Những ký ức sống mãi trên đầu ngọn bút

BẢO NGÂN

VHO - Bên những kỷ vật, trang báo nhuốm màu thời gian, nhà báo Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam xúc động: “Năm 2017, khi Bảo tàng chưa chính thức ra đời, chúng tôi đã có một cuộc gặp gỡ với các nhà báo tuổi 90. Ký ức những năm tháng đã qua chính là tài sản vô giá. Ký ức ấy hiển hiện trên từng hình ảnh, tài liệu, hiện vật…, chính là trái tim, là nhịp đập của Bảo tàng về nền Báo chí Việt Nam qua nhiều thế hệ”.

  Những ký ức sống mãi trên đầu ngọn bút - ảnh 1
Tập san Văn Hóa, tiền thân của Báo Văn Hóa trưng bày tại nội dung Báo chí Việt Nam 1954-1975

 Mong muốn tìm lại ký ức nghề báo nhiều thời đã thôi thúc cán bộ Bảo tàng Báo chí Việt Nam đến mọi vùng miền, từ núi cao đến vùng xa. Trong bộ sưu tập hơn 35 ngàn tài liệu, hiện vật của bảo tàng hôm nay, có những tài sản không gì đong đếm được.

Hành trình tìm về quá khứ

Nhà báo Trần Kim Hoa tâm sự, các cán bộ của Bảo tàng Báo chí Việt Nam rất thấm thía rằng, gia tài vô giá mà các thế hệ làm báo đi trước để lại đang mai một từng ngày mà nếu không kịp thời, chúng ta sẽ không thể tìm lại. Từ những tờ báo đầu tiên đến những tháng ngày mà các nhà báo, chiến sĩ xông pha trên chiến trường, giữa mưa bom bão đạn, nhiều người đã đổ máu, đã hy sinh trên con đường đưa thông tin, đến với độc giả….

“Hành trình của chúng tôi đến mọi vùng miền chính là hành trình trở về quá khứ, để dựng lại một phần câu chuyện lịch sử về các thế hệ nhà báo, những con người đã tạo dựng nền móng cho ngày hôm nay…”, nữ Giám đốc chia sẻ. Chị Hoa nhớ về những ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ, thời điểm được ví như chỉ bằng tay không mà cần dựng nên cả một ngọn đồi. Khó khăn chồng chất, nhưng chỉ cần có tin ở đâu có tài liệu, hiện vật quý là cán bộ bảo tàng lại lên đường. “Chúng tôi đi khắp ba miền, đến nhiều cơ quan báo chí, gặp nhiều nhà báo và tiếp cận nhiều hiện vật vô cùng giá trị. Có những tờ báo, máy chữ, máy ảnh… gắn với dấu mốc lịch sử của dân tộc, tưởng như không thể có được, nhưng cuối cùng nhiều tài sản vô giá như thế đã đến với Bảo tàng”, chị Hoa kể.

Không gian trưng bày cuốn người xem vào dòng chảy đầy ắp thông tin về các chặng đường phát triển của Báo chí Việt Nam. Năm phần trưng bày gồm: Báo chí Việt Nam giai đoạn 1865-1925, Báo chí Việt Nam giai đoạn 1925-1945, Báo chí Việt Nam giai đoạn 1945-1954, Báo chí Việt Nam giai đoạn 1954-1975, Báo chí Việt Nam giai đoạn từ 1975 đến nay. Trong số hơn 35.000 hiện vật, tài liệu của Bảo tàng, có hơn 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam được nghiên cứu, lập hồ sơ, thẩm duyệt để trưng bày thường xuyên. “Ngày 15.4.1865, Gia Định báo, tờ báo tiếng Việt đầu tiên ra mắt tại Sài Gòn, đánh dấu sự ra đời của báo chí Việt Nam. Ngày 21.6.1925, Báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập tại Quảng Châu (Trung Quốc) xuất bản số đầu tiên, mở đầu dòng báo chí cách mạng Việt Nam…”, nữ Giám đốc đứng trước trưng bày Những dấu mốc đầu tiên, nơi có tờ Gia định báo. Sau Gia định báo, tại Sài Gòn, Hà Nội và một số địa phương lần lượt ra đời một số tờ báo và tạp chí khác…

 Cũng có nhiều điểm dừng chân thú vị trên hành trình khám phá bảo tàng như địa điểm giới thiệu về báo Thanh Niên, tờ báo Cách mạng đầu tiên; trưng bày chiếc loa đại, công suất 500W ở bờ bắc sông Bến Hải - vĩ tuyến 17; không gian tái hiện lại một thời làm báo dưới hầm, nơi 12 số báo Nhân Dân đã ra đời trong Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không; quy trình in, tráng ảnh trong buồng tối của Báo ảnh Việt Nam; trưng bày những ấn phẩm báo chí cổ, hình ảnh những tờ báo giai đoạn đầu tiên, trong đó có Tập san Văn Hóa (số ra tháng 7.1958, tiếp theo Số đặc biệt của Hội nghị Cán bộ Văn hóa lần thứ ba), tiền thân của Báo Văn Hóa (Cơ quan ngôn luận của Bộ VHTTDL)…

Thời gian càng lùi xa, việc sưu tầm những tờ báo, hiện vật đầu tiên ấy vô cùng khó khăn. Sưu tầm những số báo Gia Định đầu tiên hay các hiện vật, tài liệu liên quan đến báo chí Việt Nam giai đoạn 1865-1925 là một trong số nhiều thách thức đó. Đọc cuốn lịch sử báo chí của TS Huỳnh Văn Tòng, nhà báo Kim Hoa đã rất mừng khi thấy ông viết rằng trong quá trình tìm kiếm tư liệu, ông phát hiện ở thư viện của Trường Ngôn ngữ và Văn minh Paris (Pháp) có lưu trữ những số báo Gia Định ra đời sớm nhất. Cán bộ bảo tàng liên hệ với phía thư viện và thật bất ngờ, họ cung cấp hơn 30 hình ảnh scan những tài liệu về báo chí Việt Nam giai đoạn khởi thủy; trong số đó có bản scan của tờ Gia định báo (số 4, phát hành  ngày 15.7.1865). Tờ báo hiện đang được trưng bày trang trọng tại bảo tàng.

Rất nhiều câu chuyện đi tìm ký ức nghề như vậy đã được nhà báo, Giám đốc bảo tàng chia sẻ với chúng tôi. Ở vị trí trung tâm trong phần trưng bày Báo chí Việt Nam 1925-1945 là những hình ảnh về tờ báo Le Paria (Người cùng khổ). Năm 1922, báo Le Paria, diễn đàn của các dân tộc thuộc địa xuất bản bằng tiếng Pháp ngay tại Paris. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc phụ trách chính việc tổ chức viết bài, biên tập, sửa morat, in ấn, phát hành. Báo ra được 38 số từ tháng 4.1922 đến 4.1926. Thật may mắn, đến nay bảo tàng đã sưu tầm được 30/38 số Le Paria (bản số hóa).

Quá trình sưu tầm các số báo đã để lại nhiều kỷ niệm khó quên. Năm 2022, Le Paria tròn 100 năm ra đời, xác định nếu sưu tầm được các số báo này thì có thể kể lại quá trình làm báo của Bác một cách rõ ràng, thuyết phục hơn, nhưng rõ ràng để làm được điều mong muốn ấy thì gần như không tưởng. “Chúng tôi không dám mong mình sẽ có được, thời điểm đó lại có dịch Covid-19 nên mọi thứ càng khó hơn, nhưng khi cán bộ bảo tàng chủ động liên hệ với Thư viện, Bảo tàng của Pháp thì như có phép màu, chúng tôi nhận được sự giúp đỡ. Thực sự hạnh phúc khi được sở hữu tài sản vô giá liên quan đến quá trình hoạt động báo chí của Bác Hồ…”, chị Kim Hoa nhớ lại.

  Những ký ức sống mãi trên đầu ngọn bút - ảnh 2
Tập san Văn Hóa, tiền thân của Báo Văn Hóa trưng bày tại Bảo tàng

Nơi sống mãi ký ức người làm báo

Cứ thế chắt chiu, ngôi nhà lưu giữ ký ức, di sản của báo chí Việt Nam ngày càng giàu có hơn. Những câu chuyện về các thế hệ người làm báo đi trước đang được thế hệ hôm nay miệt mài góp nhặt để kể cho công chúng. Đó là những câu chuyện về sự dấn thân, không tiếc máu xương, sẵn sàng hy sinh để viết nên những trang vàng trong lịch sử báo chí nước nhà.

Ở mỗi không gian trưng bày, người xem không chỉ bị thu hút bởi cách bài trí hiện đại, cách nhấn nhá kể chuyện báo chí theo ngôn ngữ bảo tàng, mà còn là những câu chuyện về những nhà báo vô cùng đặc biệt. Đó là niên biểu về hành trình làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với từng dấu mốc cụ thể. Đó là hình ảnh những cây bút xuất sắc, những nhà báo đã tạo nên vũ khí báo chí sắc bén trong lịch sử đấu tranh cách mạng giai đoạn 1930- 1945, quy tụ nhiều nhà tổ chức báo chí tiêu biểu và nhiều cây bút tài năng, trong đó có nhiều người là cán bộ lãnh đạo cao cấp, nhà tư tưởng, nhà lý luận chính trị xuất sắc như Tổng Bí thư Trần Phú, Tổng Bí thư Hà Huy Tập, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư Trường Chinh; Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Nhà hoạt động cách mạng Phan Đăng Lưu; Nhà hoạt động cách mạng Nguyễn Đức Cảnh, Bộ trưởng Trần Huy Liệu…

Cũng có nhiều điểm dừng chân thú vị trên hành trình khám phá bảo tàng như địa điểm giới thiệu về báo Thanh Niên, tờ báo Cách mạng đầu tiên; trưng bày chiếc loa đại, công suất 500W ở bờ bắc sông Bến Hải - vĩ tuyến 17; không gian tái hiện lại một thời làm báo dưới hầm, nơi 12 số báo Nhân Dân đã ra đời trong Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không; quy trình in, tráng ảnh trong buồng tối của Báo ảnh Việt Nam; trưng bày những ấn phẩm báo chí cổ, hình ảnh những tờ báo giai đoạn đầu tiên, trong đó có Tập san Văn hóa (số ra tháng 7.1958, tiếp theo Số đặc biệt của Hội nghị Cán bộ Văn hóa lần thứ ba), tiền thân của Báo Văn Hóa (Cơ quan ngôn luận của Bộ VHTTDL)…

Không gian trưng bày của bảo tàng cũng có một bức vách đặc biệt, nơi in tên nhiều tờ báo mà theo Giám đốc Trần Kim Hoa, đó là những ấn phẩm mà chúng ta chỉ nghe tên mà không biết “mặt”. Cũng có nhiều hình ảnh thú vị, giàu thông tin, khẳng định vai trò “thư ký thời đại” của báo chí. “Như trên Tờ Sinh lực, Tuần báo Thanh niên và Thể thao được xuất bản vào thời điểm phong trào bình dân học vụ đang phát triển, hình ảnh trang bìa là một bạn gái đồng quê đang khảo chữ ở đầu cầu Long Biên, như một thông điệp về phong trào diệt giặc dốt lúc bấy giờ. Hay hình ảnh trạm phát hành báo Cứu quốc, nhân viên sử dụng xe đạp để làm nhiệm vụ. Đây là tờ báo hằng ngày duy nhất của Đảng và nhân dân ta trong thời kỳ Toàn dân kháng chiến 1946-1954. Tờ báo ra đều đặn suốt gần 3.000 ngày trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt, gian khổ, thiếu thốn…”, nhà báo Kim Hoa cho biết.

  Những ký ức sống mãi trên đầu ngọn bút - ảnh 3
Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam giới thiệu một không gian trưng bày

Trong những điểm nhấn trưng bày, đặc biệt có hình tượng bút sen ở gian khánh tiết, bục kim cương ở gian trưng bày các tài liệu, hiện vật liên quan đến báo chí Việt Nam giai đoạn 1865-1925… Theo lãnh đạo bảo tàng, nghề báo, những người làm báo thường gắn liền với hình ảnh cây bút. Hình tượng cây bút trên cánh sen mang hàm ý tôn vinh nhân cách, đạo đức trong sáng của nghề báo, người làm báo. Bục kim cương ở gian trưng bày các tài liệu, hiện vật về giai đoạn 1865-1925 giới thiệu hình ảnh những tờ báo cổ nhất trên thế giới, trong khu vực và Việt Nam…

Một điểm nhấn khác là phần trưng bày Báo chí Chiến khu với những thông tin về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Năm 1949, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời tại thôn Bờ Rạ (nay thuộc Tân Thái, Đại Từ, Thái Nguyên).

Những ký ức sống mãi

Câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà báo vĩ đại nhất trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam được trình bày trang trọng, như một lời nhắc nhở thời sự với mọi thế hệ người làm báo Việt Nam: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.

 Trong những điểm nhấn trưng bày, đặc biệt có hình tượng bút sen ở gian khánh tiết, bục kim cương ở gian trưng bày các tài liệu, hiện vật liên quan đến báo chí Việt Nam giai đoạn 1865-1925… Theo lãnh đạo bảo tàng, nghề báo, những người làm báo thường gắn liền với hình ảnh cây bút. Hình tượng cây bút trên cánh sen mang hàm ý tôn vinh nhân cách, đạo đức trong sáng của nghề báo, người làm báo. Bục kim cương ở gian trưng bày các tài liệu, hiện vật về giai đoạn 1865-1925 giới thiệu hình ảnh những tờ báo cổ nhất trên thế giới, trong khu vực và Việt Nam…

Khao khát được kể nhiều nhất những câu chuyện về ký ức nghề báo với công chúng, bên cạnh những hiện vật được chính các nhà báo lão thành hoặc gia đình trao tặng thì có không ít hiện vật cán bộ bảo tàng phải cất công sưu tầm. “Có những nhà báo vừa mất đi nhưng họ đã để lại hiện vật vô giá cho chúng tôi. Có những trưa hè nóng ran, cán bộ bảo tàng lặn lội để sưu tầm hiện vật chiếc xe đạp của một nhà báo liệt sĩ. Có những đợt vượt mưa vượt lũ ở Đà Nẵng, Nha Trang để mang về những hiện vật là các tờ báo, cuốn sổ, máy ảnh, kỷ vật mà các nhà báo đã tin tưởng trao gửi…”, Giám đốc Bảo tàng Trần Kim Hoa chia sẻ. Thế nhưng, với những cán bộ bảo tàng, lặn lội đường xa, nắng nóng, mưa, lụt... chỉ là những khó khăn rất nhỏ so với những hy sinh của thế hệ nhà báo đi trước. Trong các cuộc kháng chiến, nhiều các thế hệ nhà báo đã để lại xương máu trên khắp các vùng miền đất nước, nhiều nhà báo đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ… Máu, mồ hôi và ký ức của biết bao thế hệ vẫn luôn sống mãi trên đầu cây bút, trong từng trang báo, từng thước phim để lại.

Nữ nhà báo, Giám đốc Bảo tàng trùng giọng, phát huy truyền thống Uống nước nhớ nguồn, Bảo tàng Báo chí Việt Nam dành riêng một khu vực tưởng niệm các nhà báo liệt sĩ, những người đã ngã xuống vì Tổ quốc, vì sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam. Đây cũng là địa chỉ về nguồn của nhiều cơ quan báo chí, nhiều nhà báo thế hệ hôm nay. Họ đến để tưởng niệm và nhớ về những tháng ngày làm báo vô cùng vất vả của cha anh thủơ trước.