Lễ hội Sen Hà Nội 2024: Tôn vinh giá trị hoa sen trong đời sống người Việt
VHO - Tối 12.7, tại Không gian Văn hóa sáng tạo Tây Hồ (Hà Nội), Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2024 đã chính thức khai mạc, thu hút trên 5.000 đại biểu và du khách tham dự.
Lễ hội Sen Hà Nội 2024 do UBND quận Tây Hồ cùng các đơn vị, cơ quan thuộc Sở VHTT, Sở Du lịch, Sở NN&PTNT thực hiện nhằm hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10.10.1954 - 10.10.2024) và những ngày lễ lớn của đất nước.
Trong khuôn khổ lễ hội còn có không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP với trên 100 gian hàng của 33 tỉnh miền núi phía Bắc; trưng bày, quảng bá hơn 1.000 sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền. Điểm nhấn trong không gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm về sen là “Chân dung Bác Hồ” được ghép từ gần 2.000 bức ảnh về sen và "Thăng Long huyền diệu hoa" được tạo từ trên 10.000 bông hoa sen quan âm.
Với chủ đề “Sắc sen Hà Nội”, Lễ hội mong muốn quảng bá, tôn vinh những nét đẹp, giá trị văn hoá của Thăng Long Hà Nội, của vùng đất Tây Hồ, của “Sen” - loài hoa tượng trưng cho khí phách, bản sắc tâm hồn Việt.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: “Thành phố đang tập trung phát triển cây sen như một phần trong chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp đô thị và du lịch. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi để phù hợp với tiến trình đô thị hóa và xây dựng đô thị sinh thái bền vững”.
Từ bao đời, hoa sen trong tâm thức của người Việt là biểu tượng của sự thuần khiết, trong sáng, tượng trưng cho khí phách, bản sắc tâm hồn Việt. Bởi vậy mà người Việt Nam luôn tự hào thể hiện nét đẹp của hoa sen trước bạn bè quốc tế.
Ngày nay, cây sen được phát triển ở nhiều huyện ngoại thành Hà Nội gắn với du lịch sinh thái và làm nguyên liệu cao cấp cho ngành dệt may, chế biến hương liệu, tinh bột. Trong đó, có tơ sen "độc nhất vô nhị" ở Việt Nam do nghệ nhân Phan Thị Thuận sản xuất, hay trà sen Tây Hồ nức tiếng bởi hương vị tinh túy của trời đất; mâm cỗ sen sản phẩm du lịch ẩm thực độc đáo hút khách ở làng cổ Đường Lâm…
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, đây là một hoạt động cụ thể hiện thực hóa Chương trình 04 của Thành ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”; Chương trình số 06 về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” và Nghị quyết số 09 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Thành ủy Hà Nội.