền báo chí cách mạng. “Biết bao nhà báo liệt sĩ đã hi sinh trên chiến trường, trên đường đưa tin ảnh đến độc giả. Họ đã để lại cho chúng ta không chỉ những ký ức thiêng liêng mà  còn là những bài học, thông điệp giá trị”, ông nói.

Chứng kiến những câu chuyện cảm động, với ông Hiền, điều để lại trong ông cũng không chỉ là ký ức, sự tự hào mà cả niềm day dứt. Nhiều nhà báo ra chiến trường hầu như đã xác định sẽ hi sinh, họ viết thư nhắn gửi cho cha mẹ, em gái, em trai…

“Tất cả gia tài của những nhà báo- người lính vào chiến trường chỉ là chiếc xe đạp, chăn chiên. Hành trang trên chiến trường của họ cũng chỉ có cây bút, cuốn sổ, chiếc máy ảnh, nhưng những hi sinh lặng thầm mà lớn lao của họ thế hệ chúng ta hôm nay không được phép lãng quên”, ông Hiền bộc bạch.

“Màu ký ức” tưởng nhớ, tri ân 512 nhà báo liệt sĩ - ảnh 22
Nhà báo Trần Văn Hiền trao tặng sách cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Trăn trở khi thời gian càng lùi xa, việc kiếm tìm thông tin để viết về các nhà báo liệt sĩ sẽ càng gặp nhiều khó khăn, ông Hiền đề nghị, Hội Nhà báo Việt Nam cần có một cuộc thi viết về các nhà báo liệt sĩ. “Những hoạt động ý nghĩa như chương trình giao lưu- tọa đàm này cho tôi được cảm thấy như mình đã thêm một lần trả nợ các anh…”, ông xúc động chia sẻ.

Dấu ấn đặc biệt trong ngôi nhà di sản báo chí

Nhà báo Hồ Quang Lợi với tư cách một nhà báo chiến sĩ, thân nhân liệt sĩ cũng đã chia sẻ những câu chuyện không thể nào quên về những nhà báo liệt sĩ.

“Màu ký ức” tưởng nhớ, tri ân 512 nhà báo liệt sĩ - ảnh 23
Nhà báo Hồ Quang Lợi trao tặng sách cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam và LCH Nhà báo Bộ VHTTDL

Nhà báo Hồ Quang Lợi khẳng định, “Màu ký ức” là chương trình cảm động, là lời tri ân của thế hệ làm báo hôm nay trước những cống hiến, hi sinh của thế hệ đi trước. Càng ý nghĩa hơn khi hoạt động được tổ chức trong Bảo tàng Báo chí Việt Nam- ngôi nhà di sản thiêng liêng của giới báo chí.

“Trong không gian tưởng niệm 512 nhà báo liệt sĩ, chúng ta cảm nhận sợi dây gắn kết giữa hiện tại, tương lai và quá khứ. Trong đó, có những nhà báo đã để dấu ấn vô cùng đặc biệt. Đó là nhà báo liệt sĩ Trần Kim Xuyến, nguyên Phó Giám đốc Nha Thông tin Việt Nam (tiền thân của ĐTNVH và TTXVN ngày nay)- nhà báo đầu tiên đã hi sinh trong kháng chiến chống Pháp.

“Màu ký ức” tưởng nhớ, tri ân 512 nhà báo liệt sĩ - ảnh 24

 PGS. TS Phan Tam Đồng trao tặng sách, hiện vật về nhà báo liệt sĩ Phan Tứ Kỷ

Là nhà báo liệt sĩ Trần Đăng; nhà báo liệt sĩ Hoàng Lộc; nhà báo liệt sĩ Lê Đình Dư…- họ đều là những nhà báo chiến trường của Báo QĐND; hay hình ảnh mãi không phai mờ của nữ nhà báo, phóng viên chiến trường quả cảm Dương Thị Xuân Quý, liệt sĩ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ…  ”, nhà báo Hồ Quang Lợi  chia sẻ.

Theo ông Lợi, ngày hôm nay nhìn lại, chúng ta thấy điều kỳ diệu của một thế hệ những người cầm bút thủa trước. Đó là một thế hệ nhà báo cầm bút ra trận nhưng có tâm hồn vô cùng lãng mạn. Những tấm gương quả cảm quên mình khiến thế hệ hôm nay không khỏi nghẹn ngào, rơi nước mắt.

“Màu ký ức” tưởng nhớ, tri ân 512 nhà báo liệt sĩ - ảnh 25
Nhà báo Phan Thanh Nam, Chủ tịch LCH Nhà báo Bộ VHTTDL,  Phó Tổng Biên tập Báo Văn hóa trao tặng báo, hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam

“Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam đã gần 100 năm. Dấu ấn lớn nhất trong một thế kỷ đó chính là tinh thần dấn thân, cống hiến và hi sinh của các thế hệ nhà báo, trong đó có hơn 500 nhà báo liệt sĩ. Dù cầm bút, máy ảnh hay máy quay thì họ vẫn thực sự là những chiến sĩ xung kích trên chiến trường. Những tấm gương đó để chúng ta tiếp bước và noi theo, để luôn thấy rằng dù ở thời đại nào thì lý tưởng, tâm thế và đạo đức nghề báo vẫn không bao giờ thay đổi", nhà báo Hồ Quang Lợi nhắn nhủ.

“Màu ký ức” tưởng nhớ, tri ân 512 nhà báo liệt sĩ - ảnh 26
Nhà báo Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Chủ tịch LCH, Tổng Biên tập Báo Điện tử Tổ Quốc trao tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam
“Màu ký ức” tưởng nhớ, tri ân 512 nhà báo liệt sĩ - ảnh 27

Nhà báo Hoàng Hà, Phó Chủ tịch LCH, TBT Tạp chí Văn hóa nghệ thuật trao tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Cũng trong khuôn khổ chương trình, các khách mời, nhà báo đã cùng lắng nghe những chia sẻ, trò chuyện với PGS. TS Phan Tam Đồng, anh trai của nhà báo liệt sĩ Phan Tứ Kỷ, liệt sĩ hi sinh năm 1972 ở Quảng Trị.

Ngày vào chiến trường, chàng thanh niên trẻ Phan Tứ Kỷ mang trong mình khát vọng và niềm tin về một ngày tất thắng. Trong bom đạn chiến tranh, những bức ảnh anh chụp, những dòng thư anh viết luôn toát lên tinh thần lạc quan và một sức sống mãnh liệt. Ra đi ở độ tuổi đẹp nhất nhưng những bức ảnh liệt sĩ Phan Tứ Kỷ để lại cho đến nay vẫn sống, vẫn nhắc nhở mỗi người về những năm tháng chiến đấu không thể nào quên…

“Màu ký ức” tưởng nhớ, tri ân 512 nhà báo liệt sĩ - ảnh 28
Các đại biểu, khách mời chụp ảnh lưu niệm

Trong khuôn khổ chương trình, các diễn giả, lãnh đạo các cơ quan báo chí thuộc Liên Chi hội Nhà báo Bộ VHTTDL đã trân trọng trao tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam những kỷ vật liên quan đến các nhà báo- liệt sĩ cùng những ấn phẩm, hiện vật báo chí với mong muốn sẽ được Bảo tàng  lưu giữ, phục vụ công tác trưng bày.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc