Lần tìm dấu tích lịch sử thành cổ Ô Diên

BẢO NGÂN

VHO - Dẫu rằng, dấu tích của thành cổ Ô Diên, vùng văn hiến Ô Diên, nơi được chọn làm kinh đô của nhà nước Vạn Xuân thời Hậu Lý Nam Đế chưa tìm thấy nhưng các chuyên gia, nhà khoa học bước đầu có thể thấy những giá trị lịch sử, văn hóa nổi bật của thành cổ Ô Diên. Làm rõ lịch sử thành Ô Diên, giữ gìn và phát huy giá trị của thành này vẫn là nhiệm vụ lâu dài của các nhà sử học và khảo cổ học.

 Hội thảo khoa học mới đây đã được UBND huyện Đan Phượng phối hợp với Sở VHTT Hà Nội, Hội KHLS Việt Nam tổ chức với sự tham gia của nhiều nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học bàn về định hướng quy hoạch bảo tồn lâu dài thành cổ Ô Diên, nơi được chọn làm kinh đô của nhà nước Vạn Xuân thời Hậu Lý Nam Đế.

 Lần tìm dấu tích lịch sử thành cổ Ô Diên - ảnh 1
Tượng danh nhân Tô Hiến Thành tại đền Văn Hiến

Điểm khuất trong lịch sử Ô Diên

TS Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội cho biết, trước đây từng có nhiều hội thảo về nội dung này, qua đó xác định được khu vực thành cổ Ô Diên là một vùng, một khu vực trung tâm chính trị quân sự của nhà nước Vạn Xuân. Hiện nay, trên vùng đất cổ Đan Phượng còn hiện hữu những di tích lịch sử quan trọng liên quan đến thành cổ Ô Diên như đền Chính Khí, miếu Hàm Rồng, chùa Hải Giác, đền Văn Hiến.

Hội thảo này tiếp tục nghiên cứu, bổ sung để làm cơ sở khoa học cho định hướng quy hoạch bảo tồn lâu dài thành cổ Ô Diên, vùng văn hiến Ô Diên. TS Nguyễn Văn Sơn cũng nhấn mạnh, không gian văn hóa thành cổ Ô Diên còn có di tích đền Văn Hiến, nơi thờ Khổng Tử và đặc biệt hơn, nơi này cũng thờ Đức Thái phó Tô Hiến Thành, một trong những vị quan thanh liêm, tận trung với vương triều Lý và là nơi thờ các vị nho học trên quê hương Hạ Mỗ đã đỗ đạt trong các kỳ thi nho giáo.

Theo TS Nguyễn Quang Anh, Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội), thành Ô Diên với vai trò là kinh đô của nước Vạn Xuân trong thế kỷ thứ VI, giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Sự tồn tại của thành gắn liền với dòng sông Nhuệ cổ, một nhánh của sông Hồng, tạo nên một vị trí kiểm soát giao thương chiến lược. Danh nhân Tô Hiến Thành, sinh ra và lớn lên trên vùng đất này, đã góp phần làm rạng danh quê hương đất nước.

“Do tác động của tự nhiên và con người, lòng sông Nhuệ và sông Đáy cổ đã thay đổi nhiều so với trước đây. Điều này gây khó khăn trong việc xác định chính xác vị trí của thành Ô Diên cũng như nghiên cứu về môi trường sống của cư dân cổ. Thậm chí, chính quá trình biến động dòng chảy của sông Đáy có thể đã phá hủy nhiều di tích lịch sử và dấu vết khảo cổ liên quan tới khu vực này. Vì vậy, việc nghiên cứu, xác định vị trí thành Ô Diên trong mối quan hệ với cấu trúc địa lý sông Hồng, sông Đáy và sông Nhuệ cổ là rất cần thiết…”, TS Nguyễn Quang Anh khẳng định.

PGS.TS Bùi Văn Liêm nêu, từ các cứ liệu điền dã trong đời sống người dân Hạ Mỗ (Đan Phượng) và những bằng chứng khoa học, các nhà nghiên cứu có điều kiện soi rọi từ nhiều hệ quy chiếu khác nhau để khẳng định chắc chắn đã từng tồn tại một trung tâm chính trị và quân sự mang tên thành Ô Diên. Trung tâm ấy đã từng giữ vai trò quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Trong tâm thức người Việt Nam, mốc lịch sử Lý Nam Đế lập nên nhà nước Vạn Xuân được coi là biểu tượng khơi nguồn và tạo sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, là niềm tự hào của dân tộc trong suốt những chặng đường lịch sử của mình. PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam nhấn mạnh, tuy dấu tích của thành Ô Diên chưa tìm thấy, nhưng bước đầu có thể thấy những giá trị lịch sử, văn hóa nổi bật của thành Ô Diên. Làm rõ lịch sử thành Ô Diên, giữ gìn và phát huy giá trị của thành Ô Diên tiếp tục là nhiệm vụ lâu dài của các nhà sử học và khảo cổ học Việt Nam.

 Lần tìm dấu tích lịch sử thành cổ Ô Diên - ảnh 2
Sông Nhuệ cổ tại xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng

Đề xuất giải pháp

Đề xuất giải pháp điều tra khảo cổ học lần tìm thành cổ Ô Diên, ông Tống Trung Tín nhấn mạnh: “Bắc thuộc nhìn chung là thời kỳ mờ mịt nhất về sử liệu. Để nghiên cứu phát hiện thành cổ Ô Diên đòi hỏi phải có sự nỗ lực to lớn của liên ngành khảo cổ học, sử học, văn hóa học, cổ địa lý học, xã hội học...”.

Trên mặt đất hiện nay, dấu tích thành cổ Ô Diên hầu như không có gì. Vì thế cần tập trung nghiên cứu khảo cổ học như kết luận của hội thảo năm 2011: “Các nhà khoa học tham gia trao đổi đã khẳng định cần tiếp tục bổ sung các tư liệu (phải khai quật khảo cổ) để tìm hiểu kỹ hơn, sâu hơn và gần với sự thực hơn (nếu có thể) về thời đại này, làm rõ hơn về một số điểm còn khuất trong lịch sử Ô Diên”. Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cũng kiến nghị, đối với trường hợp khu vực Ô Diên, để tìm thành cổ Ô Diên, có thể đẩy mạnh công tác nghiên cứu khảo cổ học, trong đó ưu tiên vào việc điều tra, thăm dò toàn bộ khu vực Ô Diên.

Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, bên cạnh sự phát triển ồ ạt của các khu đô thị cao tầng, mật độ dày đặc thì việc đưa vào quy hoạch để bảo vệ, giữ gìn những không gian di sản văn hóa lịch sử này là vô cùng ý nghĩa.

Ông đề xuất huyện Đan Phượng cần đặt hàng các viện nghiên cứu, các nhà quản lý xây dựng quy hoạch đô thị huyện Đan Phượng có chất lượng. Trong đó bảo tồn được không gian di sản văn hóa, lịch sử về nhà nước Vạn Xuân, sự hình thành của cố đô Ô Diên, các di tích lịch sử đình Vạn Xuân, đền Chính Khí, miếu Hàm Rồng, đền Văn Hiến, chùa Hải Giác cũng như về thân thế sự nghiệp của Thái úy Tô Hiến Thành, người con của làng Hạ Mỗ.

“Thành cổ Ô Diên nằm ở ngã ba của sông Hồng, sông Đáy, sông Nhuệ cổ. Sông Nhuệ bắt nguồn từ khu miếu Hàm Rồng, nơi trung tâm của thành cổ Ô Diên. Sau nhiều thế kỷ, sông Hồng đã chuyển dòng, sông Nhuệ cổ cũng đã bị lấn chiếm, chuyển dòng ở nhiều đoạn. Việc khôi phục sông Nhuệ cổ không chỉ làm sống lại dòng sông Nhuệ cổ xưa trong cụm di tích lịch sử Ô Diên - Hàm Rồng mà còn tạo ra cảnh quan, môi trường cho phát triển du lịch...”, ông Bùi Quang Vinh đề xuất. 

 Do tác động của tự nhiên và con người, lòng sông Nhuệ và sông Đáy cổ đã thay đổi nhiều so với trước đây. Điều này gây khó khăn trong việc xác định chính xác vị trí của thành Ô Diên cũng như nghiên cứu về môi trường sống của cư dân cổ. Thậm chí, chính quá trình biến động dòng chảy của sông Đáy có thể đã phá hủy nhiều di tích lịch sử và dấu vết khảo cổ liên quan tới khu vực này.

Vì vậy, việc nghiên cứu, xác định vị trí thành Ô Diên trong mối quan hệ với cấu trúc địa lý sông Hồng, sông Đáy và sông Nhuệ cổ là rất cần thiết…

(TS NGUYỄN QUANG ANH)