Chuyện xưa ngời sáng hôm nay
VHO - Một trong những điểm nhấn tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam luôn thu hút sự quan tâm của công chúng là không gian trưng bày tư liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan đến ngôi trường dạy làm báo mang tên Huỳnh Thúc Kháng, cơ sở đào tạo nguồn nhân lực báo chí đầu tiên và duy nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong giai đoạn 1945-1954.
Vì sao một ngôi trường tranh tre, nứa lá giữa rừng xanh Việt Bắc với thời gian tính từ khi ngày khai giảng và đến ngày bế giảng thực tế chỉ tồn tại vẻn vẹn 3 tháng lại có thể đi vào lịch sử kháng chiến, lịch sử Việt Bắc, lịch sử báo chí cách mạng sống động như một dấu son ngời sáng như vậy? Đó chính là điểm đặc biệt của ngôi trường này.
Xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí
Năm 1949, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn ác liệt. Nhiệm vụ đẩy mạnh tuyên truyền trên báo chí trong giai đoạn chuẩn bị tổng phản công và tổng phản công thắng lợi theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã được Tổng bộ Việt Minh và Đoàn Báo chí Kháng chiến chủ động thực hiện với sáng kiến xúc tiến thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Tên trường do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn đặt.
Người đặc biệt quan tâm và hai lần liền trong hai tháng dành thời gian viết thư động viên tinh thầy dạy và học của thầy, trò nhà trường lúc đó. Người căn dặn: “Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô, thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu: Tất cả để chiến thắng!”. Có thực mới vực được đạo, giữa hoàn cảnh kháng chiến khó khăn ngặt nghèo, tại chốn rừng xanh núi đỏ của đất Tân Thái, Đại Từ (Thái Nguyên), việc dựng lên một ngôi trường là hoàn toàn không dễ. Và báo Cứu Quốc đã nhận việc khó này, đảm đương việc tạo dựng cơ sở vật chất, chăm lo việc dạy và học cũng như đời sống ăn ở cho thầy và trò. Tại “Giảng đường Huỳnh Thúc Kháng” vào tối 4.4.1949, học viên Nông Viết Liêm lúc đó đã phải thốt lên: “Trường đẹp lắm! Nhà làm rất to, cao ráo, xếp thành chữ U ôm lấy một khoảng sân rộng. Nhà bếp, nhà ăn, nhà ngủ, phòng Giám đốc, giảng đường… đủ cả. Thích nhất cái giảng đường. Cũng rộng, cũng thoáng, sáng sủa và bàn ghế xếp cao dần thành bục giảng. Y như một giảng đường giữa Hà Nội thời nào!”
Đó là những ngày tháng ngắn ngủi nhưng tuyệt vời trong ký ức những người được tham dự giảng dạy và học tập nơi đây. Cuốn sổ cảm tưởng còn nguyên bút tích của các giảng viên, khách mời và học viên Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng năm 1949 để lại, may mắn đã được Bảo tàng Báo chí Việt Nam tiếp nhận ngay từ khi Bảo tàng còn đang làm hồ sơ, thủ tục thành lập năm 2014, là một trong những hiện vật quý giá đã góp phần “kể” một cách thuyết phục và đầy đủ về điều này. Quá trình khai thác tư liệu, gặp gỡ các học viên còn sống và nghiên cứu các tư liệu, di vật để lại, những người làm Bảo tàng Báo chí Việt Nam thực sự may mắn khi có thể từng bước giở lại từng trang, lần hồi tiếp cận và bước vào câu chuyện đào luyện nhân tài nghề báo hơn 70 năm trước…
Giám đốc Trường hồi đó là nhà báo Đỗ Đức Dục, Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh, Chủ nhiệm báo Độc lập. Một trí thức trẻ, một “con dao pha” sắc sảo của làng báo trước 1945, nguyên Thư ký toà soạn báo Thanh Nghị. Nhà báo Xuân Thủy, người tham gia thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam, Việt Nam Thông tấn xã, giữ chức Phó Giám đốc của trường, với cương vị Thường trực Tổng bộ Việt Minh, Chủ nhiệm báo Cứu Quốc và Chủ tịch Đoàn Báo chí kháng chiến. Các Ủy viên Thường trực của trường bao gồm nhà báo Như Phong, Chủ nhiệm báo Cứu Quốc Liên khu X; nhà văn, nhà báo Đồ Phồn; nhà thơ, nhà báo Tú Mỡ.
Phải khẳng định một điều, Trường Huỳnh Thúc Kháng thuở đó đã có được một đội ngũ giảng viên hùng hậu mà sau này, các cơ sở đào tạo báo chí trong nước ta thời kỳ nào cũng khó sánh nổi, với sự tham gia đứng lớp của các nhà hoạt động chính trị xuất sắc, các nhà báo, văn nghệ sĩ hàng đầu như Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Trần Huy Liệu, Đỗ Đức Dục, Xuân Thủy, Nguyễn Văn Tạo, Đào Duy Kỳ, Vũ Đình Hòe, Lý Ban, Hoàng Tuấn, Hà Xuân Trường, Nguyễn Thành Lê, Quang Đạm, Đồ Phồn, Như Phong, Tú Mỡ, Xuân Diệu, Nguyễn Xuân Khoát, Trần Đình Thọ, Nguyễn Huy Tưởng, Thế Lữ, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao, Văn Tân, Từ Giấy, Nguyễn Văn Hải...
Tha thiết mong anh viết cho dân, về dân…
Khai giảng ngày 4.4.1949, bế giảng ngày 6.7.1949, thời gian học dù bị rút ngắn xuống 3 tháng do tình hình chiến sự và yêu cầu cụ thể của cuộc kháng chiến, nhưng chương trình học vẫn được thiết kế đảm bảo khoa học, hiệu quả, phong phú và hấp dẫn từ lý thuyết chung về báo chí đến các thể loại báo chí như tin, phóng sự, xã luận..., các kiến thức nền quan trọng về văn học, hội họa, âm nhạc, về kỹ thuật biên tập và trình bày báo, kể cả in ấn và xuất bản, phát hành báo.
Khóa học chiêu sinh được 42 học viên, chủ yếu là những người đã có kinh nghiệm làm báo và đang thuộc biên chế các báo Trung ương và địa phương từ Nghệ An trở ra bấy giờ như: Nguyên Bình, An Châu, Mai Thanh Hải, Mai Hồ, Lưu Hương, Hải Như, Phạm Viết Thiệu, Nguyễn Thọ (báo Cứu Quốc), Trần Tất Đắc (Đài Tiếng nói Việt Nam), Tống Quang Khải (Nha Thông tin, báo Courrier du Vietnam), Trần Kiên (báo Độc Lập), Ngô Tùng, Mai Cương (báo Lao động), Nông Việt Liêm (báo Cao Bằng), Đặng Vân (Tuyên huấn Bắc Giang), Phương Lâm (báo Phụ nữ Cứu Quốc Liên khu X) và một số học viên khác như Vương Như Chiêm, Lý Thị Trung, Dương Thanh Huyên, Hữu Mai, Từ Bích Hoàng, Trần Vũ...
Khai giảng ngày 4.4.1949, bế giảng ngày 6.7.1949, thời gian học dù bị rút ngắn xuống 3 tháng do tình hình chiến sự và yêu cầu cụ thể của cuộc kháng chiến, nhưng chương trình học vẫn được thiết kế đảm bảo khoa học, hiệu quả, phong phú và hấp dẫn từ lý thuyết chung về báo chí đến các thể loại báo chí như tin, phóng sự, xã luận..., các kiến thức nền quan trọng về văn học, hội họa, âm nhạc, về kỹ thuật biên tập và trình bày báo, kể cả in ấn và xuất bản, phát hành báo.
Học kết hợp với hành. Học viên được thầy ra đề làm bài ngay tại lớp, hoặc hướng dẫn thực tập viết báo, làm báo ngay ở trường, rồi lại được dẫn đi thực tập. Giờ học nghiêm túc, không khí học say sưa, kết quả học được đánh giá chặt chẽ, kịp thời, thầy và trò đều rất phấn chấn, học viên càng thêm yêu nghề. Học viên, nhà báo Mai Thanh Hải kể rằng, giảng viên, nhà báo Nguyễn Thành Lê, lúc ấy là Chủ nhiệm báo Độc Lập, từng ghi vào sổ lưu niệm của một trò như sau: “Nước chúng ta đang ở trong tình trạng thiếu cán bộ trong tất cả mọi ngành mà báo chí lại là ngành thiếu cán bộ nhất … Lấy tư cách một người bạn, tôi khuyên đồng chí không nên đổi nghề một khi đã chọn nghề báo này”; còn thầy Lê Quang Đạo, lúc ấy là Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương của Đảng, viết: “Tôi tha thiết mong anh viết cho dân, về dân, nói lên được những vui buồn của dân, học được những cái hay của dân và dự phần vào việc hướng dẫn dân tiến bộ!”.
Sau lễ tốt nghiệp, các học viên lập tức trở về nhận nhiệm vụ tại các cơ quan báo chí, tuyên truyền. Nhiều người đã trở thành những cây bút chủ lực trong làng báo và nổi tiếng trên văn đàn, góp phần tạo dựng những nền móng quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ của nền báo chí cách mạng nước ta.
Tôn vinh một di sản báo chí to lớn
Dịp Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tròn 70 năm thành lập (4.1949 -4.2019), Hội Nhà báo Việt Nam và tỉnh Thái Nguyên tổ chức long trọng Lễ Kỷ niệm và đặt bia di tích Trường thuộc địa bàn xã Tân Thái, huyện Đại Từ (Thái Nguyên).
Đầu năm 2024, thiết thực chào mừng Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tròn 75 năm thành lập (4.1949 - 4.2024), Hội Nhà báo Việt Nam và tỉnh Thái Nguyên phối hợp xây dựng hồ sơ và tiến hành tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, giao Bảo tàng Báo chí Việt Nam trực tiếp làm chủ đầu tư công trình. Dự kiến công trình sẽ hoàn thiện và tổ chức khánh thành vào dịp kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và ngày Quốc khánh năm 2024 và hướng tới kỷ niệm 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925- 21.6.2025).
Giờ đây, bên bờ Hồ Núi Cốc, soi bóng xuống vùng đất Tân Thái tưởng nhớ về câu chuyện sôi nổi và xúc động của một giảng đường nghề báo 75 năm trước, đang gấp rút hình thành một quần thể di tích được thiết kế và thi công phỏng dựng từ những ký ức và tư liệu còn lại về ngôi nhà, giảng đường tre nứa trên đồi cùng ngôi nhà sàn của Tổng bộ Việt Minh, như hai bảo tàng thu nhỏ, được Bảo tàng Báo chí Việt Nam nỗ lực thực hiện hai trưng bày “Báo chí chiến khu Việt Bắc” và “Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng”. Nổi bật không kém là “quảng trường mini” rộng trên 200m2, với bức phù điêu cao 4m và rộng 7,8m do nhà điêu khắc Phạm Sinh và họa sĩ Ngô Xuân Khôi cùng các học trò của hai ông thực hiện, chắc chắn sẽ gây bất ngờ và tạo cảm xúc cho khách tham quan.
Công trình tu bổ, tôn tạo di tích “Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng” tại vùng đất lịch sử 75 năm trước tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) luôn là niềm tự hào, là nỗ lực và tâm huyết tôn vinh một di sản báo chí to lớn mà Hồ Chủ tịch và các nhà báo cách mạng tiền bối đã để lại cho các thế hệ nhà báo hôm nay của những người làm Bảo tàng Báo chí chúng tôi.