Tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng
VHO - Ngày 18.1, tại xã Tân Thái, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tổ chức khởi công tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi phát biểu tại Lễ khởi công
Tham dự Lễ khởi công có Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên Đặng Xuân Trường; lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện các Sở, ngành tỉnh Thái Nguyên, UBND huyện Đại Từ, xã Tân Thái, Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Ban Quản lý Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Dự án được xây dựng trên diện tích 859m2, gồm các hạng mục: Nhà Tổng bộ Việt Minh phỏng dựng, xây mới theo kiến trúc nhà sàn truyền thống; Nhà dạy học làm báo hai tầng, được xây mới trên cơ sở thiết kế theo hình ảnh tư liệu và một số hạng mục khác như tường rào, cổng, nhà bảo vệ… Dự án do Hội Nhà báo Việt Nam làm chủ đầu tư, bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Phát biểu tại Lễ khởi công, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết, theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 4.4.1949, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được thành lập tại xóm Bờ Rạ, xã Tân Thái, huyện Đại Từ. Đây là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên ra đời trong khói súng của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong vòng 3 tháng, Trường đào tạo được một khóa học ngắn hạn cho hơn 40 học viên là cán bộ chính trị, quân sự, báo chí của cả nước. Lớp học được hơn 30 giảng viên trực tiếp giảng dạy là các đồng chí lãnh đạo giàu kinh nghiệm, bản lĩnh chính trị, phong phú về lý luận như: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Nguyễn Tuân…
Các đại biểu thực hiện nghi lễ động thổ xây dựng công trình
“Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời là dấu mốc đặc biệt gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy đầu tiên của báo chí cách mạng, vị lãnh tụ xuất sắc của dân tộc ta”, ông Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, nhằm khắc ghi một sự kiện lịch sử về lớp nhà báo kháng chiến tiên phong trên mặt trận báo chí đã từng dành cả đời mình vì mục tiêu “Tất cả để chiến thắng” góp sức làm nên truyền thống vẻ vang và sức sống của báo chí cách mạng nước ta, trên cơ sở những hồ sơ, tài liệu, hiện vật do Bảo tàng Báo chí Việt Nam dày công sưu tầm, chuẩn bị, với quyết tâm rất cao của lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, sự quan tâm của các cấp ủy chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên và ngành văn hóa, địa chỉ đỏ nơi tổ chức Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã được khoanh vùng bảo vệ và được Bộ VHTTDL công nhận là di tích quốc gia năm 2019 đúng dịp kỷ niệm 70 năm thành lập trường.
Các đại biểu nghe giới thiệu về phối cảnh công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: “Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã được Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đạo lập dự án tu bổ, tôn tạo Di tích địa điểm thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, được lãnh đạo và các ban ngành của tỉnh Thái Nguyên tin tưởng giao trọng trách chủ đầu tư. Nhờ vậy các công việc chuẩn bị bước đầu đã hoàn tất và hôm nay chúng tôi vui mừng được hiện diện ở đây cùng quý vị để long trọng tổ chức lễ động thổ khởi đầu cho việc xây dựng công trình”.
Công trình có ý nghĩa văn hóa, lịch sử của báo chí cách mạng Việt Nam, cùng với sự hình thành, phát triển của Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc trên địa bàn xã Tân Thái tạo nên tổng thể hài hòa về văn hóa và du lịch. Dự án phấn đấu hoàn thiện, đưa vào sử dụng hướng tới kỷ niệm 75 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (4.4.2024) và 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.2025).
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Xuân Trường tặng quà cho các hộ nghèo tại xã Tân Thái (Đại Từ)
Khẳng định Di tích lịch sử Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là di tích quan trọng trong toàn bộ hệ thống di tích lịch sử cách mạng về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Trung ương, Chính phủ, chiến khu Việt Bắc và nền báo chí cách mạng Việt Nam, Quyền Chủ tịch UBND huyện Đại Từ Nguyễn Nam Tiến chia sẻ, nơi đây đã có biết bao chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hoá được trưởng thành đóng góp quan trọng trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.
“Trong tương lai không xa với vị thế của Di tích lịch sử quốc gia và sự hình thành phát triển của Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc trên địa bàn xã Tân Thái, huyện Đại Từ sẽ tạo nên một tổng thể hài hoà về văn hoá và du lịch”, đồng chí Nguyễn Nam Tiến bày tỏ tin tưởng. Đồng thời, ông Nguyễn Nam Tiến đề nghị các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân tạo những điều kiện thuận lợi nhất để công trình hoàn thành đúng tiến độ.
Dịp này, Tổng Công ty phân bón và hóa chất dầu khí (Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) trao tặng 900 suất quà Tết trị giá 500 triệu đồng cho hộ nghèo, gia đình chính sách của huyện Đại Từ.
THANH BÌNH