Chương trình số 06-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội:

Lấy văn hóa, con người làm trung tâm để phát triển Thủ đô

ĐÌNH TOÁN

VHO - Sau hơn 4 năm triển khai, với ý nghĩa của một chương trình mang đầy đủ các nguồn lực về cơ chế, chính sách, pháp lý… Chương trình số 06-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh (giai đoạn 2021-2025) đã góp phần khơi thông nguồn lực; đưa văn hóa, con người trở thành trung tâm của sự phát triển trong bối cảnh Thủ đô cùng cả nước đang bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Lấy văn hóa, con người làm trung tâm để phát triển Thủ đô - ảnh 1
Toàn cảnh Hội nghị

Vừa qua, Ban Chỉ đạo Chương trình số 06- CTr/TU đã tổ chức Hội nghị tổng kết việc thực hiện chương trình.

“Về đích” ấn tượng

Theo Ban Chỉ đạo chương trình, đến nay, 18/18 chỉ tiêu của chương trình đã hoàn thành theo kế hoạch hằng năm, trong đó có 2 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Để tăng tính hiệu quả, việc thực hiện Chương trình 06 được gắn với thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, trọng tâm là xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh bằng các nội dung cụ thể như xây dựng gia đình văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa trong cộng đồng…

 “Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục cụ thể hóa mục tiêu phát triển văn hóa, giáo dục, du lịch trong các quy hoạch tổng thể và định hướng phát triển của Thủ đô. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thành phố cũng sẽ tăng cường hội nhập quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương trong và ngoài nước nhằm làm phong phú, khơi nguồn và phát triển vốn quý văn hóa của Thủ đô. Từ đó, đưa văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng trong xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại người dân hạnh phúc; để Hà Nội trở thành điểm sáng về phát triển văn hóa, điểm đến của bạn bè quốc tế”.

(Ông NGUYỄN VĂN PHONG - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06)

Việc hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) được coi là điểm sáng của Thủ đô. Bước đầu, thành phố đã huy động được các nguồn lực từ xã hội và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Trong đó, phải kể đến việc xây dựng 5 không gian văn hóa sáng tạo tại quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, các công viên sáng tạo tại quận Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Đống Đa; các sản phẩm CNVH gắn với công nghệ 3D mapping tại đền Ngọc Sơn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Lễ hội ánh sáng Tây Hồ Tây, Lễ hội Sen Tây Hồ…

Với sự đổi mới tư duy cùng các nguồn lực từ chương trình, ngành Du lịch Thủ đô đã xây dựng những sản phẩm du lịch đem lại trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn cho du khách, nhất là các hoạt động du lịch đêm, điển hình như tour Đêm thiêng liêng tại di tích Hỏa Lò; tour đêm Giải mã Hoàng thành Thăng Long của Trung tâm Hoàng thành Thăng Long; tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám Tinh hoa đạo học

Một điểm nhấn khác trong phát triển sản phẩm du lịch của thành phố là hình thành những tuyến du lịch văn hóa - làng nghề tại khu vực ngoại thành.

Trong lĩnh vực thể thao, thành phố đã ban hành kế hoạch đào tạo huấn luyện viên, vận động viên thành tích cao, tập trung vào các môn trọng điểm thuộc hệ thống thi đấu Olympic và ASIAD. Công tác phát triển thể thao thành tích cao tiếp tục được duy trì ổn định và có trọng tâm.

Song song đó, phong trào thể dục thể thao (TDTT) quần chúng được chú trọng đẩy mạnh, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng và xây dựng lối sống lành mạnh.

Thành phố đang từng bước hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, hướng tới năm 2025 đạt tỷ lệ 42,5% người dân tham gia tập luyện TDTT thường xuyên và 32,5% hộ gia đình có người tham gia luyện tập trở lên.

Đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, được Hà Nội xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và là khâu đột phá chiến lược, góp phần tạo nền tảng vững chắc để Thủ đô thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hướng tới phát triển toàn diện, nhanh và bền vững.

Thành phố không ngừng chỉ đạo, triển khai nhiều mô hình giáo dục mới, đồng thời đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn.

Trong đó, việc đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy, kiểm tra và đánh giá được xác định là yếu tố then chốt, đảm bảo quá trình dạy và học ngày càng sát thực tiễn, phát huy năng lực người học.

Lấy văn hóa, con người làm trung tâm để phát triển Thủ đô - ảnh 2
Hà Nội đang nỗ lực tạo đột phá trong phát triển văn hóa, con người. Trong ảnh, điệu múa “Con đĩ đánh bồng” của làng Triều Khúc

Đổi mới, sáng tạo toàn diện

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Chỉ đạo chương trình cũng thẳng thắn nhận diện những khó khăn, hạn chế cần phải sớm khắc phục. Một số nơi việc tổ chức thực hiện các nội dung hiệu quả chưa cao, còn mang tính hình thức.

Sự phối hợp của một số cơ quan, địa phương có lúc, có nơi còn chưa thường xuyên, hiệu quả. Chính sách ưu đãi, tạo điều kiện phát triển các ngành CNVH chưa được bổ sung, hoàn thiện kịp thời…

Để khắc phục những tồn tại và thể hiện quyết tâm phát triển văn hóa, con người Thủ đô trong thời đại mới, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng nhấn mạnh: Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa nói chung và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở nói riêng đến các cấp, ngành và toàn thể cộng đồng dân cư.

Cần cụ thể hóa bằng việc xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách phù hợp, đặc biệt là trong việc hỗ trợ đầu tư cho hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở.

Đồng thời, cần có chính sách đãi ngộ hợp lý đối với những người trực tiếp làm công tác tham mưu, tổ chức, hướng dẫn xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương - những người giữ vai trò then chốt trong việc lan tỏa các giá trị văn hóa bền vững từ cơ sở.

“Cùng với đó, phải đẩy mạnh xã hội hóa, khai thác các nguồn lực vật chất cũng như tinh thần trong nhân dân và toàn xã hội vào việc tổ chức xây dựng đời sống văn hóa. Đồng thời, phải có sự quan tâm đúng mức đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cổ truyền, những nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương”, bà Đào Thị Hồng chia sẻ.

Với mong muốn phát triển các sản phẩm văn hóa, tạo động lực cho du lịch và mang lại nguồn lợi kinh tế - xã hội cho thành phố, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng cho rằng: Cần nâng tầm giá trị di sản, phát huy hiệu quả tiềm năng di sản như một nền tảng để phát triển văn hóa và thúc đẩy sự quan tâm của người dân đối với lĩnh vực này.

Theo bà Lê Thị Thu Hằng, những sản phẩm văn hóa mang tính “nâng tầm” sẽ trở thành chất liệu sáng tạo trong phát triển du lịch. Để làm được điều đó, cần tập trung vào hai yếu tố then chốt là con người và công nghệ.

Từ đó, tạo ra các sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, giàu trải nghiệm, đưa Tây Hồ trở thành Trung tâm dịch vụ - du lịch văn hóa của Thủ đô như mục tiêu quận đã đề ra.

Đồng quan điểm, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Tiến Hưng nhấn mạnh: Việc chuyển đổi số trong phát triển văn hóa cần được tiếp tục đẩy mạnh. Trong kỷ nguyên mới, Thành đoàn Hà Nội sẽ chủ động triển khai các hoạt động phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) gắn với công nghệ số, công nghệ 4.0.

Tổ chức Đoàn Thanh niên thành phố sẽ xây dựng lớp thanh niên chủ động, sáng tạo, vững vàng về tư tưởng, góp phần thực hiện các nhiệm vụ xã hội thông qua những hành động cụ thể, thiết thực hằng ngày.

Qua đó, phát huy vai trò, sứ mệnh của thế hệ trẻ Thủ đô trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc và chấn hưng văn hóa trong thời đại số.

Liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết: Sở sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh về vai trò của việc xây dựng và thực hiện văn hóa trong trường học.

Các nhà trường sẽ được chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ mục tiêu và nội dung văn hóa ứng xử theo hướng dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.

Đồng thời, sẽ tăng cường quản lý nền nếp, chất lượng dạy - học, thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong việc xây dựng môi trường giáo dục thanh lịch, văn minh, hướng đến hình thành chuẩn mực văn hóa ứng xử học đường bền vững.