Lễ hội điện Huệ Nam được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
VHO - Bộ trưởng Bộ VHTTDL vừa có quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội điện Huệ Nam (hay điện Hòn Chén) của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo quyết định số 3981/QĐ-BVHTTDL ngày 10.12 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, lễ hội điện Huệ Nam (loại hình lễ hội truyền thống) tại xã Hương Thọ, TP. Huế được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội điện Huệ Nam thường tổ chức vào dịp tháng 3 và tháng 7 âm lịch hàng năm, được xem là sinh hoạt truyền thống mang yếu tố văn hoá tâm linh thờ phụng Thánh Mẫu Thiên Y A Na.
Hoạt động của lễ hội thu hút đông đảo tín đồ của tín ngưỡng Thờ Mẫu với hàng vạn lượt người từ các tỉnh, thành về tham dự. Đây cũng được xem là một lễ hội văn hóa dân gian truyền thống mang tính cộng đồng đặc trưng của vùng đất Cố đô Huế.
Các hoạt động của lễ hội phần lớn được tổ chức tại di tích điện Huệ Nam, hay còn gọi là điện Hòn Chén, nằm ở ven thượng nguồn sông Hương qua địa bàn xã Hương Thọ, TP. Huế.
Cũng trong dịp này, Bộ trưởng Bộ VHTTDL cũng có quyết định số 3979/QĐ-BVHTTDL về công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề làm bún Vân Cù (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Nghề làm bún Vân Cù là làng nghề truyền thống nổi tiếng, được hình thành cách đây gần 400 năm. Hiện nay, nghề này có hơn 100 hộ dân tham gia sản xuất, cung ứng cho người tiêu dùng và mang lại nguồn thu nhập bền vững cho người dân.
Trước đó, vào tháng 8.2024, Bộ trường Bộ VHTTDL cũng đã có quyết định ghi danh “Tri thức may và mặc Áo dài Huế” là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến nay, Thừa Thiên Huế có 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam; Ca Huế; Nghề dệt Dèng; Lễ hội Aza Koonh; Tri thức may và mặc Áo dài Huế; Lễ hội điện Huệ Nam; Nghề làm bún Vân Cù.